Dù thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 nhưng giá nhà đất vẫn ở mức cao, không giảm mạnh như nhiều người nghĩ.
Giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008-2012, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đóng băng, giá nhà đất sụt giảm tới 30%-40% chỉ trong thời gian ngắn. Trong khi đại dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm đến nay vẫn chưa kết thúc, tác động tới nền kinh tế và các ngành nghề còn nặng nề hơn khủng hoảng trước đó, khi tăng trưởng GDP của Việt Nam sụt giảm, thu nhập ở nhiều ngành nghề giảm tới 30%-40%, lãi suất ngân hàng xuống thấp kỷ lục trong nhiều năm. Trên thị trường BĐS, lượng giao dịch rất thấp, phân khúc nào cũng gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Tuy vậy, không có tình trạng bán tháo như lần khủng hoảng trước, giá nhà đất cũng không lao dốc như nhiều người kỳ vọng.
Báo cáo nghiên cứu thị trường của một số công ty BĐS gần đây cho thấy giá bán căn hộ tại nhiều TP lớn trên cả nước từ đầu năm đến nay vẫn neo cao, mức giảm 5%-10% ở một số nơi chỉ là cục bộ, không đại diện cho toàn thị trường. Ngay cả số liệu từ Bộ Xây dựng đầu tháng 8 cũng cho thấy trong quý II, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng 0,16% so với quý I, giá nhà riêng lẻ tăng 0,01%. Còn ở TP HCM, mức tăng lần lượt là 0,25% và 0,15%.
Công ty CP Chứng khoán SSI còn dự báo giá BĐS dân cư tại Hà Nội sẽ tăng 2%-3%, TP HCM tăng 7%-10% trong năm 2020. Sang năm 2021, giá tăng tiếp ở hai thị trường lần lượt là 1%-2% và 5%-7%.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển phân tích ở Việt Nam khó có làn sóng bán tháo BĐS như nước ngoài, ngay cả trong đại dịch Covid-19. Giai đoạn 2008-2012, giá nhà đất giảm tới 30%-40% một phần do chính sách siết chặt tín dụng của nhà nước, lãi suất cho vay thời điểm đó tới 24%-27%/năm khiến những người vay để đầu cơ, lướt sóng BĐS phá sản vì mất khả năng trả nợ. “Còn hiện tại, lãi suất đang ở mức thấp khoảng 10%-12%/năm là lợi thế giúp người vay mua nhà để ở, người vay mua nhà để đầu tư cũng có thể cầm cự được dù thị trường khó khăn. Triển vọng BĐS đang giảm nhưng tùy thị trường, như BĐS ở Đà Nẵng giảm khá mạnh do du lịch đi xuống, trong khi khu vực quận 2, 9, Thủ Đức của TP HCM, giá BĐS vẫn tăng do kỳ vọng về hạ tầng phát triển…” – TS Đinh Thế Hiển nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần phải phân biệt 2 loại hình BĐS là nhà ở và đất nền để thấy vì sao giá giảm và không giảm so với trước đây dù kinh tế khó khăn. Nếu căn hộ ở dự án mới mở bán thì khó giảm giá mạnh dù ở giai đoạn nào. Bởi chi phí xây dựng hiện nay vẫn cao, đặc biệt do chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn nên các loại nguyên vật liệu đầu vào đắt đỏ. “Chi phí đầu tư, vốn và các loại chi phí khác rất cao nên chủ đầu tư khó lòng bán giá thấp, bởi nếu bán lỗ thà họ không bán. Hiện tại, chỉ có thể là một số phân khúc vùng sâu, vùng xa giảm nhẹ bằng hình thức khuyến mãi để hút khách; các dự án nghỉ dưỡng, dự án mới triển khai cần vốn… chủ đầu tư giảm so với ban đầu công bố” – TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Muốn giảm cũng không dễ
Tổng giám đốc một công ty BĐS tại TP HCM cho biết thời gian qua, để có dự án hoàn chỉnh pháp lý và bán ra thị trường là cả vấn đề với DN. Ngay những dự án đã triển khai, bàn giao nhà cho khách hàng cũng vướng đủ thứ thủ tục, chưa có sổ hồng… Quỹ đất mới thì “đụng đâu vướng đó” khiến DN không thể triển khai. “Nếu đầu tư dự án ở các tỉnh lân cận TP HCM cũng tốn chi phí và phải cân nhắc nhiều thứ. Thời điểm này, DN nào triển khai được dự án chủ yếu để duy trì hoạt động và nuôi đội ngũ nhân sự chứ ít trông vào lợi nhuận vì chi phí bỏ ra quá lớn. Điều này lý giải vì sao dù thị trường đang khó khăn nhưng giá nhà muốn giảm không hề dễ” – vị tổng giám đốc này nói.