Giải pháp, kịch bản cho thị trường bất động sản 2020, các chuyên gia cho rằng vẫn còn khó định đoán khi ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tác động nặng nề. Bản chất thị trường bất động sản năm 2020 đã tích lũy đủ khó khăn trước nguy cơ đóng băng và dịch COVID-19 chỉ làm rõ hơn tín hiệu bất ổn.
Bức tranh ảm đạm vì dịch COVID-19
Kết thúc quý I/2020, các báo cáo từ những tổ chức nghiên cứu bất động sản (BĐS) đều nhận định, thị trường ngành có giá trị vốn hóa cao đã có sự sụt giảm mạnh về lượng cung, cầu, tỷ lệ thanh khoản do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Trong báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội cho hay, thị trường bất động sản 2020 đã và đang tiếp tục đối mặt với những khó khăn từ năm 2019, đó là nguồn cung thấp, vướng mắc về dự án khiến nguồn cung nhỏ giọt.
Tình hình thị trường BĐS quý I/2020 vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Nguồn cung trong quý I trên thị trường đạt 52.000 sản phẩm, trong đó có 18.000 sản phẩm mới nhưng tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14%. Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Báo cáo mới đây của batdongsan.com cũng chỉ ra, 97% ghi nhận số lượng giao dịch giảm trong đại dịch COVID-19; 75% ghi nhận nguồn hàng trong tay môi giới suy giảm.
“Thị trường BĐS Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung đang trải qua một thời kì đầy khó khăn khi cả mức độ quan tâm – phản ánh nguồn cầu thị trường, và lượng tin đăng – phản ánh nguồn cung của thị trường, đều suy giảm. Người tìm kiếm BĐS, nhà đầu tư đều có tâm lý e dè, nghe ngóng và tích trữ tiền mặt, vàng để đảm bảo cho những nhu cầu cơ cơ bản. Mức độ tăng trưởng về giá có thể suy giảm, đi ngang trong ngắn hạn dưới tác động của dịch bệnh nhưng khó tác động đến thị thị trường BĐS trong dài hạn”- báo cáo ghi.
Thị trường bất động sản sẽ phục hồi ra sao?
Một số chuyên gia cho rằng, sự phục hồi của thị trường BĐS hiện tại khó đưa ra dự báo sát khi ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động nặng nề. Như TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính chia sẻ: “Không thể nhận định giai đoạn phục hồi của thị trường BĐS. Đây là một cuộc khủng hoảng không xuất phát từ nền kinh tế tài chính mà đến từ dịch bệnh. Thực tế, xu hướng phục hồi của thị trường đang dần được rút gọn lại như giai đoạn 2011-2013 chỉ mất 2 năm và trước đó thị trường cần 4-5 năm để trở về quỹ đạo ban đầu. Thế nhưng, kịch bản thị trường 2020 lại rẽ theo hướng khác hoàn toàn”.
Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển lại cho rằng, bản chất thị trường bất động sản năm 2020 đã tích lũy đủ khó khăn nên dẫn tới nguy cơ đóng băng và dịch COVID-19 chỉ làm rõ hơn tín hiệu bất ổn.
Thế nên, TS. Đinh Thế Hiển dự báo, thị trường sẽ đi theo 2 kịch bản chính. Thứ nhất, thị trường sẽ suy giảm nhẹ, tích lũy và có cơ hội tăng lại vào giữa năm 2021. Kịch bản này xảy ra khi Chính phủ triển khai hạ tầng ở mức hợp lý trong 2 năm 2020 – 2021 và vẫn sử dụng kiểm soát tiền tệ thận trọng ở mức tăng tín dụng khoảng 12 – 15%.
Thứ hai, thị trường sẽ tăng theo sóng trong thời gian ngắn rồi sẽ gặp biến động lớn. Kịch bản này xảy ra trong trường hợp Chính phủ đẩy mạnh giải ngân tiền đền bù các dự án hạ tầng, cung tiền mạnh cho đầu tư công qúa mức và tăng tín dụng trên 17% để hỗ trợ kinh tế vượt qua dịch COVID-19.
Trong trường hợp này, ban đầu, BĐS sẽ dậy sóng theo dòng tiền giải ngân nhưng sau đó xuất hiện lạm phát cao, gây nguy hiểm cho nền kinh tế. Chính phủ buộc phải dùng biện pháp siết các ngân hàng thương mại như giai đoạn 2013. Khi đó sẽ nhiều doanh nghiệp BĐS lớn đổ vỡ, gây nợ xấu, kéo theo cả thị trường rơi vào khốn khó.
Còn theo báo cáo của batdongsan.com, một cuộc khảo sát khách hàng cho thấy, có 64% tin rằng thị trường BĐS sẽ phục hồi vào cuối năm 2020. Báo cáo này nhận định: “Thị trường BĐS có thể phục hồi và tăng trưởng giao dịch trở lại từ cuối quý III, đầu quý IV/2020”.
Báo cáo thị trường quý 1/2020 của CBRE Việt Nam cũng đưa ra các kịch bản về khả năng phục hồi đối với từng phân khúc bất động sản. Trong đó, với thị trường căn hộ, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát trước tháng 6/2020, nguồn cung mới ra thị trường có thể đạt khoảng 28.000 căn, tăng 5% so với năm 2019. Giá chào bán trung bình tăng 5%.
Nhưng nếu dịch COVID-19 được kiểm soát hoàn toàn muộn nhất vào tháng 9/2020, nguồn cung mới sẽ giảm, chỉ đạt khoảng 15.000 căn, bằng 40% so với năm 2019, trong đó giá chào bán trung bình giảm 5%, số lượng căn tiêu thụ trên thị trường có thể giảm 55% so với 2019.