Phát hiện thêm vụ đất công bị chiếm dụng; chuyên gia đề xuất cấm chia lô bán nền

145

 Thanh tra Chính phủ cho biết hơn 430m2 đất công do Vinachem quản lý bị chiếm dụng; chuyên gia lên tiếng khuyến nghị không nên đầu tư vào đất nền tại các tỉnh ven biển, tránh rủi ro về pháp lý và kinh tế; quá nửa số chung cư ở Hà Nội chưa bàn giao quỹ bảo trì, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra… là những thông tin bất động sản đáng chú ý tuần qua.

Thanh tra Chính phủ: Hơn 430m2 đất công do Vinachem quản lý bị chiếm dụng

Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo gửi Thủ tưởng Chính phủ về việc xử lý sau thanh tra tại Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem).

Báo cáo cho thấy, vẫn còn một số kiến nghị chưa được Vinachem thực hiện đầy đủ.

Cụ thể, hiện UBND TP. HCM đã kiểm tra, rà soát khu đất diện tích 432m2 tại 118 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Trước đây nhà nước giao cho Công ty CP Hoá chất và Vi Sinh quản lý nhưng hiện nay đã bị cá nhân chiếm dụng.

Năm 1981, Tổng cục Hoá chất Việt Nam (nay là Tập đoàn Hoá chất) có quyết định giao cho Công ty Kỹ thuật Hoá chất I (nay là Công ty CP Hoá chất và Vi sinh) lô đất tại số 118 đường Nguyễn Huỳnh Đức (nay đổi tên là đường Huỳnh Văn Bánh) có diện tích 432m2. Mục đích làm cơ sở sản xuất sơn công tư hợp doanh Nam Sơn.

Phát hiện thêm vụ đất công bị chiếm dụng; chuyên gia đề xuất cấm chia lô bán nền - 1
Khu vực đường Huỳnh Văn Bánh.

Rủi ro cả pháp lý và kinh tế: Chuyên gia đề xuất cấm chia lô bán nền

Phát biểu tại Diễn đàn về đầu tư bất động sản vừa diễn ra, ông Nguyễn Trần Nam – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng du lịch của Việt Nam ngày càng nhanh, trung bình từ 15-20%/năm, vì vậy việc đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng là hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, ông khuyến nghị rằng không nên đầu tư vào đất nền tại các tỉnh ven biển, tránh rủi ro về pháp lý và kinh tế.

“Hiện nay, thị trường bất động sản du lịch đang phát triển mạnh nhưng đầu tư vào đâu cần cẩn trọng. Tôi khuyên nhà đầu tư nên tránh đất nền tại các dự án nhỏ lẻ, hay như việc mua lại đất nền của người dân là rất nguy hiểm. Thay vào đó, nên đầu tư vào dự án có quy mô lớn của các doanh nghiệp lớn là kênh đầu tư sinh lời, đảm bảo giá trị”, ông Nam nhấn mạnh.

Phát hiện thêm vụ đất công bị chiếm dụng; chuyên gia đề xuất cấm chia lô bán nền - 2

Chuyên gia khuyến nghị rằng không nên đầu tư vào đất nền tại các tỉnh ven biển, tránh rủi ro về pháp lý và kinh tế.

Dùng thuế chặn “biệt thự ma”

Trong phiên cuối kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Theo đó, Nghị quyết thông qua nhiệm vụ của Chính phủ nghiên cứu và đề xuất cơ chế kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai thông qua chính sách thuế theo hướng người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất chậm đưa vào sử dụng thì phải chịu mức thuế cao hơn.

Tâm lý, nhà đất là kênh đầu tư an toàn hàng đầu luôn ngự trị trong tâm thức của hầu hết người dân Việt. Bởi lẽ đất thường không mất giá mà còn tăng giá theo thời gian. Do đó, việc đầu cơ tích đất xảy ra khá phổ biến ở nước ta.

Dự án Thành phố ven sông Hồng: Xây hàng trăm chung cư cao tầng là không ổn

Hà Nội vốn có ý nghĩa là thành phố bên sông, nhưng đến nay vẫn chưa thể quy hoạch xây dựng phát triển đô thị ven sông Hồng. Trong khi việc phát triển đô thị quanh các dòng sông vẫn luôn là sự ưu tiên của các nước trên thế giới.

Thực tế cho thấy các đô thị ven sông không chỉ giải quyết vấn đề nhà ở và giúp tăng chất lượng cuộc sống của người dân cũng như phát triển các dịch vụ du lịch. Vì vậy, việc quy hoạch và phát triển đô thị ven hai bờ sông Hồng là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, sông Hồng có nhiều đặc điểm thủy văn phức tạp gây khó khăn trong quy hoạch. Được bắt nguồn từ những nhánh lưu vực sông từ Trung Quốc đổ xuống, sông Hồng có địa hình hướng dốc chung từ Tây Bắc xuống Đông Nam, địa hình phần thượng nguồn có sự chia cắt mạnh. Bởi đặc điểm địa hình nên mực nước ở con sông này chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều, cũng như vào hai mùa mưa và mùa khô cách nhau hàng chục mét…

Phát hiện thêm vụ đất công bị chiếm dụng; chuyên gia đề xuất cấm chia lô bán nền - 3

Dự án thành phố ven sông Hồng đến nay vẫn nằm ở mức ý tưởng.

Vụ 110 nhà liên kế xây “chui”: “Doanh nghiệp cầm đèn chạy trước ô tô”

Chiều 20/6, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chủ trì buổi họp báo thông tin liên quan đến dự án khu nhà ở tại phường Phú Mỹ, quận 7 do Công ty CP đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư, đang được dư luận quan tâm.

Tại đây, lãnh đạo UBND quận 7 và Sở Xây dựng TPHCM đã có báo cáo nhanh về pháp lý dự án và kiểm tra của lực lượng chức năng xuyên suốt quá trình triển khai đầu tư dự án.

Theo ông Đào Gia Vượng, Phó Chủ tịch UBND quận 7 cho biết, lực lượng Thanh tra xây dựng kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra dự án nhiều lần.

Đối với khu nhà ở liên kế, thấp tầng, ông Vượng cho biết, theo quy định pháp luật thì không cần làm thủ tục xin cấp phép xây dựng. Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư cũng làm đúng quy hoạch được duyệt.

Phát hiện thêm vụ đất công bị chiếm dụng; chuyên gia đề xuất cấm chia lô bán nền - 4
Vụ 110 nhà liên kế xây “chui”, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, “Doanh nghiệp cầm đèn chạy trước ô tô”

Cú tăng giá “thần thánh” 800 triệu trúng 18 tỷ đồng, đất vẫn đấy tiền ở đâu

Việc Quốc hội thông qua tạm dừng Luật đặc khu kinh tế khiến thị trường bất động sản ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc gần như bị đóng băng hoàn toàn. Nhiều văn phòng giao dịch bất động sản đóng cửa, nhà đầu tư nhỏ lẻ vội vã bán hàng để bảo toàn vốn hoặc cắt lỗ. Nhiều nhà đầu tư lướt sóng đã đầu tư vào khu vực đặc khu ngay khi giá đất đã cao, nên giờ đành xả hàng với giá thấp, nếu để giá xuống hơn nữa thì sẽ lỗ khá nặng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận xét, ngay từ khi có quyết định tạm dừng giao dịch mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm điều tiết thị trường bất động sản, “cắt cơn sốt” đất ảo, việc giao dịch mua đi bán lại đất trái quy định tại các địa phương gần như đã chấm dứt hoàn toàn.

Đất ở Vân Đồn không còn giá “trên trời” nữa, đã hạ nhiệt rất nhiều. Nhiều người “ôm” đất tại đây đang thấp thỏm đứng ngồi không yên và muốn bán để rút vốn. Trong khi đó, ở Vạn Giã, lúc cao điểm, trên địa bàn có hơn 30 sàn giao dịch nhưng nay con số hoạt động hàng ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tương tự tại Phú Quốc, tình hình mua bán, chuyển nhượng đất đai cũng trở nên trầm lắng ảm đạm.

Bi kịch trên “đất vàng” Hà Nội của “huyền thoại” Giày Thượng Đình?

Công ty CP Giày Thượng Đình (mã chứng khoán GTD) vừa công bố tài liệu phục vụ họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 tới.

Báo cáo tài chính 2018 của GTD cho thấy, năm vừa rồi, doanh thu thuần đạt 174,28 tỷ đồng, giảm gần 12% so với kết quả đạt được năm 2017. Doanh thu không đủ bù chi phí, khiến GTD tiếp tục lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 16,9 tỷ đồng, lỗ ròng xấp xỉ 17 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp GTD công bố việc kinh doanh thua lỗ sau khi cổ phần hoá.

Báo cáo giải trình của GTD giải thích rằng, sau cổ phần hoá, GDT vẫn gặp khó với tình trạng chi phí chung bình quân cho một sản phẩm cao, khó cạnh tranh với các nhà cung cấp giày ở Việt Nam và Trung Quốc. Chi phí chung đưa hết vào thì giá quá cao khó có thể chào hàng được.

Phát hiện thêm vụ đất công bị chiếm dụng; chuyên gia đề xuất cấm chia lô bán nền - 5
Sản phẩm giày Thượng Đình đã kém sức cạnh tranh đáng kể so với hàng Trung Quốc và các sản phẩm nội địa khác

Quá nửa số chung cư ở Hà Nội chưa bàn giao quỹ bảo trì, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra

Trên địa bàn thành phố vẫn còn 100/492 (chiếm 20%) chung cư thương mại, 35/82 (chiếm 43%) chung cư tái định cư chưa bàn giao được Hồ sơ nhà chung cư cho ban quản trị; 154/492 (chiếm 31,3%) chung cư thương mại chưa bàn giao diện tích sở hữu chung cho Ban quản trị, trong đó có 23 trường hợp (chiếm 4,7%) phát sinh tranh chấp về diện tích chung – riêng.

Vẫn còn số lượng rất lớn chung cư (254/492 chung cư thương mại, chiếm 52%; 33/82 chung cư tái định cư, chiếm 40%) chưa bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho Ban quản trị, trong đó phát sinh 39 trường hợp chung cư thương mại có tranh chấp về kinh phí bảo trì này.

Trước thực trạng nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.

Bộ cũng kiến nghị chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật.

Mua nhà ở TP.HCM và Hà Nội, ở đâu đắt hơn?

Theo Savills, hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM hiện đang trong quá trình tích cực chuyển mình với lượng FDI lớn và các luồng vốn đầu tư mới.

Động lực phát triển của thị trường nhà ở đến từ cơ cấu dân số vàng, những thay đổi liên tục về cấu trúc và triển vọng kinh tế khả quan.

Giá bán trung bình tại Hà Nội năm 2018 ở mức 1.300 USD/m2, tăng nhẹ (1%) so với 2017; hạng A cũng ghi nhận mức tăng giá cao nhất.

Do nguồn cung hạng B dồi dào, các chủ đầu tư đã đưa ra những mức giá cạnh tranh để duy trì doanh thu. Số lượng giao dịch hạng C tăng nhờ nhu cầu nhà giá rẻ tăng, các chủ đầu tư cũng đưa ra các điều khoản thanh toán, chương trình chiết khấu và khuyến mãi linh hoạt hơn để thu hút khách hàng.

Chính thức gỡ lệnh cấm giao dịch đất ở Bắc Vân Phong

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản khẩn gửi UBND huyện Vạn Ninh, Ban quản lý khu kinh tế Vân Phòng và một số cơ quan có liên quan khác thông báo về việc chấm dứt hiệu lực của văn bản số 4391/UBND-XDNĐ của UBND tỉnh.

Cụ thể, từ ngày 17/6/2019, UBND tỉnh chính thức chấm dứt hiệu lực văn bản số 4391/UBND-XDNĐ ngày 9/5/2018 về việc tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn huyện Vạn Ninh.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ban ngành tỉnh; Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thuộc huyện Vạn Ninh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện văn bản này.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Lê Đức Vinh yêu cầu, trường hợp có khó khăn, vướng mắc UBND huyện Vạn Ninh và các Sở, ban ngành báo cáo về UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo giải quyết.

Phát hiện thêm vụ đất công bị chiếm dụng; chuyên gia đề xuất cấm chia lô bán nền - 6
Chính thức gỡ lệnh đóng băng đất Bắc Vân Phong

Công khai 194 doanh nghiệp nợ thuế, vô số “đại gia” xây dựng bị xướng tên

Cục Thuế TP Hà Nội vừa công khai thông tin nợ thuế tháng 6 với danh sách gần 200 doanh nghiệp nợ thuế, phí tính đến hết tháng 4/2019.

Trong số này, có 65 doanh nghiệp nợ thuế phí với số tiền lên tới gần 240 tỷ đồng qua nhiều năm và 129 doanh nghiệp nợ thuế, phí công khai lần đầu với gần 60 tỷ đồng.

Đứng đầu danh sách 129 doanh nghiệp nợ thuế, phí bị công khai lần đầu là Công ty CP Xây lắp điện với gần 3,6 tỷ đồng.

Tiếp theo là Công ty CP Công trình giao thông Thăng Long nợ 3,48 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng phát triển hạ tầng Tân Hưng nợ 2,9 tỷ đồng; Công ty CP Xây lắp và Phát triển nhà HUD 3.2 (2,4 tỷ đồng); Công ty CP Thương mại và xây dựng Phú Thành (1,6 tỷ đồng)…

Nguyễn Khánh (Tổng hợp)

Nguồn bài viết: Dân Trí