Bất động sản nghỉ dưỡng đang đối mặt với những khó khăn nào?

178

Bất động sản nghỉ dưỡng 6 tháng cuối năm 2019 phải đối mặt với hàng loạt khó khăn.

Tại diễn đàn Đầu tư bất động sản 2019: Rủi ro và cơ hội, ông Đỗ Huy Hoàng – Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trong quý 1 năm 2019 thu hút đầu tư nước ngoài Việt Nam khoảng 1,7 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng bất động sản trong 3 năm trở lại đây luôn luôn đứng thứ 2, trong đó có bất động sản nghỉ dưỡng.

images2348716_v

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2018 có hơn 8.000 căn hộ condotel đủ điều kiện mở bán tại khoảng 12 địa phương, chủ yếu là các địa phương có cơ hội đầu tư du lịch nhiều như là Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Phan Thiết, Quảng Ninh, đặc biệt là Quảng Ninh chiếm đến 19%, Đà Nẵng 14%, Khánh Hòa hơn 26%.

“Lượng giao dịch năm 2018 cũng đến hơn 7.800 căn hộ được giao dịch, tỉ lệ hấp thụ hơn 92%. Chứng tỏ năm 2018 lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng được sự quan tâm rất nhiều. Chỉ tính riêng trong quý 1/2019, số lượng condotel mở bán ở các thị trường phía Nam nhiều hơn phía Bắc, các tỉnh phía Nam đặc biệt là từ Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đổ vào lượng giao dịch nhiều hơn”, ông Hoàng nhận định.

Đặc biệt, theo Đại diện Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, nửa cuối năm 2019, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có nhiều thuận lợi.

“Đặc biệt, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ theo xu hướng một số sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng như condotel, căn hộ khách sạn vẫn còn nhiều tiềm năng để đầu tư, đón bắt nhiều dòng tiền; Xuất hiện xu hướng đầu tư an toàn, tính toán hơn về các sản phẩm nghỉ dưỡng; Nhiều địa điểm khu vực phát triển bất động sản nghỉ dưỡng phong phú hơn, đa dạng sản phẩm hơn”, ông Đỗ Huy Hoàng nhận định.

Bên cạnh đó, Đại diện Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản cũng đưa ra những khó khăn của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, thứ nhất, không phải nhà đầu tư nào cũng hiểu rõ về cách thức, quy định pháp lý của các loại hình đầu tư.

Thứ hai, một số quy định pháp lý chưa rõ ràng. “Hiện nay Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét dự kiến sủa luật đất đai nên thời gian đương nhiên chậm. Nguồn vốn đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng bị siết chặt hơn”, ông Hoàng cho biết. Cùng với đó, ông Hoàng nhìn nhận về phát triển du lịch Việt Nam cũng khác trước đây không phát triển ào ào nữa mà buộc phải bảo vệ môi trường nên có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Riêng khung pháp lý, mới đây, thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, trong đó, yêu cầu Bộ Xây dựng phải bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel)…

“Hiện, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để sửa đổi các quy định Thông tư 02/2016/TT-BXD về quy chế quản lý sử dụng Nhà chung cư; các quy chuẩn về xây dựng, quy chế quản lý kinh doanh condotel, officetel… Dự kiến cuối năm 2019 sẽ ban hành”, ông Hoàng cho biết.

Khánh An/VnMedia