Siêu ứng dụng – “cây đũa thần” của nền kinh tế chia sẻ
Mô hình “siêu ứng dụng” là một cổng duy nhất cho phép mọi người thực hiện nhiều hoạt động khác nhau, tiết kiệm dung lượng điện thoại, giúp tiết kiệm thời gian khi không phải mở nhiều ứng dụng. Tuy nhiên, nó không phải không có nhược điểm, đặc biệt là xét tới quyền riêng tư, tính cạnh tranh.
Xu hướng này phát triển mạnh mẽ tại châu Á và đang lan sang Mỹ La-tinh. Tại châu Á, các ứng dụng như WeChat, Alipay, Grab, Go-Jek, Paytm, Kakao và Line đang trở thành một phần không thể thiếu của nhiều người. Phần lớn đều bắt đầu từ các tính năng cơ bản như nhắn tin, thanh toán, gọi xe… nhưng dần trở nên đa năng hơn. Các công ty Bắc Mỹ và châu Âu như Facebook, Uber, Amazon cũng đang hướng đến siêu ứng dụng song không dễ để họ trở thành “WeChat phương Tây”.
Một trong những ưu điểm lớn nhất của siêu ứng dụng chính là nó quá quyền lực. Nhắn tin, truy cập mạng xã hội, đọc báo, mua vé, gọi xe, chơi game, dịch vụ tài chính, giao đồ ăn, đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay, đặt lịch khám bệnh… tất cả các hoạt động này đều có trên các siêu ứng dụng. Mặc dù không có một báo cáo nào thống kê chính xác số lượng siêu ứng dụng, nhưng chúng đang mọc lên khắp nơi. “Siêu ứng dụng đã trở thành một ngành kinh doanh ở châu Á”, Vishal Harnal, một đối tác chung của công ty liên doanh 500 startups tại Thung lũng Silicon ở Singapore nhận định.
Lĩnh vực này là một bước tiến lớn đối với những nền kinh tế mới nổi. Hàng triệu người ở các thị trường này đã từng lỡ nhịp kỷ nguyên khoa học máy tính, nhưng đang tiến thẳng vào thời đại smartphone, với các ứng dụng thông minh. Bằng chứng, thị trường ứng dụng trị giá hàng tỷ USD đã thu hút sự cạnh tranh khốc liệt. Chỉ riêng tại Trung Quốc, đã có hơn 4 triệu ứng dụng và đang tiếp tục tăng lên hàng ngày. Và thành công của WeChat đã truyền cảm hứng cho các công ty trên khắp châu Á để xây dựng các “siêu ứng dụng” trong khu vực.
Những tay chơi “siêu ứng dụng” ở thị trường Việt Nam
Các siêu ứng dụng ở Việt Nam, cũng giống như WeChat – đều xuất phát từ một dịch vụ cơ bản (gọi xe, nhắn tin, mạng xã hội), sau đó tích hợp thêm các tính năng mới, ví dụ như thanh toán điện tử vào nền tảng ban đầu, với sự tham gia từ nhiều doanh nghiệp Việt cũng như các đại gia ngoại quốc. Hiện tại, Grab đang là người chơi nổi bật nhất trong cuộc đua siêu ứng dụng ở Việt Nam, với các dịch vụ giao nhận thức ăn, kết nối di chuyển cùng với thanh toán trực tuyến thông qua đối tác chiến lược Moca.
Cũng với tham vọng trở thành một siêu ứng dụng, Zalo tích hợp thêm nhiều chức năng mới vào nền tảng ứng dụng trò chuyện ban đầu với Zalo Pay, Zalo Taxi, Zalo Food, Zalo Travel, Zalo Bank…. Không bỏ qua sức nóng của cuộc đua siêu ứng dụng, Mocha của Viettel được tập đoàn này định hướng trở thành trung tâm của hệ sinh thái dành cho giới trẻ, đáp ứng các nhu cầu nghe nhạc, xem phim, video, đọc tin tức, chơi game…
Mặc dù các siêu ứng dụng đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đi lại, ăn uống, mua sắm…. các siêu ứng dụng tập trung phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) và các vấn đề xoay quanh dịch vụ tài chính như cho vay tiêu dùng, mua nhà, bảo hiểm, y tế, giáo dục… những nhu cầu thiết yếu trực tiếp đến người dân vẫn chưa được khai thác đúng mức.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay một số ông lớn trong ngành bất động sản đang âm thầm gia nhập thị trường với các siêu ứng dụng. Có thể kể đến như ứng dụng VinID, ngoài những tính năng mua sắm, giải trí, nộp tiền phí dịch vụ, kết nối cộng đồng, tư vấn mua bất động sản thời gian tới nhiều khả năng ông lớn này sẽ thêm tính năng bán bất động sản online…Bên cạnh VinID, trong lĩnh vực bất động sản cũng manh nha một số siêu ứng dụng khác nhưng vẫn còn ở mức sơ khai như Cenhomes, House Maps….
Được biết, trong thời gian ngắn tới đây, một siêu ứng dụng mới trong ngành BĐS cũng chuẩn bị ra đời. Được phát triển bởi một trong những ông lớn đang có số lượng căn hộ mở bán quy mô lớn trên thị trường bất động sản Việt Nam 2019, nhiều khả năng đây sẽ là một “siêu App” tích hợp vô vàn các tính năng như: Mua – bán – cho thuê nhà online, tư vấn dự án, cho vay tiêu dùng, gọi xe phục vụ, du lịch, giáo dục, y tế, mua sắm… trên nền tảng công nghệ rất hiện đại… Đặc biệt, ứng dụng này sẽ đột phá với tính năng tư vấn đầu tư bất động sản lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, hứa hẹn sẽ đưa các nhà đầu tư vào cuộc chơi hấp dẫn như chứng khoán nhưng lại an toàn và khả năng sinh lời cao hơn gấp bội.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cuộc đua phát triển công nghệ 4.0, các siêu ứng dụng sẽ giúp cho diện mạo thị trường bất động sản dự kiến sẽ thay đổi mạnh mẽ chỉ trong 3-5 năm tới, giúp giải quyết bài toán về thời gian, chi phí và cơ hội, mang lại giá trị bền vững cho ngành. Các ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực bất động sản hiện vẫn chưa phong phú và sẽ cần thêm nhiều thời gian để thay đổi hành vi của người dùng. Tuy nhiên, trong tương lai, chúng sẽ ngày càng đa dạng hơn, thấu hiểu người dùng nhiều hơn nữa và hiệu quả sẽ càng cải thiện.