Thanh khoản chậm, hàng tồn kho nhiều đẩy thị trường vào giai đoạn ngủ đông. Có ý kiến còn cho rằng, một số phân khúc và khu vực đang rơi vào tình trạng “đóng băng”.
Thị trường bất động sản gặp khó
Thống kê từ đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, tính đến ngày 30/9, dữ liệu từ 15 doanh nghiệp bất động sản lớn được niêm yết trên sàn chứng khoán ghi nhận, tổng lượng tồn kho là gần 261.000 tỷ đồng, tương đương 10,4 tỷ USD, tăng gần 7,4% so với quý trước và tăng hơn 28% so với cùng kỳ.
Liên quan đến vấn đề hàng tồn kho, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup đưa ra dữ liệu đáng chú ý, đó là thời gian vòng quay hàng tồn kho tăng ở mức rất cao, lên mức trên 1.497 ngày ngày, tức hơn 4 năm. Đây là mức cao đáng báo động cho các doanh nghiệp bất động sản. Theo ông Thuân, đây là một con số rất đáng quan ngại.
Lý giải giai đoạn khó chồng khó của thị trường bất động sản, giới chuyên gia cho rằng, sự điều chỉnh một số chính sách đặc biệt việc co hẹp nguồn vốn vào thị trường bất động sản đã tạo nên khó khăn cho việc giải ngân vốn vay cho ngân hàng đồng thời người mua cũng đắn đo khi đưa ra quyết định. Những điều này đã khiến hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, một vấn đề đáng lo ngại chính là niềm tin của nhà đầu tư. Theo ông Hiếu, hiện tại niềm tin của nhà đầu tư ở mức rất thấp.
Với sự mất tin tưởng của nhà đầu tư trên thị trường vốn nói chung, bao gồm cả thị trường trái phiếu, cổ phiếu mà tất cả các quỹ phát triển cũng đang gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt các quỹ đầu tư phát triển nhà ở, bất động sản hầu như tất cả các kênh vốn đang đóng băng. Tình hình này rất rủi ro cho nền kinh tế.
Trong văn bản kiến nghị và tại các diễn đàn, cũng như trả lời giới truyền thông, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) nhấn mạnh nhiều lần về sự rất khó khăn của thị trường bất động sản. Ông cho rằng, thị trường có thể rơi vào suy thoái. Trong đó, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn, đặc biệt là rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản. Tình thế khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản có một số điểm tương đồng nhưng cũng có điểm khác biệt so với thời điểm tiền khủng hoảng đã dẫn đến thị trường khủng hoảng “đóng băng” trong giai đoạn 2008-2013.
Giải pháp “rã băng” bất động sản
Một giải pháp mà ông Lê Hoàng Châu đưa ra để gỡ khó cho thị trường địa ốc là kiến nghị Chính phủ nới thêm 1% tăng trưởng tín dụng ngân hàng để khơi thông dòng tiền trên thị trường.
Còn TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sự sụt giảm niềm tin sẽ gây rất nhiều rủi do cho cả doanh nghiệp, thị trường và nền kinh tế. Vị chuyên gia này đặt ra câu hỏi: “Vậy, làm sao chúng ta có thể tạo lại được niềm tin cho nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.. Tôi nghĩ trước hết chúng ta cần phải ngăn chặn làm sao để không xảy ra tình trạng vỡ nợ hàng loạt thị trường bất động sản”.
Ông Hiếu đề ra một số giải pháp như, với trái phiếu đang đến hạn trong năm nay và năm 2023 Chính phủ cần có chương trình hoãn nợ cho các doanh nghiệp làm ăn bài bản, đúng luật.
Cần có chương trình cho vay đặc biệt cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Với tất cả điều đó, dần dần nhà đầu tư sẽ có lại niềm tin và trở lại với thị trường vốn, đầu tư trở lại vào cổ phiếu trái phiếu, và các quỹ phát triển, quỹ đầu tư cũng có lại nguồn vốn để hỗ trợ lại thị trường.
“Những giải pháp này cần phải được làm ngay sẽ giúp thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường trái phiếu có thể hồi phục vào giữa năm 2023 để chúng ta tiếp tục vấn đề phát triển kinh tế”, ông Hiếu nói.
Trong khi đó, TS Sử Ngọc Khương – Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam chỉ ra, vấn đề ở đây là pháp lý và vốn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Khi Ngân hàng Nhà nước siết cho vay và kiểm soát chặt trái phiếu đã gây khó khăn cho thị trường bất động sản. Do đó, cần sớm hỗ trợ doanh nghiệp với các dự án đã triển khai, ngân hàng đã thẩm định hồ sơ thì tiếp tục giải ngân. Đối với những dự án đã đầy đủ các thủ tục pháp lý, hiện cần nguồn vốn để phát triển thì cũng cần cấp vốn cho doanh nghiệp làm.
Hải Nam/Nhịp sống thị trường