Giá đất vùng ven TP.HCM leo nóc, ngang bằng giá đất các quận trung tâm; Người Trung Quốc bế tắc trong việc mua bất động sản ở Việt Nam; Lộ ảnh bể cấp nước siêu bẩn ở chung cư “5 sao”… là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua…
Người Trung Quốc bế tắc trong việc mua bất động sản ở Việt Nam, vì sao?
Do hộ chiếu Trung Quốc có in hình vi phạm chủ quyền của Việt Nam, nên người mua từ Trung Quốc Đại Lục thường gặp khó khăn trong việc đảm bảo quyền sở hữu bất động sản từ chính quyền Việt Nam.
Ông Andy Han, giám đốc điều hành tập đoàn tại SonKim Land, một nhà phát triển bất động sản cao cấp với 5 dự án khu dân cư tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, “không phải người Trung Quốc không quan tâm đến thị trường bất động sản của Việt Nam. Mà do có vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc nên đã làm cho họ e ngại thị trường bất động sản Việt Nam. Vấn đề này đã làm giảm khoảng 10% doanh số của chúng tôi. Nhiều người Hồng Kông đã mua các căn hộ tại Việt Nam có giá từ 200.000 đến 500.000 đô la Mỹ từ chúng tôi vì nhà ở Hồng Kông thực sự rất đắt đỏ”.
“Sóng” đất Đông Anh: Tránh tâm lý bầy đàn, đổ tiền đầu tư kiểu mù mờ
Mới đây, dự án thành phố thông minh có tổng mức đầu tư gần 4,2 tỷ USD do liên danh Tập đoàn BRG và đối tác Nhật Bản đã chính thức được động thổ. Nhiều chuyên gia nhận định, đất Đông Anh có khả năng tiếp tục “nổi sóng”.
Trao đổi với , ông Dương Đức Hiển, Giám đốc kinh doanh bất động sản nhà ở Savills Việt Nam cho rằng, nếu dự án được phát triển bài bản, triển khai đầu tư mạnh mẽ, chắc chắn sẽ có những tác động tích cực tới thị trường bất động sản khu vực.
“Nếu anh muốn đón đầu thì đồng nghĩa với việc phải chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, cần tránh việc tâm lý bầy đàn, đầu tư kiểu mù mờ. Cứ “cắm đầu” vào mua mà không tìm hiểu thì càng bị thổi giá”, ông Hiển nhận định.
Bất động sản thấm đòn: Loạt dự án “chết lâm sàng” vì bị… siết tín dụng
Đầu năm 2019, các ngân hàng đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%. Hệ số rủi ro với hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản cũng nâng từ 150% lên 200%. Điều này khiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Theo tìm hiểu, vừa qua, đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư về trễ hẹn bàn giao nhà do… khát vốn. Điển hình như tại dự án Park Vista trên đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè; dự án CT Plaza Nguyên Hồng (số 18 Nguyên Hồng, phường 1, quận Gò Vấp) do Công ty Cổ phần Nguyên Hồng làm chủ đầu tư…
Theo các khách hàng, họ đã nhiều lần khiếu nại chủ đầu tư nhưng chỉ nhận những lời hứa. Chủ đầu tư mong khách hàng thông cảm vì công ty gặp khó khăn, trong khi thị trường bất động sản bị siết dòng tiền, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch.
Đổ “đống tiền” vào đất nền: Cả thập kỷ chôn vốn, lâu dài kinh tế gánh hệ luỵ
Trao đổi với , GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để thị trường lành mạnh hơn, cần nghiêm túc xem xét việc hạn chế phân lô bán nền.
“Muốn phát triển được chúng ta cần đầu tư trên đất chứ không phải để thửa đất nằm im, chôn vốn. Đất nền đầu cơ, tích vốn nên không phát triển được. Hàng loạt các vụ phân lô bán nền trái phép vừa qua là minh chứng cho thấy đã đến lúc cần có siết chặt hơn vấn đề này. Cần có cơ chế rõ ràng hơn, để một cái cửa thật hẹp cho phân lô bán nền”, ông Võ nêu quan điểm.
Giá đất vùng ven TP.HCM leo nóc, ngang bằng giá đất các quận trung tâm
Theo ghi nhận của PV, giá nhà đất tại các quận vùng ven TP.HCM đã tăng khoảng 15-20% so với năm 2017. Có những nơi đang được rao bán với giá cao ngang bằng các quận gần trung tâm như quận 3, quận Phú Nhuận với mức giá trên 100 triệu đồng/m2.
Mặt bằng chung giá đất đường Nguyễn Văn Quá quận 12 hiện rơi vào khoảng 25 – 38 triệu đồng/m2, đường Hà Huy Giáp khoảng 17 – 37 triệu đồng/m2. Đường Tô Ký khoảng 30 – 35 triệu đồng/m2. Tại phường Hiệp Thành quận 12 giá dao động từ 18 – 50 triệu đồng/m2. Phường An Phú Đông dao động từ 17– 60 triệu đồng/m2.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng “thổi giá”, gây ra tình trạng sốt ảo ở nhiều dự án đất nền, đất dân thuộc các huyện như như Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi…. các Quận 12, quận 9, Thủ Đức… cũng tương tự.
Con đường thâu tóm Nước sạch Sông Đà của nhóm đại gia bí ẩn
Viwasupco vốn thuộc sở hữu của Vinaconex. Tuy nhiên, cuối năm 2017, Vinaconex đã bán toàn bộ cổ phần thoái vốn tại Nước sạch Sông Đà. Khi đó, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Sinh Thái và Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) đã tham gia vào cuộc đua thâu tóm doanh nghiệp này.
Sau khi liên tục mua vào từ Vinaconex, Công ty Đầu tư phát triển Sinh Thái sở hữu 50,42% cổ phần tại Viwasupco. REE của doanh nhân Mai Thanh theo sau khi chỉ sở hữu 17,34 triệu cổ phần tương ứng 34,68% cổ phần của Nước sạch Sông Đà.
Tuy nhiên, sau đó Sinh Thái bất ngờ sang tên 25,21 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex ngày 4/1/2018. Tiếp đó, công ty con của Gelex liên tiếp mua vào cổ phiếu của Viwasupco. Chủ tịch của Năng lượng Gelex chính là ông Nguyễn Văn Tuấn – doanh nhân sinh năm 1984, tại Hà Nam…
Lộ ảnh bể cấp nước siêu bẩn ở chung cư “5 sao”: Ở thì khổ, bán lại khó, dân phát hãi
Những ngày gần đây, việc nguồn nước sạch Hà Nội bị nhiễm dầu thải khiến người dân vô cùng hoang mang, khổ sở.
Cùng với đó, những bức xúc về nguồn nước bẩn do những nguyên nhân chủ quan khác như bể chứa không đảm bảo cũng được dân cư chia sẻ rất nhiều để cho thấy một thực trạng cực kỳ đáng báo động về tình trạng nước sạch ở thủ đô.
Trong số những nơi có nước nhiễm bẩn, có cả những chung cư cao cấp, được chủ đầu tư quảng cáo rất “nhiều sao”. Một cư dân tại một chung cư thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bức xúc tố: “Vốn không phải nước sông Đà nhưng nhiều năm nay chúng tôi phải sinh hoạt với nguồn nước này…”.
Cùng với lời than thở, cư dân này đăng tải hình ảnh bể nước để cấp nước sinh hoạt có màu đen kịt, vẩn đục.
Dự án ì ạch trên “đất vàng” của Bitexco: Thêm chủ liệu có đổi vận?
Theo thông tin từ Công ty CP Xây dựng Coteccons (CTD), doanh nghiệp này vừa chính thức khởi công thi công phần thân dự án Spirit of Saigon của chủ đầu tư Tập đoàn Bitexco, được phát triển bởi Công ty CP Đầu tư và Phát triển Uniprime.
Cùng với thông tin khởi công trở lại là sự xuất hiện của nhà phát triển dự án – Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Uniprime, một cái tên còn khá mới mẻ trên thị trường bất động sản.
Theo tìm hiểu của , Uniprime chỉ vừa được thành lập vào tháng 2/2019 với số vốn điều lệ 90 tỷ đồng. Mặc dù Uniprime là cái tên khá mới, song ông chủ của Uniprime – ông Truong Vincent thì lại là cái tên khá quen thuộc trong giới bất động sản.
Thanh tra toàn diện dự án khu đô thị hơn 400 tỷ đồng của Kosy
Tại văn bản báo cáo Chính phủ, UBND tỉnh Lào Cai cho biết, Dự án đầu tư Tiểu khu đô thị số 17, Khu đô thị mới Lào Cai – Cam Đường thuộc đối tượng nhà nước thu hồi đất được quy định tại Khoản 2 điều 34 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ và điểm d, Khoản 3, Điều 62 Luật đất đai năm 2013.
Tỉnh này khẳng định việc triển khai Dự án Tiểu khu đô thị số 17, Khu đô thị mới Lào Cai – Cam Đường, thành phố Lào Cai được tỉnh Lào Cai tổ chức thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Tuy nhiên, UBND tỉnh Lào Cai vẫn cho biết đã chỉ đạo cơ quan chức năng đưa vào kế hoạch thanh tra toàn diện dự án trên trong năm 2020.
Hà Nội: “Bất lực” trong quy hoạch đô thị
Theo Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm việc đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh nhằm giãn dân ra khỏi khu vực nội đô vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Thục – Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư, khi xây dựng quy hoạch vùng Hà Nội, mục tiêu quan trọng khi quy hoạch các đô thị vệ tinh là giãn dân nội đô sang các đô thị này.
“Tuy nhiên, đến nay ai cũng thấy, nội đô Hà Nội đang lâm vào quá tải và ô nhiễm không khí nặng nề. Điều này đã được cảnh báo trong quy hoạch chung 2008, thể hiện ở nội dung giãn quy mô dân số và cấm xây siêu cao tầng ở trung tâm. Nhưng thực tế đang diễn ra ngược lại” – PGS Nguyễn Hồng Thục nói.
Chung cư dính “phốt” nước bẩn, tranh chấp: Dân quay sang lo… giá nhà giảm
Bất an, lo ngại trước tình hình nước bẩn, có mùi lạ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, cư dân tự “kêu gọi” nhau đồng lòng lên tiếng để gây sức ép với phía ban quản trị, nhà máy nước trong việc xử lý thoả đáng quyền lợi của cư dân.
Thậm chí tại cụm chung cư The Sparks Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội), một số cư dân còn lên tiếng kêu gọi mọi người chung sức lập “Chiến dịch đòi lại nước sạch cho bản Dương Nội”.
Lời kêu gọi của cư dân này không quên kèm theo một nội dung đáng chú ý, đó là: “Một số bác đừng nghĩ là làm to sẽ ảnh hưởng giá nhà, bởi nếu không hành động ngay thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người thân”. Nội dung kèm theo của cư dân này không thừa vì trước đó đã có rất nhiều người bày tỏ lo ngại giá nhà sẽ giảm khi chung cư dính “phốt” nước bẩn kéo dài.
Rộ lừa đảo bất động sản: Làm sao ngăn chặn những dự án “ma”?
Ở góc độ pháp lý, Luật sư Thái Đức Long (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiều khách hàng mua nhầm các dự án “ma”. Trong đó, nguyên nhân tiên quyết là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Dễ thấy điều này khi những sự kiện Công ty mở bán đất nền được tổ chức hoành tráng, treo bảng giới thiệu thật to ở khu vực và quảng cáo liên tục trên mạng, trên điện thoại… và đặc biệt là họ tổ chức thi công xây dựng hạ tầng rầm rộ mà chính quyền địa phương không biết là điều vô lý.
Ngoài ra, theo Luật sư Long, nguyên nhân thứ hai là ở phía người mua. Khi tham gia giao dịch bất động sản, người mua thường có xu hướng hùa theo đám đông, nghe lời tư vấn “có cánh” của đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp đánh vào tâm lý ham rẻ, sợ mua hụt để tranh mua… mà “nhắm mắt mua đại”…
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)
Nguồn bài viết: Dân Trí