Liệu có làn sóng bán tháo khách sạn, resort?

121

Dịch Covid lần 2 và lần 3, nhiều người đặt câu hỏi, liệu có đợt bán tháo, bán lỗ khách sạn khi làn sóng dịch bệnh đổ bộ trên thế giới và Việt Nam. Và, câu hỏi này lại tiếp tục được đặt ra trong đợt dịch lần này. Tính ra, đã hơn một năm phân khúc BĐS nghỉ dưỡng nói chung, khách sạn nói riêng chịu tổn thất lớn vì dịch bệnh.

Còn nhớ, ở đợt dịch Covid-19 lần 2, khi đặt câu hỏi, liệu có đợt bán tháo, bán lỗ phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, cụ thể hơn là khách sạn và resorts, đại diện Savills Việt Nam cho rằng, thị trường khách sạn tại Việt Nam chưa diễn ra tình trạng bán tài sản sôi động hay bán tháo, bán lỗ. Có chăng đó chỉ là những tài sản khách sạn 2-3 sao, khách sạn gia đình nhỏ lẻ, còn những khách sạn cao cấp 4-5 sao đa phần sở hữu bởi các chủ đầu tư (CĐT), nhà đầu tư (NĐT) lớn có tiềm năng tài chính từ các ngành nghề kinh doanh khá tốt nên vẫn cầm cự được.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho hay, có một số lý do khiến phân khúc khách sạn chưa diễn ra tình trạng bán tài sản sôi động hay bán tháo, bán lỗ. Thứ nhất, với bối cảnh dịch diễn biến như hiện nay CĐT/NĐT không biết tương lai của phân khúc sẽ như thế nào, dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu, rủi ro ra sao để đánh đổi hay định giá được tài sản. Do đó, các CĐT/NĐT có tài sản đang cố nắm giữ tài sản, khó xác định được mức giá chào bán và mức giá để chốt. Thứ hai, với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các NĐT nước ngoài không thể bay qua các nước để khảo sát tình hình thực tế dự án. Hầu hết trước khi đưa ra quyết định đầu tư thì NĐT phải có quá trình thẩm định dự án.

Tuy vậy, đợt dịch Covid-19 lần 3 và lần 4 tiếp tục diễn ra, dường như phân khúc khách sạn đang “vượt quá sức chịu đựng” của mình.

Thực tế cho thấy, hiện đã có hiện tượng rao bán khách sạn quy mô lớn diễn ra trên cả nước. Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, thậm chí không ít khách sạn đang được rao bán sau những ngày tháng treo biển tạm dừng hoạt động. Cụ thể, nhiều khách sạn trên phố Hàng Bạc, Hàng Bè, Hàng Dầu, Ngõ Huyện… (quận Hoàn Kiếm) đã dừng kinh doanh vì dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay. Kinh doanh ngưng trệ, làn sóng rao bán khách sạn đang diễn ra ở hàng loạt địa điểm.

Không khó để tìm trên các trang mua bán BĐS tình trạng rao bán khách sạn mỗi ngày. Những khách sạn giap với đủ mọi mức giá, từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.

00000-16212199718721381124451

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Hội An – điểm du lịch nổi tiếng của cả nước, hàng năm đón hàng triệu lượt khách. Tìm hiểu được biết, hiện tại nhiều khách sạn tại Phố cổ Hội An rơi vào tình trạng ế ẩm khi mà lượng khách du lịch vắng bóng. Ngoài khách sạn ế khách, thì hàng quán tại Hội An cũng đua nhau thanh lý, trả mặt bằng hàng loạt. Do vắng khách, áp lực về doanh thu, lợi nhuận nhiều khách sạn tại đây được rao bán trong thời gian này.

Trong đó, không ít khách sạn rao bán cắt lỗ. Hiện tại thông tin rao bán cắt lỗ khách sạn tại Hội An đã xuất hiện nhan nhãn trên các kênh rao bán vặt, không khó để tìm ra những cụm từ như “bán cắt lỗ biệt thự, khách sạn tại Hội An biển Cửa Đại” ” bán gấp khách sạn”, “cần tiền bán gấp”, “cần chuyển nhượng”… . dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến cho các nhà đầu tư BĐS nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng bị thấm đòn, họ bắt đầu rao bán khách sạn, resort của mình nhằm “cắt lỗ”. Thậm chí, có nhiều loại hình BĐS nghỉ dưỡng được các nhà đầu từ rao bán ở các vị trí “đắc địa” – vốn trước đây là nơi “hái ra tiền” của NĐT.

Đến thời điểm này, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương đã khẳng định, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch toàn cầu khi hầu hết các quốc gia tiến hành đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch bệnh. Kể từ khi ngưng các chuyến bay thương mại quốc tế từ tháng 3/2020, Việt Nam ghi nhận tổng lượt khách quốc tế giảm gần 80% so với năm 2019. Và, hiện tượng bán tháo, cắt lỗ đã diễn ra trên thị trường BĐS nghỉ dưỡng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho hay, tình trạng rao bán khách sạn đã diễn ra ở nhiều địa phương nổi tiếng về du lịch khắp cả nước. Các khách sạn đang được rao bán không chỉ lâm vào cảnh thiếu vắng khách thuê mà có thể chủ đầu tư cũng đang chịu áp lực từ nguồn vốn vay hoặc muốn tái cấu trúc danh mục đầu tư.

Ông Mauro Gasparotti cho rằng, làn sóng Covid-19 thứ 4 lại một lần nữa gây ra tác động nặng nề cho ngành dịch vụ lưu trú, một số khách sạn thậm chí phải tạm ngưng phục vụ một số tiện ích. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đều nhận được nhiều yêu cầu hủy phòng hoặc thay đổi ngày lưu trú. Thêm vào đó, hoạt động MICE và kinh doanh sự kiện của các khách sạn tại khu vực Tp.HCM và Hà Nội cũng bị ảnh hưởng, khi các hội nghị buộc phải tạm hoãn hoặc hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan địa phương và một số doanh nghiệp cũng khuyến cáo hạn chế nhân viên tham gia các hoạt động tập trung đông người.

“Đây thực sự là một đòn giáng vào các khách sạn. Một số khách sạn thậm chí đã quyết định đóng cửa tạm thời cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định”, ông Mauro cho hay.

Quả thực, sự tái bùng phát dịch lần thứ tư ngay tại thời điểm khởi động mùa cao điểm du lịch hè đã trở thành một đòn giáng mạnh vào ngành nghỉ dưỡng vốn đã gặp nhiều khó khăn. Đà Nẵng, Hội An đều kỳ vọng vào mùa du lịch hè năm nay khi các địa phương này đã gánh chịu một năm 2020 thiệt hại nặng nề khi các làn sóng dịch trùng với những tháng cao điểm.

Nhiều câu nghi ngại đặt ra, sau đợt dịch này rất có thể nhiều khách sạn, resort sẽ đồng loạt ra bán trên diện rộng, bởi sức chịu đựng của phân khúc này đã không còn khi liên tục bị giáng đòn bởi Covid-19.

Hạ Vy/Nhịp sống kinh tế