Nhiều giao dịch bất động sản với giá trị lớn vẫn được thực hiện bằng tiền mặt. Tuy nhiên theo chuyên gia, xách cả bao tải tiền để đi giao dịch như vậy rất rủi ro.
Ôm đống tiền mặt đi giao dịch rất rủi ro
Tại một tọa đàm về thanh toán điện tử mới đây, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, trong năm 2019, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng thanh toán điện tử hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên theo vị này, dù đi rất nhanh nhưng con số tăng trưởng lại “chưa nói lên nhiều điều” bởi xuất phát điểm rất thấp. Ở Việt Nam, tiền mặt vẫn là vua, chiếm phần lớn trong các giao dịch.
Như phản ánh, thậm chí những mua sắm có giá trị lớn như bất động sản vẫn được rất nhiều người sử dụng phương thức trả tiền mặt.
Nghị quyết 02 của Chính phủ khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch bất động sản có giá trị lớn, nhưng từ trước tới nay việc mua bán này thường xuyên diễn ra cảnh “tiền trao cháo múc”.
Trao đổi với , TS. Căn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam còn tương đối cao so với các nước trong khu vực. Trong đó, có nguyên nhân cả từ 3 phía, người tiêu dùng, các tổ chức cung cấp thanh toán và cơ quan quản lý nhà nước.
“Người Việt thói quen tích trữ, sử dùng tiền mặt. Đôi khi cũng có người chưa thực sự tin tưởng vào các hình thức thanh toán điện tử nên không muốn trải nghiệm. Còn từ phía các tổ chức cung cấp thanh toán, mặc dù có những tiến bộ song mức độ tiện lợi, lấy được niềm tin từ phía khách hàng chưa phải cao. Đâu đó vẫn xảy ra những rủi ro trong thanh toán, xử lý rủi ro còn bất cập, còn lâu”, chuyên gia Cấn Văn Lực nói.
Trong lĩnh vực bất động sản, ông Cấn Văn Lực cho biết, thực tế vẫn có rất nhiều các giao dịch được thanh toán tiền mặt. Nhu cầu này do cả hai phía từ người bán lẫn người mua.
“Nếu người bán muốn nhận vào tài khoản ngân hàng thì có thể yêu cầu người người mua chuyển khoản. Nhưng nhiều trường hợp, người bán lại thích “tiền tươi thóc thật”. Việc xách cả bao tải tiền để đi giao dịch như vậy rất rủi ro. Vừa lo phải tiền giả, lại lo cướp bóc, mất trộm, nguy hiểm rình rập…”, chuyên gia Cấn Văn Lực nói.
Ngoài yếu tố thói quen, tâm lý tích trữ, sử dụng tiền mặt, chưa ý thức được hết các rủi ro, vị chuyên gia này cho rằng, phương thức thanh toán tiền mặt còn phổ biến trong giao dịch mua bán nhà đất còn xuất phát từ các yếu tố như trốn thuế, rửa tiền…
Hiện nay, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các sở cần có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động tại địa phương thực hiện công tác phòng chống rửa tiền theo quy định.
Theo đó, cần lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn (từ 300 triệu đồng trở lên) về Cục Quản lí nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng và Cục Phòng, chống rửa tiền – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng, việc báo cáo này có thể chưa phải hiệu quả cao đối với việc phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản nhưng phần nào có tác động nhất định. Cần tăng ý thức hơn nữa của các bên trong giao dịch bất động sản nhằm minh bạch hơn trong lĩnh vực này.
Nhiều người vẫn nghĩ “tiền trong tay mình là an toàn nhất”
Vốn là một người kinh doanh bất động sản, chị Miên (Hà Đông, Hà Nội) cho biết mỗi năm chị thực hiện rất nhiều hợp đồng nên muốn thực hiện thanh toán bằng cách chuyển khoản cho tiện lợi, an toàn.
Tuy nhiên theo chị này, không phải người nào cũng muốn như vậy, nhất là những người trung niên, hoặc sống ở các khu vực nông thôn.
“Nhiều người vẫn nghĩ “tiền trong tay mình là an toàn nhất” do vậy khi mua bán, họ yêu cầu được nhận bằng hình thức tiền mặt”, chị Miên cho biết, chẳng lạ gì khi thấy cả đống tiền ngổn ngang ở các phòng công chứng.
Sau khi đăng bài viết “Vác bao tải, chở ô tô đầy… tiền đi mua bất động sản”, một số độ giả cũng gửi bình luận nêu một số lý do khiến người Việt vẫn còn sử dụng tiền mặt nhiều trong giao dịch. Ngoài lý như việc gửi và rút tiền mặt tại ngân hàng phức tạp, mất nhiều thời gian, điểm giao dịch ít, mất phí, thái độ cán bộ ngân hàng… thì đằng sau những giao dịch ấy còn là những câu chuyện khác như: trốn thuế, rửa tiền, tiền không rõ nguồn gốc sợ bị phát hiện…
Một chuyên gia bất động sản cho biết, giao dịch bất động sản thường có giá trị rất lớn, nhiều biệt thự, nhà phố được rao bán cả vài chục tỷ đồng. Do vậy rõ ràng việc ôm cả một “núi” tiền như vậy là rất rủi ro. Việc giảm tiền mặt trong lĩnh vực này, đẩy mạnh các giao dịch điện tử sẽ có cơ hội giảm tiền hình thành trái pháp luật.
Để phòng chống và ngăn ngừa nguy cơ rửa tiền, chuyên gia cho rằng, các quy định pháp luật nên bắt buộc các giao dịch bất động sản, giao dịch mua bán giá trị lớn phải thông qua ngân hàng, hạn chế giao dịch bằng tiền mặt. Với cách làm này, khi tiền đã qua ngân hàng, các ngân hàng sẽ có trách nhiệm xác minh nguồn tiền và báo cáo lên các cơ quan chức năng khi có sai phạm.
Một lý do nữa dẫn đến việc nhiều người muốn giao dịch tiền mặt là để giảm bớt thuế, phí. Nhiều trường hợp mua bán nhà, đất khi làm thủ tục chuyển nhượng khai giá thấp hơn so với giao dịch thực tế. Thời gian qua, cơ quan thuế phát hiện nhiều hồ sơ khai thuế với giá chuyển nhượng thấp hơn cả giá trên bảng giá do UBND tỉnh thành công bố.
Đối với các trường hợp kê khai giá thấp để giảm tiền thu, nếu có xảy ra tranh chấp, bên mua sẽ không thể chứng minh được số tiền thực đã giao cho bên bán, đặc biệt đối với những thanh toán sử dụng tiền mặt. Khi tham gia giao dịch, người mua cần đặc biệt lưu ý vấn đề này…
Nguyễn Mạnh
Nguồn bài viết: Dân Trí