Khó xác định người Trung Quốc “núp bóng” mua đất: Thật không?

166

Sở Tài nguyên và Môi trường không thể biết người Trung Quốc mua đất tại Đà Nẵng do họ không đứng tên.

Liên quan đến vấn đề người Trung Quốc “núp bóng” người Việt mua đất ven biển Đà Nẵng, ngày 12/6, trả lời báo Đất Việt, ông Tô Văn Hùng – Giám đốc sở TN-MT Đà Nẵng cho biết, trong tổng số 15 trường hợp người nước ngoài mua BĐS tại Đà Nẵng chỉ có 1 người Hồng Kong (Trung Quốc).

Khó xác định người Trung Quốc núp bóng mua đất: Thật không? - 1

Nhiều nhà hàng tại Đà Nẵng treo biển Trung Quốc. Ảnh: Đà Nẵng

Cụ thể ông Hùng cho biết, trước đây, dư luận phản ánh tại dự án Dọc tường rào Sân bay Nước Mặn, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn (tổng số lô theo quy hoạch 246 lô) đã được chuyển nhượng và lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Tổ chức, cá nhân với tổng số 241 lô đất.

Trong đó, các lô đất có liên quan đến yếu tố người nước ngoài (Doanh nghiệp trong nước có phần vốn góp của người nước ngoài dưới 50% tỷ lệ vốn góp trước và sau thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất) là 54 trường hợp.

Tính đến tháng 4/2019 có tổng cộng 15 trường hợp là cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại gồm: Chung cư căn hộ Ocean Apartments (thuộc công ty TNHH Khu du lịch biển Vinacapital, có 3 trường hợp), Chung cư căn hộ cao cấp AZURA (thuộc công ty TNHH Khu du lịch biển Vinacapital, có 9 trường hợp), Chung cư cao cấp Bàu Thạc Gián (1 trường hợp), Tòa nhà Indochina Riverside (có 1 trường hợp) và Tòa nhà Indochina Riverside (thuộc Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Đà Nẵng, có 1 trường hợp)

Trong 15 trường hợp sở hữu căn hộ chung cư nêu trên, chỉ có 1 người Hồng Kông (Tại Chung cư 38 Nguyễn Chí Thanh thuộc dự án của Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Đà Nẵng), không có người từ Trung Quốc đại lục.

Theo ông Hùng, quy định của pháp luật đất đai hiện hành thì cá nhân là người nước ngoài không được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở hoặc nhằm mục đích sản xuất kinh doanh.

Để lách luật, nhiều trường hợp thông qua vợ hoặc chồng là người Việt Nam đứng tên nhận quyền sử dụng đất và nếu có thì hồ sơ đều thể hiện công chứng, chứng thực là tài sản riêng và tiền chi trả cho việc mua nhà là tài sản riêng của vợ hoặc chồng là người Việt Nam.

Trường hợp này phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Hơn nữa, sở TN-MT cũng không xác định được nguồn gốc số tiền họ đã chi trả cho việc nhận quyền sử dụng đất từ đâu do không có chức năng phải đi chứng minh nguồn gốc dòng tiền của khách hàng.

“Do vậy, việc phản ánh tình trạng người Trung Quốc núp bóng người Việt Nam mua đất ven biển, Sở Tài nguyên và Môi trường không thể biết được do không có cá nhân người nước ngoài nào đứng tên mua đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Hùng nói.

Khó vẫn làm được

Trao đổi thêm về nội dung này, LS Trương Văn Tám cho rằng việc xác định người Trung Quốc “núp bóng” người Việt để mua nhà đất là khó nhưng vẫn xác định được.

Vị luật sư cho biết, việc xác định sự bất thường của một giao dịch mua bán nhà đất có thể dựa trên dư luận quần chúng, dựa trên điều tra về thu nhập cá nhân, dòng tiền sở hữu của những cá nhân, tổ chức đó.

Cụ thể, ông nói, với một trường hợp rất nghèo, chỉ làm công ăn lương hoặc chỉ đi làm thuê mà bỗng nhiên đứng tên mua vài ba căn nhà với số tiền vài tỉ tới chục tỉ, trăm tỉ rõ ràng đó là bất thường.

Với những trường hợp như vậy, các cơ quan chức năng trong đó bao gồm từ công an, địa chính, tài chính… phải tìm hiểu, kiểm tra, xác minh thông tin của người đứng tên mua bất động sản đó.

Trong trường hợp chứng minh được điều kiện, nhân thân của người đó là xuất thân bình thường không có nguồn thu nhập khác thì hoạt động mua bán nhà đất nói trên cần được đặt vào diện nghi vấn, thậm chí có thể xác định ngay là có chiêu trò gian dối, cho người khác mượn danh nghĩa để mua bán nhà đất.

Trường hợp này là vi phạm quy định của luật pháp Việt Nam và hợp đồng mua bán nhà đất nói trên cần phải được tuyên vô hiệu.

Nếu làm được như vậy thì phần nào sẽ hạn chế được hiện tượng người Việt đứng tên mua đất cho người nước ngoài.

Tuy nhiên, vị luật sư cũng thừa nhận, do quy định hiện hành chưa rõ ràng, đầy đủ, do đó, việc xác định, chứng minh thu nhập, nguồn gốc dòng tiền của mỗi cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch mua bán còn gặp nhiều khó khăn và vẫn phải dựa vào dư luận quần chúng và chính quyền địa phương là chính.

Bên cạnh đó, ông cũng nói thẳng, việc khó xác định việc người nước ngoài núp bóng người Việt mua nhà đất còn có thể do yếu tố tiêu cực, được tiếp tay từ cán bộ, chính quyền địa phương.

“Khi người Trung Quốc hoặc người nước ngoài muốn mua đất tại Việt Nam họ không thể trực tiếp đứng tên mà phải nhờ người Việt đứng tên. Tuy nhiên, trong trường hợp muốn thực hiện nhanh và thuận lợi họ  sẵn sàng chi tiền cho người Việt lót tay, luồn lách, đút lót cho cán bộ địa phương để dễ dàng được ký duyệt.

Muốn hạn chế được tình trạng trên một phần phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật nhưng phần khác phải quán triệt, xử lý nghiêm cán bộ nhận hối lộ, tiếp tay cho các giao dịch mua bán nhà đất nói trên”, vị luật sư nhấn mạnh.

Theo Lam Nguyễn

Báo Đất Việt

Nguồn bài viết: Dân Trí