Đã đến lúc tính đến việc điều chỉnh Luật để giải quyết vấn đề an ninh quốc phòng liên quan đến việc người nước ngoài sở hữu BĐS “đắc địa” tại Việt Nam.
Luật không sai nên không thể xử lý
Trước thực trạng có đến 149 doanh nghiệp Trung Quốc ‘sở hữu’ đất biên giới, chia sẻ với DĐDN mới đây, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng về hình thức, việc người Việt đứng tên các BĐS đắc địa và các doanh nghiệp (bao gồm cả liên doanh, FDI, cổ phần có yếu tố nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc) được phép thuê có thời hạn các BĐS là phù hợp với các quy định của pháp luật.
Cụ thể, đối với các doanh nghiệp có dự án tại các BĐS “đắc địa”, các tổ chức của Trung Quốc lúc đầu thường có tỷ trọng sở hữu thấp, sau đó họ dần mua lại, thâu tóm khiến tỷ lệ sở hữu của người Việt Nam dần mất đi. Việc thông qua doanh nghiệp Việt Nam sở hữu các nhà ở, thuê dài hạn các dự án này hiện không trái pháp luật Việt Nam.
“Thực tế đang đặt ra vấn đề bất cập nhưng Luật Đầu tư chưa điều tiết được. Vì không sai nên không thể xử lý” – TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, để đảm bảo tính độc lập, quyền của người có quốc tịch Việt Nam và an ninh quốc phòng đã đến lúc tính đến việc điều chỉnh Luật. Phải có giải pháp giảm tình trạng cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài sở hữu các BĐS “đắc địa” và có vị trí chiến lược, đặc biệt là tại các tỉnh thành dọc biên giới hoặc ven biển.
Bên cạnh đó, phải thể chế hóa các quy định liên quan đến việc cá nhân nước ngoài và các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài sở hữu BĐS bằng cách trong các quy hoạch có thể xác định rõ các khu vực mà dự án đầu tư xây dựng được phép hoặc không có yếu tố nước ngoài.
Các địa phương khó quản lý
Liên quan đến câu chuyện quản lý người Việt ở nước ngoài (Việt kiều) và người nước ngoài sở hữu các BĐS tại Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết trước đây chủ trương của Việt Nam đã dành hẳn một khu riêng cho người nước ngoài và Việt kiều như khu làng Việt Kiều (tại Hà Đông, Hà Nội), quy hoạch từ đầu nên dễ quản lý. Hiện nay cho phép xen lẫn dẫn đến việc khó quản lý hơn.
Hiện nay, liên quan đến việc người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam đã có quy định các tỉnh thành phố trong cả nước cần công bố danh mục các khu vực, danh mục dự án cần đảm bảo an ninh quốc phòng và không cho phép người nước ngoài sở hữu căn hộ chung cư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện các quy định này của các địa phương chưa đồng bộ, thống nhất và triệt để.
Đơn cử như UBND tỉnh Bắc Ninh vừa qua có văn bản số 707/UBND-TNMT ngày 12/3/2020 hạn chế bán căn hộ cho người nước ngoài tại một số vị trí 2 dự án của Tập đoàn BABACO tại thành phố Bắc Ninh. Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Thế Chinh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco cho biết, trước khi ký văn bản, công an tỉnh đã giải thích về việc những vị trí gần tượng đài không thể để người nước ngoài có tầm quan sát, khống chế được vị trí đó.
Đối với thắc mắc của PV về việc khi tiến hành các bước trình tự đầu tư dự án thì doanh nghiệp có được Tỉnh hoặc các cơ quan chức năng thông báo, hướng dẫn về việc dự án nằm trong khu vực an ninh, quốc phòng, ông Chinh cho biết “không có thông báo nào”.
Năm 2016, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các địa phương căn cứ nội dung Văn bản số 10328/BQP-TM ngày 19/10/2016 của Bộ Quốc phòng và Văn bản số 786/BCA-TCAN ngày 19/4/2017 của Bộ Công an, phối hợp với Công an và Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại địa phương. Các thông tin này được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng các địa phương để các tổ chức, cá nhân nước ngoài, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở có cơ sở thực hiện theo đúng quy định.
Nhưng trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh chưa thấy thông tin về khu vực, danh mục danh mục dự án không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà.
Về vấn đề này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng sự vào cuộc của các địa phương là rất quan trọng. Khi mỗi địa phương thực hiện tốt, đúng, nghiêm túc các quy định liên quan đến việc cá nhân, tổ chức người nước ngoài sở hữu BĐS tại Việt Nam sẽ giúp việc quản lý chung được tốt.
Theo Lê Sáng
Diễn đàn Doanh nghiệp
Nguồn bài viết: Dân Trí