Giá bất động sản vẫn tăng bất chấp giữa “bão” Covid-19; Dân chờ mua giá rẻ, nhà đầu tư “cắt lỗ” khiến bất động sản khó càng khó… là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Giá bất động sản tăng bất chấp ra sao giữa “bão” Covid-19?
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết quý I/2020, giá bất động sản tại một số địa phương có thị trường bất động sản phát triển có biến động. Tuy nhiên mức độ biến động không lớn.
Cụ thể, tại TP. Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,21%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 1,57%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 2,51%. Còn đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019.
Báo cáo cũng cho biết tại TP. Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,5 % so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 2,75%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 3,78%. Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm 2019.
Dân chờ mua giá rẻ, nhà đầu tư “cắt lỗ” khiến bất động sản khó càng khó
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp địa ốc trước tác động của đại dịch Covid-19.
Lãnh đạo VNREA nhận định, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian qua.
Cụ thể, đối với các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản nhà ở, VNREA cho biết hoạt động xây dựng và cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn do công trường phải dừng thi công; vật tư xây dựng trong nước cũng như nhập khẩu bị gián đoạn.
Cùng với đó, nhu cầu khách hàng mua giảm, đặc biệt trước những dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu và trong nước tác động trực tiếp tâm lý của khách hàng.
“Tâm lý chờ đợi, thăm dò thị trường của người dân, cũng như việc bán hàng “cắt lỗ” của các nhà đầu tư đơn lẻ gia tăng, làm cho thị trường càng khó khăn hơn”, lãnh đạo VNREA nhận định.
Tranh luận về siết bất động sản cao cấp: Bán ế doanh nghiệp tự khắc giảm?
Trong báo cáo mới đây được gửi tới Quốc hội, Bộ Xây dựng cho rằng các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới những dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp.
Theo Bộ này, thị trường xảy ra tình trạng nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Do vậy, để đảm bảo cân đối cung – cầu tránh tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng cần siết đầu tư bất động sản cao cấp.
Giải pháp này của Bộ Xây dựng ngay sau đó nhận được những ý kiến trái chiều. Một số ý kiến đồng tình việc nhà nước cần có những can thiệp phù hợp để ổn định thị trường, giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến gay gắt phản đối, cho rằng việc can thiệp như vậy dễ nảy sinh những hệ luỵ.
Giá nhà đất sau dịch: “Không có sung rụng để mà chờ”
“Tâm lý nhà đầu tư vẫn luôn tin rằng giá bất động sản sẽ giảm mạnh do dịch Covid -19 nên nhiều người chọn cách ngồi chờ thời. Nhìn nhận một cách thực tế thì việc bất động sản giảm sẽ rất khó , vì chi phí các doanh nghiệp bỏ vào dự án thường rất lớn nên việc chờ giá giảm sâu để nhảy vào đầu tư thì không nên. Không có sung rụng nên đừng nằm chờ”, anh Hồ Phương, một nhà đầu tư chia sẻ.
Theo anh Phương, thị trường Bình Dương, mức giá không giảm mà đang cho thấy dấu hiệu tăng khi nhiều doanh nghiệp bung hàng. Các doanh nghiệp cũng đang cạnh tranh giá quyết liệt ở phân khúc chung cư.
Trong khi đó, DKRA cho biết, kể từ cuối năm 2018 – 2019, dù thị trường có suy giảm so với trước đó, nhưng thực tế mức giá không hề giảm mà còn tăng lên một mặt bằng mới do áp lực từ nguồn cung bị giới hạn. Bước sang quý 1/2020, do tình hình dịch bệnh, chưa có nhiều dự án mở bán để ghi nhận giao dịch nên mức giá chủ yếu vẫn duy trì như ở quý 4/2019, chưa thể xác định là giảm nên không thể nhận định giá đã xuống đáy hay chưa.
Một năm “đen đủi” với bất động sản cho thuê, “đất vàng” cũng bật khóc
Theo ghi nhận của PV , dù đã sau hơn 1 tuần nới lỏng giãn cách xã hội, trên các tuyến phố Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… những nơi được mệnh danh là những “đất vàng”, “đất kim cương” vẫn trong tình trạng đìu hiu, nhiều cửa hàng chật vật tìm khách thuê, sang nhượng lại mặt bằng.
Chuyên gia JLL Việt Nam cho biết, sự lây lan nhanh chóng và bất ngờ của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã tác động rất lớn tới bất động sản cho thuê.
“Các nhà bán lẻ sẽ phải sẵn sàng lèo lái qua một giai đoạn rủi ro cao cho dòng tiền và tăng chi phí hoạt động phát sinh từ sự sụt giảm nhu cầu mua sắm”, chuyên gia JLL nhận định. Thậm chí, các chuyên gia cho rằng phân khúc bất động sản cho thuê này “thấm đòn” Covid-19 nặng nề chỉ sau mỗi bất động sản du lịch.
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)
Nguồn bài viết: Dân Trí