Đó là đề nghị của Hiệp hội Bất động sản TPHCM trong văn bản gửi đến Thủ tướng… về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vượt khó khăn trong đại dịch.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan Trung ương phối hợp với UBND TPHCM khẩn trương rà soát, sớm có kết luận xử lý các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành.
Trong đó, thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, giúp bổ sung nguồn cung sản phẩm cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân và cải thiện môi trường kinh doanh.
Đối với dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bao gồm: Đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp do chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, các thửa đất rạch, bờ đất, kênh mương nội đồng do Nhà nước quản lý, thường chiếm tỷ lệ khoảng trên dưới 10% diện tích dự án, có hình dạng bất định hình, nằm rải rác, xen cài trong dự án.
Dự án nhà ở phải chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật về đất đai; về quy hoạch đô thị; về xây dựng; về nhà ở; về đầu tư; về kinh doanh bất động sản… theo các quy trình thủ tục hành chính khác nhau.
Hiện nay, UBND TPHCM đang xem xét quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp.
Theo đó, giao thuê đất dự án cho doanh nghiệp, thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện song song các thủ tục xác định giá đất; thẩm định tiền sử dụng đất; quyết định tiền sử dụng đất dự án; doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất; quyết định chấp thuận đầu tư, công nhận chủ đầu tư; cấp giấy phép xây dựng cho dự án; xác định thời gian cụ thể để thực hiện các thủ tục hành chính.
Thực chất, với quy trình này, vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nộp tiền sử dụng đất dự án, rồi mới được công nhận chủ đầu tư, mới được cấp giấy phép xây dựng và được thi công.
HoREA nhận thấy, quy trình tính tiền sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, thì quy trình cấp giấy phép xây dựng và khởi công dự án cũng phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy trình công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở cũng phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở. Lúc này, mới đảm bảo nguyên tắc thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật.
Quy trình này nếu được UBND thành phố thông qua, thì không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, làm chậm quá trình triển khai thực hiện dự án, làm tăng chi phí đầu tư, tăng giá thành, làm tăng giá bán nhà mà người mua nhà phải gánh chịu. Bởi lẽ, pháp luật về xây dựng không quy định doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất rồi mới được thi công các công trình của dự án.
Đồng thời, pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản chỉ quy định chủ đầu tư dự án phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trong 2 trường hợp: Trước khi lập thủ tục xin cấp “sổ đỏ” dự án; Trước khi bán nhà ở có sẵn, hoặc nhà ở hình thành trong tương lai.
Do đây là vấn đề rất quan trọng, nên Hiệp hội đề nghị UBND TPHCM quan tâm, cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Đồng thời, HoREA đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát và hướng dẫn ban hành “Quy trình chuẩn” về đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp để thống nhất thực hiện tại các địa phương.
Quế Sơn
Nguồn bài viết: Dân Trí