Nhà giá rẻ 15 triệu đồng/m2 ‘mất hút’ ở TP lớn: DN nói thẳng cần gì

111

Nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán từ 15 triệu đồng/m2, tức khoảng 1 tỷ đồng mỗi căn hộ rất được thị trường mong đợi nhưng DN cho biết muốn làm dự án cần có chính sách.

“Đỏ mắt” tìm nhà giá 1 tỷ

Chọn Hà Nội làm nơi sinh sống và làm việc, thế nhưng sau gần 8 năm đi thuê nhà anh Hữu Dũng (35 tuổi) vẫn chưa thể mua được nhà, dù là căn hộ nhỏ, dù đã tích cóp được hơn 400 triệu đồng.

Anh Dũng là chuyên viên kỹ thuật của một công ty tư nhân kinh doanh về các thiết bị điện tử, còn vợ anh làm kế toán ở một công ty về lĩnh vực dược phẩm; thu nhập hai vợ chồng hàng tháng khoảng 20 triệu đồng.

Anh Dũng cho biết, vừa rồi vợ chồng anh có làm hồ sơ để đăng ký mua căn hộ chung cư ở một dự án nhà ở xã hội thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm, nhưng do vợ chồng anh đều làm công ty tư nhân, không phải công chức, viên chức nên số điểm thấp, không mua được vì có nhiều người hồ sơ đạt điểm cao hơn.

“Mặc dù cũng đoán trước tình huống này nhưng vợ chồng tôi vẫn rất buồn. Cứ như này thì chưa biết đến khi nào thoát cảnh đi thuê nhà. Nếu mua nhà tại các dự án chung cư thương mại trung bình ở Hà Nội thấp nhất cũng phải 1,5-2 tỷ đồng/căn, số tiền này vợ chồng tôi không đủ sức. Chúng tôi chỉ mong có dự án nào giá chỉ tầm 1 tỷ đồng, từ số tiền tích cóp được, vợ chồng tôi sẽ vay thêm ngân hàng để mua nhưng quả thực tìm quá khó”, anh Dũng cho hay.

Cũng giống như anh Dũng, vợ chồng chị Kim Thoa đang thuê nhà ở quận Hà Đông (Hà Nội) cũng khao khát mua được căn nhà giá thấp trên dưới khoảng 1 tỷ đồng.

“Vợ chồng tôi đang có 500 triệu đồng nhưng chưa dám mua căn chung cư nào vì tham khảo một số dự án, căn hộ nhỏ giá rẻ nhất cũng 1,6-1,8 tỷ đồng. Nếu mua thì chi phí trả lãi vay ngân hàng hàng tháng sẽ quá sức, không đủ để vừa trang trải cuộc sống của cả gia đình khi mức thu nhập hàng tháng của 2 vợ chồng chỉ xấp xỉ 20 triệu đồng”, chị Thoa cho hay.

Hiện cơ cấu nhà ở đô thị có diện tích nhỏ và giá dưới 1 tỷ đồng rất khan hiếm (ảnh: Minh Thư)

Hiện cơ cấu nhà ở đô thị có diện tích nhỏ và giá dưới 1 tỷ đồng rất khan hiếm (ảnh: Minh Thư)

Mấu chốt để xây được nhà giá thấp là gì?

Chia sẻ với PV Infonet xung quanh câu chuyện làm nhà giá thấp, ông Vũ Kim Giang – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hải Phát Land cho biết, hiện có hai rào cản lớn nhất cho việc phát triển phân khúc nhà ở giá thấp.

Đầu tiên là vấn đề quỹ đất. Với doanh nghiệp, để tạo lập được quỹ đất giá rẻ, đồng bộ ở các thành phố lớn hiện nay rất khó, chỉ có thể đi tìm quỹ đất ở xa trung tâm. Nhưng nếu đất ở xa trung tâm thì lại thiếu hạ tầng xã hội, kết nối tiện ích đi kèm và câu chuyện bán nhà cho người dân, khách hàng sẽ lại rất khó. Nếu không có chính sách cụ thể cho việc tạo lập quỹ đất cho nhà thu nhập thấp thì doanh nghiệp sẽ rất khó để xây dựng.

Thứ hai là vấn đề nguồn vốn. Để phát triển phân khúc nhà ở giá thấp, không chỉ nguồn vốn đầu vào hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng mà nguồn vốn cho khách hàng vay mua nhà cũng cần phải có. Nếu vẫn phải đi vay ngân hàng với mức lãi suất thương mại thông thường thì rất khó cho cả doanh nghiệp lẫn khách hàng là những người có thu nhập thấp.

“Có thể quỹ đất xa một chút nhưng phải đẩy mạnh được kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ. Nếu không chủ đầu tư chỉ xây dựng tiện ích trong dự án, còn phía ngoài lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Hơn nữa, nếu có quỹ đất riêng cho việc phát triển nhà ở giá thấp thì cần có chiến lược cụ thể, nhất là câu chuyện kết nối vùng. Tâm lý người mua nhà sẽ chấp nhận đi thuê nhà để tích lũy thêm, khi có đủ tiền sẽ mua ở khu vực gần trung tâm hơn”, ông Giang nói.

Ông Giang cũng cho hay, ngoài quỹ đất, lãi vay thì còn có chi phí xây dựng. Tuy là dự án nhà giá thấp nhưng cũng cần đảm bảo chất lượng, do đó chi phí để xây dựng nhà ở giá thấp cũng không thấp hơn so với việc xây dựng các dự án nhà khác.

“Nếu có cơ chế, chính sách tốt thì doanh nghiệp sẽ hào hứng tham gia dù có thể lợi nhuận không bằng các dòng sản phẩm khác”, ông Giang nhấn mạnh.

Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên làm các dự án nhà cao cấp cũng từng chia sẻ với Infonet về việc sẵn sàng tham gia làm nhà giá thấp khi có chính sách hỗ trợ.

Theo đó, doanh nghiệp cho hay, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các chủ đầu tư để có thể thực hiện các dự án nhà ở thương mại giá thấp như việc miễn tiền sử dụng đất. Ngoài ra, các thủ tục giấy tờ cũng cần được phê duyệt nhanh; ngân hàng cũng là kênh quan trọng để có các chính sách lãi suất cho người vay mua nhà cũng như chính sách cho chủ đầu tư. Khi đó, nhiều chủ đầu tư sẽ quan tâm, việc phát triển phân khúc nhà giá thấp sẽ thành công.

Trước đó, tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV diễn ra sáng 6/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã có trả lời đại biểu quốc hội về tình trạng phân khúc nhà ở xã hội đang vắng bóng dần ở các thành phố lớn.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, nhu cầu về nhà ở của người dân Việt Nam là rất lớn, nhất là nhà giá rẻ, tuy nhiên do cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư, thủ tục, chính sách còn nhiều bất cập và thiếu hỗ trợ về nguồn vốn người mua nhà ở theo quy định của pháp luật để phát triển nhà xã hội.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: “Hiện nay nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng chưa bố trí đủ, tăng cường đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào dự án; tới đây sẽ sửa đổi căn bản Nghị định 100 tạo cơ chế đột phá hơn cho doanh nghiệp, người dân mua nhà ở xã hội. Chúng tôi cũng đang báo cáo Chính phủ hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán đến 15 triệu đồng/m2. Hiện cơ cấu nhà ở đô thị có diện tích nhỏ và giá dưới 1 tỷ đồng rất khan hiếm”.

Minh Thư/Infonet