Rủi ro ‘mua chung’ bất động sản

108

Thị trường bất động sản (BĐS) gần đây rộ chiêu thức huy động vốn bằng cách mua chung qua các ứng dụng trực tuyến… Tuy nhiên, những hình thức này đang bộc lộ rủi ro cho khách hàng.

Gần đây, nhiều đơn vị kinh doanh BĐS cho ra đời các ứng dụng mua bán trực tuyến (app) rất mới mẻ. Qua đó, nhiều nhà đầu tư có thể cùng kết nối, mua chung một căn hộ,  đất hoặc một dự án. Có khi chỉ cần vài triệu đồng là người mua đã có thể góp vốn vào một dự án trị giá vài tỷ đồng.

“Mô hình của chúng tôi là khách mua sẽ chia sẻ cơ hội đầu tư cùng khách hàng khác bằng hình thức mua chung, đầu tư chung căn hộ hoặc shophouse. Ví dụ, một căn hộ 3 tỷ đồng, chủ đầu tư sẽ chia thành 100 phần, mỗi phần 30 triệu đồng. Tùy khả năng tài chính của mình mà khách hàng có thể mua một phần hoặc nhiều phần”, nhân viên tư vấn Công ty Cổ phần RealStake, một đơn vị đang triển khai mô hình này, cho biết.

Lô đất hơn 5.000m2 tại Gia Lâm (Hà Nội) nhiều khách hàng đã góp vốn mua. Ảnh: N.M

Lô đất hơn 5.000m2 tại Gia Lâm (Hà Nội) nhiều khách hàng đã góp vốn mua. Ảnh: N.M

Theo đó, trong các dự án được góp vốn, khách hàng sẽ ký với công ty này hợp đồng mua bán và quản lý đất động sản. Trong hợp đồng thể hiện rõ tỉ lệ khách hàng tham gia góp vốn. Lợi nhuận có thể từ 6%/năm trở lên.

Cùng với đó, doanh nghiệp này tung ra thị trường một đơn vị ảo định danh là Mey. Đầu tư vào Mey, nhà đầu tư cùng lúc nắm trong tay cổ phiếu Mey, tiền điện tử Mey và điểm quảng cáo MVND. Đồng thời, nhà đầu tư được quảng cáo một tương lai thu về lợi nhuận “khủng”, chỉ với việc bỏ ra một số tiền nhỏ, nhà đầu tư có thể thu về giá trị rất lớn.

Theo đó, Meeyland kêu gọi vốn đầu tư với các gói:  từ 10 đến 50 USD và không chiết khấu. Gói cơ bản: vốn đầu tư từ 52 đến 500USD, chiết khấu 01%. Gói tiêu chuẩn: vốn đầu tư từ 501 đến 5.000 USD, chiết khấu 3%. Gói chuyên nghiệp: vốn đầu tư từ 5.001 đến 50.000 USD, chiết khấu 4%. Gói cao cấp: vốn đầu tư từ 50.001USD trở lên, chiết khấu 5%.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho rằng, hình thức mua BĐS qua App thực chất là phương thức đầu tư tài chính, huy động vốn của chủ đầu tư, mọi ràng buộc chỉ dựa vào hợp đồng hợp tác với đơn vị phát hành. Người mua phần giá trị tài sản đó cũng không thể xác lập quyền sở hữu và định đoạt số phận tài sản đó.

Theo ông Lê Hoàng Châu, hiện nay, mô hình này trong kinh doanh bất động sản chưa có khung pháp luật điều chỉnh. Cách thức để các chủ đầu tư, đơn vị huy động vốn phổ biến vẫn là cam kết lợi nhuận cao, dễ dẫn đến biến tướng gây rủi ro cho nhà đầu tư. “Để lôi kéo nhà đầu tư, một số bên dùng “mồi” cam kết lợi nhuận khủng. Nhà đầu tư dễ bị ra lưới như câu chuyện condotel trước đây”, ông Châu nói.

Ngọc Mai/Tiền phong