Theo VDSC, một số chính sách được ban hành gần đây, sẽ giúp thị trường nhà đất phần nào khơi thông điểm nghẽn pháp lý, giúp tăng nguồn cung và cởi trói cho một số công ty bất động sản.
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngay trong thời gian đầu năm 2020, thị trường bất động sản đã phải đối mặt với sóng gió.
Sự bùng phát dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế, đặc biệt là các ngành liên quan đến giao thương và vận chuyển. Tác động lên ngành bất động sản dân dụng chưa rõ ràng trong ngắn hạn, khi nhu cầu sử dụng và sinh sống phụ thuộc vào kế hoạch trong dài hạn của người mua nhà. Tuy nhiên, theo VDSC, tác động có thể sẽ trở lên lớn hơn, trong trường hợp cả nền kinh tế bị ảnh hưởng, do tính chu kỳ cao của ngành bất động sản.
Hơn nữa, tỷ lệ người mua đầu tư và đầu cơ trong một dự án tại Việt Nam là tương đối cao, có thể dẫn đến tâm lý mua bán bị tác động.
Điểm sáng của thị trường là một số chính sách được ban hành gần đây, sẽ giúp thị trường phần nào khơi thông điểm nghẽn pháp lý. Qua đó, sẽ giúp tăng nguồn cung cho thị trường và cởi trói cho một số công ty bất động sản.
Cụ thể, Nghị định 25 quy định việc giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường. Đặc biệt, đối với các dự án đã hoàn thành thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhưng chưa thể triển khai do chưa được Nhà nước giao đất/cho thuê đất trong thời gian qua nay sẽ được tái khởi động.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng kỳ vọng về các đợt kích cầu trong năm 2020, đặc biệt là việc triển khai các dự án đầu tư công, được coi như động lực hỗ trợ mạnh mẽ cho nhu cầu bất động sản.
Chẳng hạn, Văn phòng UBND TPHCM thông báo vừa chấp thuận tiếp tục triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cùng với đó là tín hiệu triển khai về một số các dự án hạ tầng trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
VDSC cho rằng, các công ty bất động sản nhìn chung sẽ đều được hưởng lợi từ xu thế này. Đây cũng được coi là đợt “sàng lọc” thị trường, cơ hội đối với các công ty quản trị tốt và dòng tiền khỏe mạnh.
Nhìn lại năm 2019, thị trường bất động sản khép lại với số lượng nguồn cung thấp nhất trong 5 năm trở lại đây tại TPHCM (giảm 16% so cùng kỳ), trong khi thị trường Hà Nội bùng nổ với số lượng căn hộ mở bán cao nhất trong 3 năm gần nhất (tăng 7%).
Điểm khác biệt giữa hai thị trường trọng điểm hiện nay là sức hấp thụ tại thị trường TPHCM cao hơn hẳn so với Hà Nội, khi đây là năm thứ 3 liên tiếp sức cầu vượt cung, trong khi Hà Nội là ngược lại.
Năm 2020, theo dự báo của CBRE, sẽ tiếp tục có sự phân hóa giữa hai thị trường trọng điểm này. Trong khi TP.HCM sẽ có sự cải thiện từ nguồn cung (tăng 15% so cùng kỳ) do kỳ vọng về nới lỏng yếu tố pháp lý, thì thị trường Hà Nội sụt giảm (giảm 17%), do lượng cung từ các đại dự án của chủ đầu tư Vinhomes giảm bớt.
Theo đánh giá của VDSC, với những thông tin tích cực gần đây, cộng với nền tảng nhu cầu tốt hơn, thị trường bất động sản trong TPHCM được đánh giá tiềm năng hơn.
Mai Chi
Nguồn bài viết: Dân Trí