Với thực trạng hiện tại, cả về tài chính và khả năng triển khai dự án, Kosy của Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Việt Cường có thể sẽ cần rất nhiều cố gắng, nỗ lực để triển khai loạt dự án lên tới hàng tỷ USD.
Tham vọng tỷ USD
Đầu tư về các địa phương đang là xu hướng của các ông lớn địa ốc hiện nay, trong bối cảnh dư địa phát triển ở các thành phố trung tâm đang cạn dần.
Công ty Cổ phần (CTCP) Kosy – một doanh nghiệp vừa niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE là một trong số những cái tên đáng chú ý đi đầu xu hướng này, với quỹ đất được giới thiệu lên đến cả nghìn ha, như tại Hà Nội (23,3 ha), Lào Cai (hàng trăm ha), Phú Thọ (83 ha), Long An (183 ha), Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bến Tre,…
Trong lĩnh vực năng lượng, Kosy đã triển khai một số nhà máy thuỷ điện tại Lai Châu với công suất 34 MW, tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, mục tiêu tháng 12/2020 sẽ phát điện.
Ngoài ra còn kế hoạch đầu tư dự án thuỷ điện mới tại Lai Châu, điện gió tại Bạc Liêu (400 MW), Cà Mau (200 MW), điện mặt trời tại Bình Thuận (200 MW)… Trong đó riêng nhà máy điện gió ở Bạc Liêu đã lên tới 10.000 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư của các dự án trên vượt quá 1 tỷ USD. Kosy kỳ vọng khi các dự án bất động sản và năng lượng tái tạo mới đi vào triển khai, doanh thu 5 năm nữa sẽ đạt trên 10.000 nghìn tỷ một năm và 5 năm tiếp theo con số này sẽ tăng gấp 2 đến 3 lần.
Loạt dự án dở dang
Bỗng chốc xuất hiện với loạt dự án khủng, giới đầu tư không khỏi băn khoăn về tiềm lực thực sự của Kosy.
Theo báo cáo tài chính, tới cuối quý II/2019, tổng tài sản của Kosy đạt gần 1.800 tỷ đồng, vốn cổ phần hơn 1.000 tỷ đồng. Doanh thu nửa đầu năm ở mức 569 tỷ đồng, lãi sau thuế ở mức khá khiêm tốn 13,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý là dù giới thiệu là một nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp, song thực tế mảng bất động sản suốt nhiều năm qua chỉ chiếm khoảng 1/5 doanh thu của Kosy, với chủ yếu nguồn thu vẫn đến từ mảng buôn bán vật liệu xây dựng (chủ yếu là thép).
Theo Bản cáo bạch niêm yết, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Kosy là ông Nguyễn Việt Cường, sinh năm 1976, quê quán tại Phú Thọ. Ông có bằng cử nhân Đại học Nông nghiệp I Hà Nội sau khoá học 1995-1998. Giai đoạn 2000-2003, ông hoàn tất văn bằng 2 Đại học Kinh tế Quốc dân. Từ năm 2008-2010, ông tham gia chương trình Thạc sỹ MBA Hoa Kỳ liên kết Đại học Quốc gia Hà Nội và hoàn tất chương trình Tiến kĩ Kinh tế trong giai đoạn 2013-2016.
Ở giai đoạn khởi nghiệp, ông đã thành lập CTCP Sao Việt Lào Cai năm 2006 và CTCP Sao Việt Lai Châu năm 2007, đều hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, tuy nhiên các doanh nghiệp này đều dừng hoạt động không lâu sau đó.
Đến năm 2008, ông thành lập CTCP Kosy với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, tiếp tục tập trung vào lĩnh vực xây dựng dân dụng. Đến năm 2009 mở rộng sang xây dựng công trình giao thông, cầu đường, thuỷ lợi, và sang năm 2011 chuyển hẳn sang lĩnh vực bất động sản.
Từ thời điểm đó, Kosy đã xác định lấy bất động sản làm nền tảng cho sự phát triển của mình. Trong các năm 2010-2012, Kosy liên tục “trúng” bốn dự án lớn ở Lào Cai, Thái Nguyên và Bắc Giang là Kosy Lào Cai (38ha), Kosy Sông Công (38ha), Kosy Gia Sàng (14,3ha) và Kosy Bắc Giang (22,3ha). Tới năm 2016 thêm dự án Kosy Cầu Gồ quy mô 8,87ha ở Yên Thế, Bắc Giang.
Tuy nhiên, ngoại trừ Kosy Lào Cai đang vướng lùm xùm thanh tra, báo cáo của Kosy cho thấy, tiến độ cả 4 dự án còn lại, sau nhiều năm triển khai không quá khả quan.
Cụ thể, tại Khu dân cư Kosy Sông Công, tính đến thời điểm 31/3/2019, dự án đã giải phóng mặt bằng và thi công hạ tầng đạt 50%. Quy mô dự án 1.242 lô liền kề và 72 lô biệt thự nhưng mới bán được 220 lô liền kề; Dự án Kosy Bắc Giang quy mô 705 lô liền kề, 50 lô biệt thự mới bán được 182 lô liền kề; Dự án Kosy Cầu Gồ có 323 lô liền kề, mới bán được 83 lô, tiến độ giải phóng mặt bằng cũng rất chậm chạp.
Cả bốn dự án này đều được Kosy khẳng định sẽ thi công xong toàn bộ hạ tầng và bàn giao sử dụng giai đoạn 2019-2020, tuy nhiên, đến thời điểm này, các dự án vẫn đang ngổn ngang, diện tích chưa giải phóng mặt bằng rất lớn.
Hệ sinh thái “gia đình”
Thời điểm đại chúng hoá và lên UpCOM cuối năm 2017, ông Nguyễn Việt Cường và người nhà chiếm tới 93% cổ phần Kosy. Cho tới khi niêm yết trên HoSE đầu tháng 9 vừa qua, dù đã giảm đáng kể, song con số này vẫn lên tới 68%.
Sự chi phối của gia đình Chủ tịch Hội đồng quản trị còn thể hiện rõ qua việc người thân ông Cường nắm hầu hết các chức danh quản trị và điều hành trong Kosy.
Ngoài ông Cường là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, vợ ông (bà Nguyễn Thị Hằng) là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, em gái ông – bà Nguyễn Thị Phương Thảo là Uỷ viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc, bố vợ ông – ông Nguyễn Ngọc Sáu là Uỷ viên Hội đồng quản trị…
Báo cáo tài chính của Kosy cho biết, tới cuối tháng 6/2019, Kosy đang có khoản phải thu hơn 550 tỷ đồng, tức là tương đương hơn 1/2 nguồn vốn và 1/3 tổng tài sản với CTCP Đầu tư và Xây dựng Hạ tầng Thủ đô và CTCP KPT Việt Nam – hai pháp nhân có mối quan hệ thân thiết với dàn lãnh đạo của Kosy.
Mới đây Công ty Cổ phần KOSY và Công ty CP Đầu tư và xây dựng hạ tầng Thủ Đô đã trở thành 2 nhà đầu tư duy nhất lọt vòng sơ tuyển Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở đô thị KOSY Hà Nam, tại xã Duy Hải, huyện Duy Tiên. Tuy nhiên, đáng nói, hai cái tên này lại đều khá thân quen trong hệ sinh thái doanh nghiệp của ông Nguyễn Việt Cường.
Phương Dung
Nguồn bài viết: Dân Trí