Lật tẩy những mánh lừa nghìn tỷ giới địa ốc, dân đầu tư cẩn trọng sập bẫy

127

 Năm 2019 chứng kiến hàng loạt vụ lừa đảo trong giới địa ốc với quy mô cả nghìn tỷ đồng. Điển hình trong đó là cách lừa bán dự án “ma” khiến hàng nghìn người sập bẫy.

Lật tẩy những mánh lừa nghìn tỷ giới địa ốc, dân đầu tư cẩn trọng sập bẫy - 1
Dự án “ma” gây nhiễu loạn thị trường bất động sản 2019

Tiền thật mua dự án “ma”

2019 là một năm với nhiều biến động trong giới địa ốc, trong đó, nổi lên là tình trạng phân lô bán nền ồ ạt khắp nơi. Không ít trong số này là dự án”ma” trên đất nông nghiệp được dựng lên với mục đích lừa đảo.

Với mánh khoé này, các doanh nghiệp như Địa ốc Alibaba, Công ty Angel Lina, Hoàng Kim Land, Hưng Thịnh Phát.. đã lừa hàng nghìn tỷ đồng của khách hàng.

Lợi dụng tâm lý thích đất nền, cam kết khả năng lợi nhuận chỉ trong một thời gian ngắn, những doanh nghiệp này đã thuyết phục được người mua xuống tiền nhanh chóng.

Riêng trong vụ Alibaba, Nguyễn Thái Luyện tự vẽ 40 dự án không có thật. Tất cả đất đều chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án…

Tính đến ngày 30/6 Công ty Alibaba đã ký hợp đồng với hơn 6.700 người, thu được 2.500 tỷ đồng. Hơn 900 người tố cáo Công ty Alibaba lừa đảo bằng mồi nhử là dự án ma, huy động vốn theo phương thức đa cấp…

Chiêu bán đất thanh lý giá siêu rẻ: “Cò mồi” nhao nhao đặt cọc, cẩn trọng sập bẫy

Năm 2019, đã từng có một loạt bài viết lật tẩy chiêu bán đất nền do ngân hàng thanh lý. Qua đó chỉ rõ nhiều trường hợp nhân viên môi giới của doanh nghiệp bất động sản “mạo danh” nhân viên ngân hàng để tiếp cận khách mua đất.

Cụ thể, để thu hút khách mua đất nền vùng ven, một số đối tượng cò đất đã nghĩ ra chiêu trò quảng cáo vô cùng hấp dẫn như “bán đất nền ngân hàng thanh lý giá siêu rẻ”…

Sau đó, các nhân viên dẫn khách đến nhằm giới thiệu dự án đất nền do công ty này phân phối; tuy nhiên thực tế không như lời giới thiệu, quảng cáo ban đầu.

Thậm chí trên xe đưa đón, doanh nghiệp còn bố trí thêm vài chim mồi đi cùng xe, tỏ vẻ là dân đầu tư chuyên nghiệp, xuống tay đặt cọc nhiều lô đất để dẫn dụ khách.

Trong hợp đồng sẽ thấy nhiều điều khoản gian dối chẳng hạn như thông báo đất thổ cư nhưng trong hợp đồng lại ghi đất đang chờ chuyển đổi quyền sử dụng đất.

Nếu không tìm hiểu kỹ, xuống tiền nhanh chóng, khách hàng rất dễ gặp rủi ro. Thực tế, đã có những trường hợp “tiền mất tật mang” khi mua phải đất nền đã bị các đơn vị môi giới tự ý nâng giá, bị chiếm đoạt tài sản…

Mạo danh chính quyền, chủ đầu tư uy tín lừa bán đất

Năm 2019, lợi dụng cơn sốt đất nền tiếp tục nóng lên, nhiều công ty môi giới, cò đất đã tìm mọi cách tiếp cận khách hàng, kể cả quảng cáo láo, mượn danh doanh nghiệp uy tín để lừa đảo khách hàng.

Theo đó, các website mạo danh này ngang nhiên sử dụng trái phép hình ảnh và đưa ra nhiều tài liệu sai lệch về dự án, ghi số điện thoại giả mạo.

Thậm chí, nhiều cá nhân, tổ chức lừa đảo còn mạo danh cả những doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, thậm chí cả hiệp hội bất động sản để lừa bán đất.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã từng phát công văn khẩn cấp gửi đến Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM và các cơ quan báo đài “tố cáo” một số cá nhân, tổ chức đã lập các trang Facebook giả mạo HoREA, tự mạo nhận là HoREA để môi giới, chào bán bất động sản, nhất là đất nền.

Ngoài ra, với chiêu thức tự tạo ra thông báo mạo danh UBND huyện, một số cò đất còn tự vẽ dự án “trên giấy” để phân lô, bán nền nhằm huy động tiền tỷ từ người dân.

Cảnh báo lừa đảo mua bán nhà đất bằng vi bằng

Năm vừa qua, liên tiếp các địa phương tại TP.HCM đã lên tiếng cảnh báo tình trạng lừa đảo mua bán nhà đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng tại các văn phòng thừa phát lại.

Để tăng sự tin tưởng, giới cò, đầu nậu thường nhờ các văn phòng thừa phát lại lập vi bằng. Thậm chí nhiều căn nhà chung một sổ đỏ cũng được bán bằng hình thức đồng sở hữu, lập vi bằng.

Chiêu này khiến nhiều người sập bẫy, nhiều nạn nhân rơi vào các vụ nhà đất bị tranh chấp, cầm cố ngân hàng, xây dựng trái phép khiến cuộc sống khó khăn, đảo lộn.

Thực tế, hiện nay một số người môi giới bất động sản (cò đất) sử dụng thuật ngữ “vi bằng công chứng thừa phát lại”, “công chứng thừa phát lại” để tư vấn cho khách hàng của mình dù đó không phải là một thuật ngữ pháp lý. Mục đích của họ là thuyết phục khách hàng đã có sự đảm bảo về mặt pháp lý của giao dịch bất động sản. Dù vậy, rất nhiều người không hiểu rõ vẫn sập bẫy. 

Nguyễn Khánh (Tổng hợp)

Nguồn bài viết: Dân Trí