Tài sản thương mại, khách sạn, dự án nhà ở và bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đều chịu tổn thất khi Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trong báo cáo vừa công bố, CBRE nhìn nhận, Covid-19 đã tạo ra những mảng tối cho nền kinh tế khu vực châu Á Thái Bình Dương và toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đơn vị này thống kê lại những loại hình bất động sản đang chịu tác động tiêu cực và phát sinh rủi ro do dịch bệnh trong hơn 2 tháng qua.
Bất động sản thương mại giảm giá thuê
Tại Việt Nam, doanh thu của các cửa hàng ăn uống và giải trí đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các đơn vị bán lẻ đang chờ đợi đánh giá tình hình dịch bệnh, nên các yêu cầu thuê mới cũng giảm đáng kể. Đây là thách thức lớn cho các dự án trung tâm thương mại mới trong việc tìm kiếm những khách thuê đầu tiên khi nhiều khách thuê quyết định hoãn kinh doanh chờ qua dịch.
Trong khi đó, một số khách tại các trung tâm thương mại đang cố gắng thuyết phục chủ nhà cắt giảm giá thuê xuống 50% hoặc miễn phí tiền thuê trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhiều chủ tài sản cũng chủ động giảm 20-40% giá thuê cho đối tác. Tình trạng trả mặt bằng kinh doanh đã diễn ra ở rất nhiều thành phố lớn do tác động của Covid-19 trong những tháng đầu năm.
Bất động sản du lịch, khách sạn ế ẩm
Số khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc, nguồn khách chủ yếu của thị trường du lịch Việt Nam (chiếm đến 56% lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam năm 2019) đang giảm đi đáng kể do việc hạn chế các chuyến bay đến từ vùng dịch. Khách du lịch nội địa cũng tạm hoãn lại các kế hoạch du lịch (trong nước lẫn nước ngoài) của họ. Các thành phố du lịch của Việt Nam đang khó khăn vì mất khách.
Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, thị trường Nha Trang ghi nhận sự sụt giảm 75% khách du lịch quốc tế và 82% khách du lịch nội địa trong tháng 2/2020 so với cùng kỳ năm trước. Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam dự đoán mức thất thoát doanh thu du lịch có thể từ 7 đến 15 tỷ USD. Theo Cục hàng không Việt Nam, các hãng hàng không trong nước ghi nhận tổng thiệt hại doanh thu lên đến 10.000 tỷ đồng (tương đương với 430,5 triệu USD) từ việc hủy hơn 400 chuyến bay kết nối Việt Nam – Trung Quốc mỗi tuần.
Đại dịch Covid-19 là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với nhiều khách sạn ở Nha Trang, Đà Nẵng vốn phụ thuộc nhiều vào khách đoàn từ hai quốc gia này. Ngay cả khi dịch bệnh đã bị đẩy lùi, việc đa dạng hóa nguồn khách đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thị trường khách sạn, du lịch Việt Nam sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn trong quý I. Một vài khách sạn cao cấp tại TP HCM ghi nhận tỷ lệ lấp đầy sụt giảm xuống chỉ còn khoảng 30-40% trong tháng 2/2020 mặc dù đây được xem là mùa cao điểm của thị trường khách sạn tại thành phố sôi động này. CBRE dự đoán nhu cầu du lịch sẽ dần hồi phục vào quý III/2020 trong trường hợp dịch bệnh được khống chế vào quý II/2020 và kỳ vọng thị trường này sẽ tăng trưởng trở lại vào quý IV/2020.
Nhu cầu thuê khu công nghiệp, kho vận trên đà giảm
Công nghiệp và kho vận sụt giảm công suất sản xuất ảnh hưởng đến bất động sản công nghiệp. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng sẽ gây ra ảnh hưởng dây chuyền đến các quốc gia lân cận do 40% hàng hóa trung gian trong chuỗi cung ứng của khu vực châu Á đều được sản xuất tại Trung Quốc. Các nhà kinh tế học nhận định Việt Nam, Malaysia và Campuchia sẽ là những thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi hơn 6% tổng giá trị gia tăng (GVA) của các nền kinh tế này đều phụ thuộc vào Trung Quốc.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra khi nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào từ Trung Quốc chiếm đến 35% tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của Việt Nam. Sự bùng phát của dịch bệnh cũng đồng thời gây ảnh hưởng đến bất động sản công nghiệp khi thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự sụt giảm về nhu cầu từ các khách thuê Trung Quốc trong những tháng đầu năm.
Nhiều dự án nhà ở ‘nín thở’ chờ qua mùa dịch
Từ sau Tết đến đầu tháng 3/2020, nhiều chủ đầu tư và cả những công ty môi giới buộc phải tạm hoãn lại các hoạt động mở bán dự án vì tâm lý tránh tụ tập đông người, hạn chế các sự kiện trong lúc dịch bệnh bùng phát. Một khi dịch bệnh được khống chế, khả năng các chủ đầu tư sẽ đẩy sản phẩm ra cùng lúc, điều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt về thị phần để tìm kiếm đầu ra trong nửa cuối năm 2020. Hiện nay các nhà đầu tư vào kênh này cũng có tâm lý chờ đợi và dè chừng hơn trong các quyết định đầu tư của mình khiến cho không khí thị trường ảm đạm.
Trung Tín/VnExpress