Trước các quy định về giãn cách xã hội, nhiều chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng đang đau đầu khi phải tạm ngừng thi công, dẫn đến kế hoạch kinh doanh bị ảnh hưởng.
Theo quy định về các biện pháp tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các công trình xây dựng trên địa bàn TP.HCM, từ cuối tháng 7, Sở Xây dựng TP.HCM yêu cầu tạm dừng các hoạt động thi công tại các công trường, công trình xây dựng.
Dưới tác động của việc giãn cách xã hội kéo dài cùng với những khó khăn từ trước về giá nguyên vật liệu xây dựng tăng phi mã, các chủ đầu tư và nhà thầu đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án xây dựng và đảm bảo đúng tiến độ.
Tiến độ dự án đình trệ
Trong văn bản của Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) kiến nghị với Thủ tướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hàng loạt nhà thầu xây dựng lớn như Delta, Vinaconex, Cienco 4, Eurowindow, Thành An, Phục Hưng Holdings… cho biết đang gặp nhiều rủi ro bủa vây.
Cụ thể, Tập đoàn Xây dựng Delta cho biết Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động của công ty, công nhân trong các dự án trong tình trạng bấp bênh, khó duy trì số lượng. Điều này ảnh hưởng đến sản lượng thi công hàng tháng và tiến độ thi công công trình, phát sinh chi phí.
Tổng công ty Cổ phần Vinaconex cũng phản ánh trong công tác thi công, các dự án đang được thi công cũng không đủ nhân lực, vật tư, thiết bị, phát sinh các chi phí phòng chống dịch. Nguy cơ chậm tiến độ có thể xảy ra. Còn các dự án phải tạm dừng thi công thì phát sinh nhiều loại chi phí như ăn ở, phòng chống dịch, bảo quản vật tư…
Cùng với đó, tập đoàn Cienco 4 nêu khó khăn trong 3 vấn đề gồm ách tắc trong vận chuyển hàng hóa, lưu thông làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh; khó khăn về nguồn cung nguyên vật liệu khiến chi phí tăng cao; nhiều công nhân nghỉ việc làm nguồn lao động bị hạn chế.
Trao đổi với Zing về vấn đề này bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết bên cạnh các kế hoạch kinh doanh bán hàng phải tạm ngừng, việc triển khai thi công xây dựng các dự án bất động sản mới cũng đình trệ nghiệm trọng. Điều này khiến hầu hết tiến độ thi công của các công trình đều bị ảnh hưởng.
Bà Hương dẫn chứng dự án Khu đô thị Vạn Phúc City quy mô 198 ha tại TP Thủ Đức trong năm nay chỉ có thể đảm bảo được khoảng 70% tiến độ trong 12 hạng mục công trình xây dựng trọng điểm được triển khai theo kế hoạch.
Đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết việc áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 trong thời gian giãn cách xã hội những tháng vừa qua đã làm cho các công trình xây dựng của các dự án bất động sản bị ngưng trệ và ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao sản phẩm cho khách hàng.
“Mỗi công trình xây dựng ngoài nhà thầu chính còn có cả hàng chục nhà thầu phụ tham gia vì vậy khi công trình bị tạm dừng sẽ ảnh hưởng hàng loạt đến hợp đồng thi công của các bên liên quan. Đây là tình huống ngoài tầm kiểm soát của các doanh nghiệp buộc phải tạm ngưng công trình theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước”, bà Hương nói.
Bà cũng cho rằng các bên phải ngồi lại với nhau để thương thảo điều chỉnh việc tiếp tục thực hiện hợp đồng. Đây là vấn đề cần sự thông cảm, thấu hiểu và chia sẻ giữa các bên tham gia với tinh thần đồng hành và hỗ trợ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Chia sẻ về tình hình hiện tại, nhà phát triển bất động sản Gamuda Land cũng cho biết các dự án tại TP.HCM đã nhiều lần phải tạm dừng thi công tại công trường trong đợt bùng phát dịch cuối tháng 3/2021 đến nay.
Đảm bảo tối đa quyền lợi cho người mua nhà
Trước những khó khăn bất khả kháng do dịch bệnh, nỗ lực tiếp tục vận hành một cách nhỏ giọt, nhiều chủ đầu tư không thể đảm bảo việc bàn giao các căn hộ đúng theo thời hạn cam kết với khách hàng.
Đại diện Gamuda Land khẳng định đã xem xét và nghiên cứu để vận dụng điều khoản bất khả kháng nhằm giảm thiệt hại do chậm bàn giao nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, việc bùng phát dịch Covid-19 gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận, nghiên cứu và vận dụng đúng theo pháp luật.
Bình luận về vấn đề này, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam khẳng định việc dự án chậm tiến độ gây ra tâm lý lo lắng, khó chịu cho người mua nhà vì họ là người trực tiếp bị ảnh hưởng quyền lợi khi dự án bị chậm tiến độ bàn giao. Đa phần người mua thường phải đi vay vốn mua nhà, phát sinh những chi phí ngoài dự tính.
Hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai – nghĩa vụ giao tài sản và chuyển quyền sở hữu tại Khoản 4 Điều 22 Luật kinh doanh bất động sản 2014 quy định bên bán có nghĩa vụ “Giao nhà, công trình xây dựng cho bên mua theo đúng thời hạn, chất lượng và các điều kiện khác đã thỏa thuận trong hợp đồng, giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất và hồ sơ có liên quan theo thỏa thuận trong hợp đồng”.
Tuy nhiên, ông David Jackson cho rằng kể từ khi dịch bệnh xảy ra đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ của dự án, đặc biệt là ở đợt dịch bùng phát lần thứ 4 được xem là đợt dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về vấn đề liên quan đến trường hợp “sự kiện bất khả kháng”. Theo đó “sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Trong trường hợp này, dịch bệnh được xem là một sự kiện như vậy bởi nó xảy ra không thuộc sự kiểm soát của con người, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống, xã hội trong đó có việc thi công, xây dựng công trình.
“Phía chủ đầu tư dự án cần có những cách thức giúp người dân an tâm và bảo đảm quyền lợi cho khách hàng một cách tối đa. Ngoài ra chủ đầu tư cần thông báo sẽ nỗ lực hết mình để thi công dự án thật nhanh bằng các biện pháp rõ ràng như cập nhật tiến độ xây dựng thường xuyên cho khách hàng, kêu gọi hỗ trợ từ các ngân hàng thương mại”, CEO Colliers Việt Nam nói thêm.
Tạp chí Kiến trúc Việt Nam