Thị trường bất động sản (BĐS) vốn đã gặp khó từ trước khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát bởi nhiều dự án vướng mắc về mặt pháp lý khiến nguồn cung phân khúc bình dân khan hiếm. Đại dịch tràn qua càng khiến những khó khăn rõ nét hơn.
Nhà ở tăng giá
Báo cáo diễn biến thị trường BĐS nhà ở TP HCM và vùng phụ cận quý III/2021 của Công ty DKRA Việt Nam cho thấy do dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh – thành phía Nam, các địa phương phải siết chặt giãn cách xã hội nên nguồn cung cũng như mức độ tiêu thụ ở phân khúc nhà ở đều sụt giảm. Cụ thể, nguồn cung phân khúc này giảm 12%, lượng tiêu thụ giảm 16% so với quý II/2021.
Tuy tiêu thụ giảm nhưng theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, giá bán BĐS trong phân khúc nhà ở vẫn không giảm. Đặc biệt, ở Hà Nội và TP HCM, giá bất động sản tăng 5%-15% so với cùng kỳ. Còn theo trang Batdongsan.com.vn, giá chào bán căn hộ ở TP HCM trong tháng 8 vừa qua có xu hướng đi ngang so với tháng 7 nhưng tăng 9% so cùng kỳ năm ngoái. Tại Hà Nội, giá căn hộ cũng tăng 8% so với cùng kỳ.
Các chuyên gia BĐS nhìn nhận nhu cầu nhà ở luôn cao và là nhu cầu thật. Do vậy, trước tác động của đại dịch, dù nhu cầu đầu cơ, đầu tư chững lại nhưng nhu cầu nhà ở thật sẽ không giảm sút. Mặt khác, nguồn cung khan hiếm và chi phí triển khai dự án tăng cao cũng là nguyên nhân khiến giá bán căn hộ bị đẩy lên.
Ở phân khúc đất nền, trong quý III/2021, thị trường TP HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận nguồn cung sụt giảm đáng kể với mức chỉ bằng 4,1% so với quý trước đó, còn mức tiêu thụ chỉ bằng 1,5% quý trước. Tình trạng thiếu vắng nguồn cung đất nền diễn ra chủ yếu tại TP HCM trong khi thị trường đất nền vùng ven tiếp tục giữ vị thế chủ lực, tập trung chủ yếu ở Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Hàng loạt dịch vụ trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, quán ăn, quán bar, làm đẹp… phải ngừng hoạt động trong giai đoạn giãn cách xã hội đã tác động mạnh đến các phân khúc BĐS liên quan như trung tâm thương mại, mặt bằng nhà phố, văn phòng cho thuê…
Theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt khu vực có giá thuê BĐS cao ngất ở quận 1, quận 3 (TP HCM) đã không còn sầm uất trong gần 2 năm qua. Nhiều chủ khách sạn mini rao bán nhà, nhiều mặt bằng treo biển cho thuê nhưng không ai hỏi… Còn tại TP Hà Nội, theo ghi nhận của Savills Việt Nam, tổng nguồn cung văn phòng quý III/2021 đạt trên 2,1 triệu m2 với 188 dự án, tăng 6% so với quý trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá chào thuê trung bình là 20,8 USD/m2/tháng, giảm 2% so với quý trước và cũng giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Savills Việt Nam giải thích phần lớn khách hàng gặp khó khăn về mặt tài chính trong dịch Covid-19 nên có xu hướng chọn không gian làm việc tiết kiệm, ví dụ không gian làm việc chia sẻ. Dự báo, lượng không gian làm việc tại các văn phòng chia sẻ toàn cầu tăng trưởng 21,3%/năm.
Một phân khúc khác cũng gặp khó khăn là BĐS nghỉ dưỡng. Hiệp hội BĐS Việt Nam công bố số liệu BĐS nghỉ dưỡng đang chào bán trên thị trường trong quý III năm nay đạt 7.206 sản phẩm, giao dịch đạt 2.280 sản phẩm, tỉ lệ hấp thụ chỉ 31,6%. Tuy vậy, các đơn vị theo dõi thị trường nhìn nhận BĐS nghỉ dưỡng có sự phân hóa mạnh theo dự án, khu vực… Chẳng hạn, nếu dự án condotel gặp khó thì biệt thự biển lại thu hút người mua, nhất là ở Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng… “Thị trường BĐS nghỉ dưỡng nhìn chung đều gặp khó do du lịch còn chưa có lối ra. Nhưng một số nơi có vị trí đặc biệt lại được đón nhận tốt hơn mong đợi. Đơn cử, một dự án cao cấp tại Phú Quốc vẫn đạt doanh thu 3.000 tỉ đồng cho gần 100 căn shophouse, nhà phố trong đợt mở bán online diễn ra trong thời gian dịch Covid-19 lần thứ 4. Dự án này hút khách do Phú Quốc mới lên thành phố, có thông tin chủ đầu tư lớn triển khai khu miễn thuế…” – ông Đặng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Smartland, dẫn chứng.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định một số địa phương “mới nổi” trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng như Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu hiện cũng thu hút nhà đầu tư cá nhân đi săn đất nông nghiệp để đón đầu “ông lớn” BĐS đổ bộ về đầu tư các dự án quy mô lớn.