Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển vốn được bà Nguyễn Thị Như Loan dồn nhiều tâm sức để triển khai, tuy đã được chấp thuận đầu tư nhưng lại không được giao đất nên tới đây “chưa biết đi đâu về đâu”.
Không đầu tư dàn trải
Cổ phiếu QCG của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đang khởi động phiên giao dịch đầu tháng 7 không thuận lợi. Tại thời điểm 10 giờ 30 phút sáng, mã này vẫn đang giảm sàn xuống 7.130 đồng dù khối lượng giao dịch khá tốt, đạt 1,4 triệu đơn vị.
Hôm qua, tập đoàn của bà Nguyễn Thị Như Loan đã tổ chức phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.
Tại phiên họp này, ĐHĐCĐ QCG đã thông qua báo cáo về kết quả kinh doanh 2019 với 858 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với năm 2018 và 78 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 22%. Với kết quả này, QCG đã hoàn thành được 69% kế hoạch doanh thu và 39% kế hoạch lợi nhuận cả năm mà ĐHĐCĐ năm 2019 đã giao phó. Theo đó, QCG sẽ không chia cổ tức năm 2019 cho cổ đông.
Nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của QCG trong năm 2019 đi “giật lùi” chủ yếu do các dự án của công ty đang trong quá trình xây dựng, chưa bàn giao nên doanh thu chưa ghi nhận được theo kế hoạch.
Đặt kế hoạch cho năm 2020, Ban lãnh đạo QCG kỳ vọng doanh thu thuần sẽ tăng trưởng 5% so với năm 2019; đồng thời đạt 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng tới 28% so với kết quả đạt được năm 2019.
Bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch Hội đồng quản trị QCG cho biết, kế hoạch doanh thu năm nay đối với QCG là “tương đối an toàn” để có thể hoàn thành hoặc vượt kế hoạch. Trong những năm trước đó, với tham vọng lớn, Ban lãnh đạo công ty này liên tục đặt ra kế hoạch cao nhưng kết quả lại làm cổ đông thất vọng vì không hoàn thành.
Để hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm 2020, công ty này dự kiến sẽ không đầu tư dàn trải mà sẽ chỉ tập trung nguồn lực vào một vài dự án đã hoàn thành pháp lý được 50-60% nhằm đảm bảo nguồn thu.
Riêng dự án Khu Dân cư Bắc Phước Kiển đang được nhà đầu tư quan tâm, bà Loan cho biết, công ty rất tâm huyết và bỏ ra rất nhiều công sức, tuy nhiên vẫn gặp rất nhiều khó khăn và trăn trở.
Theo bà Loan, dự án này đã được chấp thuận đầu tư, song vẫn không được giao đất với lý do có đất kênh rạch nên phải chờ ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 1/8 tới sẽ hết hạn chấp thuận đầu tư, đồng nghĩa với việc QCG không có năng lực thực hiện, “tới đó không biết dự án sẽ đi đâu về đâu” – bà Loan giãi bày.
Thị trường khó khăn do vướng mắc quy trình, thủ tục
Nhìn về khó khăn chung của ngành, bà Loan cũng nhìn nhận rằng, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng khó khăn là do vướng mắc thuộc thẩm quyền thành phố, cụ thể là quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng giữa các ban ngành còn chưa thống nhất, chồng chéo.
Đặc biệt là tâm lý e ngại khi phê duyệt pháp lý về quyền sử dụng đất. Đối với dự án nhà ở điều kiện tiên quyết là phải có 100% đất ở, nhưng vướng mắc cách tính tiền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… nên các dự án đầu tư xây dựng hầu như không thể thực hiện được nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất.
Vì vậy, dự án bị dừng lại, làm tăng chi phí doanh nghiệp, tăng chi phí lãi vay và rất nhiều công ty phải bán dự án hoặc đứng trước nguy cơ phá sản.
Là một công ty hoạt động chuyên về lĩnh vực bất động sản, bà Loan cho biết, QCG cũng không tránh khỏi những khó khăn chung của thị trường về quy trình pháp lý và chi phí đầu tư.
Với đặc trưng của ngành là thời gian hoạt động dài, việc nghiệm thu bàn giao phải trải qua nhiều công đoạn, do đó công ty cần nguồn vốn ổn định trong suốt quá trình thi công dự án. Tại thời điểm cuối năm 2019, khả năng thanh toán ngắn hạn của QCG khá ổn định đạt 1,36 lần, so với cùng kỳ năm 2018 đạt 1,38 lần. Hệ số thanh toán nhanh giảm từ 0,21 lần xuống 0,10 lần.
Hệ số nợ/tổng tài sản của QCG là 62,49%, và bằng 166,61% trên vốn chủ sở hữu, trong đó tỷ lệ nợ vay trên tổng nợ vẫn ở mức thấp không đáng kể (chiếm 6,9% trên tổng nợ và 4,3% trên tổng tài sản).
Cơ cấu vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn vẫn đảm bảo tỷ trọng cao so với các công ty bất động sản cùng ngành nghề. Cơ cấu vốn hiện nay đối với QCG năm 2019 nằm trong ngưỡng an toàn về chỉ tiêu tài chính dù nợ phải trả của QCG vẫn còn khá cao nhưng nợ vay ngân hàng của QCG lại rất thấp, nguồn nợ chủ yếu là khoản khách hàng trả tiền trước, đối tác ký quỹ dự án (chiếm 61,5% trên tổng nợ).
Mai Chi
Nguồn bài viết: Dân Trí