Mặc dù “cơn địa chấn” mang tên Địa ốc Alibaba vẫn còn nóng hổi và luôn được đưa ra như một ví dụ điển hình của sự lừa đảo trên thị trường bất động sản nhưng ngay tại thời điểm này, vẫn có hàng loạt vụ tương tự. Do đó, vấn đề làm sao ngăn chặn những dự án “ma” đang trở thành cấp thiết.
Nhà đầu tư sợ mua nhầm dự án “ma”
Những năm gần đây, khi quỹ đất tại khu vực trung tâm TPHCM ngày càng khan hiếm, nhiều nhà đầu tư đã đổ xô về vùng ven để “săn” đất nền. Đáng chú ý, khi có thông tin tỉnh Đồng Nai sắp xây dựng sân bay Long Thành và xây cầu Cát Lái, thị trường đất nền ở vùng ven TPHCM ngày càng “hút” nhà đầu tư.
Thế nhưng, sau khi lãnh đạo Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba) bị bắt cách đây không lâu, nhiều nhà đầu tư bắt đầu “chùn tay” trong việc mua đất nền. Nguyên nhân là do họ sợ mua nhầm những dự án “ma” rồi “mất tiền oan”, giống như hàng ngàn khách hàng đã lỡ đầu tư vào các dự án “bánh vẽ” tại TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận mà Địa ốc Alibaba dựng lên, rao bán rầm rộ thời gian qua.
Theo tìm hiểu, trước khi bị công an khởi tố và bắt hàng loạt lãnh đạo cao cấp, Địa ốc Alibaba đã triển khai tới 40 dự án tại nhiều tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận.
Tất cả các dự án đều dùng chung một “chiêu thức” là đất nông nghiệp do các cá nhân đứng tên hoặc đã được quy hoạch là đất công viên, giao thông và thậm chí là đất nghĩa trang… nhưng Alibaba tự ý vẽ lên các dự án hoành tráng, tự phân lô để bán nền cho khách hàng.
Công an TPHCM cho biết, Công ty Alibaba đã bán đất nền, huy động vốn của 6.700 người, với số tiền hơn 2.500 tỉ đồng theo hình thức đa cấp. Sau khi Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT công ty này, bị bắt, hàng ngàn khách hàng kéo đến Công ty Alibaba tố cáo nhưng hy vọng lấy lại tiền là rất khó.
Vẫn còn những “bản sao” Alibaba
Dù “cơn địa chấn” Alibaba vẫn còn nóng hổi và luôn được đưa ra như một ví dụ điển hình của sự lừa đảo trên thị trường bất động sản (BĐS) nhưng ngay tại thời điểm này, vẫn có hàng loạt vụ tương tự.
Mới đây nhất, hàng trăm khách hàng đã kéo đến trụ sở Tỉnh ủy Long An và gửi đơn đến Bộ Công an tố cáo bà Nguyễn Kim Phượng, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng BĐS Hưng Thịnh tại Long An (không phải Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corporation) tại TPHCM); bà Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên BĐS Đất Xanh Long An và một số cá nhân khác có hành vi lừa đảo tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường và Hưng Thịnh Cát Tường 2 (H.Đức Hòa, Long An).
Những khách hàng ở đây cho biết, hai dự án này đến nay chủ đầu tư đã bán cho họ nhưng vẫn chưa hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng. Thậm chí tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường 2, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên BĐS Đất Xanh Long An còn bị người dân tố cáo chưa bồi thường đã tự ý chiếm dụng đất của người dân để phân lô bán nền. Hiện đơn tố cáo của người dân đã được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) tiếp nhận xử lý.
Ngoài trường hợp trên, mới đây, hàng trăm khách hàng đã đưa đơn lên Bộ Công an tố cáo Công ty TNHH tư vấn BĐS Hoàng Kim Land (HKL) do bà Trần Thị Mỹ Hiền là Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Angel Lina (Công ty Angel Lina) do bà Phạm Thị Tuyết Nhung làm giám đốc, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo tìm hiểu, ngoài dự án trên, Công ty HKL cũng vẽ hàng loạt dự án khác ở Hóc Môn, Bình Chánh, Q.8 và tỉnh Long An để bán cho khách hàng. Khi sự việc “nổ” ra, hàng trăm khách hàng đã nhiều lần kéo đến Công ty HKL cũng như đến nhà riêng của bà Trần Thị Mỹ Hiền để yêu cầu trả lại tiền, nhưng lãnh đạo công ty này liên tục lẩn tránh.
Cần tăng cường công tác quản lý
Ở góc độ pháp lý, Luật sư Thái Đức Long (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiều khách hàng mua nhầm các dự án “ma” như trên. Trong đó, nguyên nhân tiên quyết là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Dễ thấy điều này khi những sự kiện Công ty mở bán đất nền được tổ chức hoành tráng, treo bảng giới thiệu thật to ở khu vực và quảng cáo liên tục trên mạng, trên điện thoại… và đặc biệt là họ tổ chức thi công xây dựng hạ tầng rầm rộ mà chính quyền địa phương không biết là điều vô lý.
Ngoài ra, theo Luật sư Long, nguyên nhân thứ hai là ở phía người mua. Khi tham gia giao dịch bất động sản, người mua thường có xu hướng hùa theo đám đông, nghe lời tư vấn “có cánh” của đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp đánh vào tâm lý ham rẻ, sợ mua hụt để tranh mua… mà “nhắm mắt mua đại”. Đó là chưa kể, người mua còn bỏ qua hoặc không biết cách kiểm tra thông tin dự án mà chỉ nhìn vào bề ngoài như cách tổ chức sự kiện, số lượng người tham gia, các bảng quảng cáo hấp dẫn, hạ tầng đang thi công rầm rộ tại dự án mình đang được giới thiệu nên dễ bị lừa.
Nhằm hạn chế, giảm thiểu tình trạng có dấu hiệu lừa đảo trong rao bán đất nền, Luật sư Long cho rằng, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương cần phải tăng cường công tác quản lý, thực thi nghiêm pháp luật về kinh doanh bất đông sản tại các địa phương theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần chấn chỉnh ngay những cán bộ thoái hóa, biến chất, tiếp tay hoặc làm ngơ cho cái xấu hoành hành và phải có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn các dự án “ma”. Bởi lẽ, thời gian trước, ở cấp phường, xã chỉ dùng giải pháp là dựng bảng cảnh báo tại địa điểm dự án “ma” mà không có bất kỳ động tác quyết liệt nào cả.
Mặt khác, Sở xây dựng ở các tỉnh, thành cần kiểm tra ngay khi có thông tin dự án được mở bán để kịp thời phát hiện những dự án chưa đủ điều kiện mở bán theo Luật kinh doanh bất động sản và cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Chính phủ cần phải có giải pháp để Ngân hàng chủ động thông tin những dự án nào đã thế chấp nhằm tránh tình trạng chủ đầu tư vừa thế chấp ngân hàng, vừa bán nền cho người dân. Do đây là điều rất tế nhị vì Ngân hàng phải giữ bí mật giao dịch với khách hàng, nhưng không phải không làm được”, Luật sư Long nhận định thêm.
Quế Sơn
Nguồn bài viết: Dân Trí