Nhập nhèm chỗ đỗ xe chung cư

151

Quy định về chỗ đỗ xe thiếu hợp lý, thiếu căn cứ pháp lý vững chắc là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp trong quản lý và sử dụng nhà chung cư, thời gian qua.

Nhập nhèm chỗ đỗ xe chung cư - 1

Khách mua căn hộ The Golden Palm tại số 21 Lê Văn Lương phản đối một loạt vấn đề như thiếu hụt diện tích, om quỹ bảo trì hàng chục tỷ…

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (Quy chuẩn Việt Nam – QCVN) về nhà chung cư. Theo đó, các quy định về diện tích chỗ đỗ xe đối với nhà chung cư, bao gồm cả nhà chung cư xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư xây dựng với mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh sẽ được thống nhất và chi tiết hóa. 

Thiếu căn cứ vững chắc về chỗ để xe

Dự kiến Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư sẽ ban hành trong năm 2019.

Để nói về quy định chỗ đỗ xe, Luật Nhà ở 2006 và Luật Nhà ở 2014 đều có quy định về quyền có chỗ đỗ xe của cư dân nhà chung cư. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành QCXDVN 01:2008 về quy hoạch xây dựng quy định về diện tích cho một chỗ để xe (ô tô, xe đạp, xe máy, xe tải, xe buýt) để làm cơ sở tính toán đủ diện tích cho các bãi đỗ xe trong đô thị cũng như cho các công trình xây dựng, công trình nhà chung cư.

Năm 2013, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc hướng dẫn chỉ tiêu kiến trúc áp dụng cho công trình nhà ở cao tầng. Theo đó, nhà ở thương mại có 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ phải được bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe. Đối với nhà ở xã hội, tỉ lệ này là 100 m2/12m2 chỗ đỗ xe.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu diện tích đỗ xe và tranh chấp chỗ đỗ xe giữa chủ đầu tư và cư dân tại các chung cư thời gian qua không phải là hiếm gặp. Dự án The Golden Palm (Lê Văn Lương) là một minh chứng điển hình.

Theo như quảng cáo khi chào bán, tòa nhà có 3 tầng hầm để xe mỗi hộ gia đình sẽ có 01 chỗ để xe ô tô. Tuy nhiên, trên thực tế chủ đầu tư đã dành hầm B1 làm chỗ để xe thương mại, hầm B2 và B3 dành cho cư dân nhưng không có chỗ để xe cố định.

Chính vì lẽ đó, nhiều hộ dân dù đã đóng tiền gửi xe nhưng mỗi khi về lại phải đi tìm chỗ đỗ xe, thậm chí nhiều lần không còn chỗ đỗ xe. Điều đó đã khiến người dân không khỏi bức xúc.

Trên đây chỉ là 1 ví dụ, còn rất nhiều khu chung cư cao tầng tại TP.HCM, Đà Nẵng… cũng đang ở trong tình trạng không đủ chỗ đỗ xe cho cư dân, hoặc khiếu kiện tranh chấp.

Chỗ đỗ xe cần quy định tại nghị định

Tiêu chuẩn chỗ đỗ xe phù hợp và đảm bảo tính pháp lý đang là một yêu cầu cấp thiết. Trao đổi với DĐDN về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, Nhà nước cần có sự nghiên cứu, áp dụng quy chuẩn phù hợp cho từng loại chung cư khác nhau.

Cụ thể, theo ông Đực nên chia làm 3 loại hình chung cư đó là chung cư cao cấp với 100m2 nhà ở cần 30m2 diện tích dành cho bãi đỗ xe, tương tự chung cư bình dân là 20m2 và chung cư dành cho người có thu nhập thấp hoặc nhà ở xã hội là 10m2 đến 15m2.

“Thực tế tại các chung cư cao cấp, nhiều dự án được bán với giá 100 triệu đồng/m2, thậm chí 300 triệu đồng/m2 mà không đáp ứng đủ chỗ để xe thì không hợp lý. Nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn trên thì dự án đó không được “gắn mác” là chung cư cao cấp” – ông Đực nói.

Trong khi đó, theo Luật sư Trần Mai Hạnh (Công ty Luật DC Counsel), chỗ để xe ô tô dành cho các chủ sở hữu nhà chung cư được quy định rất cụ thể tại Điểm b, khoản 1 Điều 101 Luật Nhà ở 2014. Người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư được quyết định mua hoặc thuê chỗ để xe.

Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc đảm bảo diện tích chỗ đỗ xe với từng loại hình chung cư. Đây là vấn đề cần được quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật cấp nghị định. Bởi vì, tiêu chuẩn hay thông tư cũng chưa đủ sức nặng về căn cứ pháp lý.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cấp thông tư chỉ hướng dẫn về mặt thủ tục, còn những quy định như tỷ lệ diện tích bãi đỗ xe phải ở cấp nghị định.

Theo: Hồng Hương

Diễn đàn Doanh nghiệp 

 

Nguồn bài viết: Dân Trí