Giá căn hộ quý đầu năm được ghi nhận tăng theo từng tháng và tăng trung bình 5 – 10% so với quý trước.
Giá chung cư bình dân ngày càng tăng, cao hơn nhiều lần thu nhập trung bình của nhiều cá nhân, hộ gia đình.Thị trường kỳ vọng các chính sách quyết liệt mới của Chính phủ sẽ giúp cải thiện nguồn cung nhà ở cho người dân.
Giá nhà cao và vẫn tiếp tục tăng
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) tính toán, giá căn hộ trung cấp 2 phòng ngủ khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2), cao hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm 8 – 12 triệu đồng/tháng tương đương 100 triệu đồng/năm. Trong khi đó, căn hộ có giá vừa túi tiền dưới 2 tỷ đồng (25 – 30 triệu đồng/m2) và căn hộ nhà ở xã hội hầu như vắng bóng ở TPHCM trong suốt 2 năm qua.
Trong một thống kê hồi cuối 2019, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA chỉ ra giá nhà gấp nhiều lần thu nhập bình quân hàng năm của người trẻ. Nếu thu nhập 20 triệu đồng/tháng, mua nhà 1 tỷ đồng thì người trẻ có thể đảm bảo được cuộc sống. Tuy nhiên, TPHCM không còn căn hộ giá 1 tỷ đồng, bài toán sở hữu nhà cho người trẻ đi vào bế tắc.
Giá nhà đã vượt qua khả năng chi trả của người trẻ, cá nhân, hộ gia đình có thu nhập trung bình. Nhưng điều đó chưa dừng lại. Giá nhà vẫn tiếp tục tăng, xu hướng tăng đều theo tháng. Bộ Xây dựng ghi nhận trong quý đầu năm nay, giá chung cư tại Hà Nội, TPHCM đều tăng trung bình khoảng 5 – 10% so với quý trước. Một số dự án còn có mức giá tăng cao hơn so với mức trung bình.
Đối với căn hộ bình dân, Bộ ghi nhận trước đây có giá khoảng 20 triệu đồng/m2 giờ đã tăng lên khoảng 25 triệu đồng/m2, tức tăng 25%. Thị trường chủ yếu là căn hộ trung cấp giá 30 – 40 triệu đồng/m2 tại Hà Nội, còn TPHCM cao hơn, khoảng 35 – 45 triệu đồng/m2.
Nhiều kỷ lục giá được xác lập. Căn hộ hạng sang đã xuất hiện, xấp xỉ tới 300 triệu đồng/m2, ở cả TPHCM và Hà Nội.
Theo số liệu và báo cáo của Savills Việt Nam, quy mô hộ gia đình tại TPHCM có xu hướng giảm trong 10 năm qua. Năm 2009, quy mô hộ gia đình là 3,9 người thì năm 2019 chỉ là 3,5 người. Khoảng 66% số lượng hộ gia đình sẽ có 2 – 4 thành viên. Xu hướng tách hộ và giới trẻ ra ở riêng đang diễn ra trong thời gian qua và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Điều này là một phần nguyên nhân dẫn tới thực trạng nhu cầu nhà ở tăng lên. Các chủ đầu tư đang theo xu hướng giảm diện tích để vừa với nhu cầu của các gia đình nhỏ (50 – 60 m2) và làm cho giá trị vẫn thích hợp cho người mua. Savills cho rằng căn hộ dưới 2 tỷ đồng đang rất hạn chế và hiện trạng này sẽ tiếp tục trong tương lai.
Kỳ vọng những chính sách mới
Nhu cầu tăng lên nhưng nguồn cung nhà ở bình dân lại giảm đi. Báo cáo từ nhiều công ty nghiên cứu thị trường ghi nhận căn hộ bình dân (khoảng 25 triệu đồng/m2) đã không còn xuất hiện trên thị trường. Một số dự án ở Hà Nội, TPHCM còn rất ít, chỉ còn ở các vùng xa trung tâm. Các thị trường vùng ven như Bình Dương – nơi được xem là bùng nổ căn hộ trong giai đoạn 2019 – 2020, cũng đang có mức giá tiệm cận TPHCM, khi trung bình phải 30 triệu đồng/m2.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên Cứu Savills TPHCM cho biết quỹ đất đang ngày càng hạn hẹp và giá trị đất ngày càng tăng cao khiến chủ đầu tư buộc phải tăng giá căn hộ. Ngoài ra, lý do còn ở giá nguyên vật liệu xây dựng cũng đang tăng mạnh, cùng với kì vọng về lợi nhuận của các doanh nghiệp đã làm cho giá căn hộ tăng lên.
Đại diện Savills TPHCM cho rằng để giải quyết tình trạng giá căn hộ tăng, các cơ quan chức năng cần có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp làm cho các thủ tục hành chính nhanh hơn. Phía các doanh nghiệp cũng phải tận dụng được sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước để tạo ra các sản phẩm có lợi và đúng với nhu cầu thật của người dân hiện nay.
Trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói dòng tiền đang chủ yếu hướng vào phân khúc bất động sản dành cho người giàu, trong khi phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp còn thiếu. Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải điều tiết bằng quản lý nhà nước, bằng cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua để đấy không sử dụng, trong khi các đối tượng thu nhập thấp thiếu nhà ở.
Ở khía cạnh khác, trả lời cử tri TPHCM, Bộ Xây dựng cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ chính sách khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân đô thị.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam kỳ vọng sắp tới, vấn đề về nhà ở, đặc biệt là nhà ở vừa túi tiền dành cho người trẻ, người có thu nhập khiêm tốn sẽ được cải thiện nhờ Nghị định 49 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Nghị định quy định chủ đầu tư dành 20% diện tích xây nhà ở xã hội trong dự án thương mại… Chuyên gia của DKRA hi vọng nguồn cung mới nhà ở xã hội sẽ được cải thiện nhiều hơn.