Sau một thời gian dài giới cò đất đã “làm mưa làm gió”, liên tục tung hàng loạt thông tin ảo để làm giá, hiện nay giao dịch nhà đất không còn cảnh “chụp giật”. Điều này nhờ các động thái quyết liệt của UBND TP Đà Nẵng trong việc tháo dỡ hàng loạt ki-ốt giao dịch bất động sản (BĐS) trái phép, xác minh các đối tượng tung các tin đồn thất thiệt của giới “cò đất” nhằm đẩy giá đất lên cao.
Tuy vậy, trên thị trường BĐS Đà Nẵng vẫn đang diễn ra các giao dịch ngầm nhằm né tránh sự kiểm tra của các cơ quan quản lý. Thay vì các cò đất giới thiệu cho khách hàng dự án tại những “chốt” lộ thiên nằm ở nhiều trục đường ven biển, thì nay các cuộc “trả giá” thường được diễn ra tại văn phòng công ty.
Đánh giá của giới kinh doanh địa ốc nơi đây, cho biết giá BĐS trên địa bàn TP vẫn khá cao. Một phần là do mặt giá nhà đất tại Đà Nẵng đã bị “thổi” lên quá cao từ 2 năm trước đây. Hai là Đà Nẵng được đánh giá là TP đáng sống và có tỉ suất đầu tư BĐS sinh lời khá cao. Nhiều dự án được tung ra thị trường, kéo theo việc hình thành một mặt bằng giá bán mới.
Bà Trần Thị Lý, tự xưng là chủ một sàn môi giới nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, cho biết: “Với tốc độ phát triển của TP Đà Nẵng thì giá đất ở đây khó giảm, nếu không muốn nói là vẫn đang tăng theo thời gian. Việc giao dịch gọi là giảm chỉ thuộc về nhiều đối tượng cò tự do, tự phát thường tung nhiều thông tin thất thiệt để lôi kéo khách hàng mua một số dự án “ma”. Đối với những dự án BĐS có pháp lý rõ ràng, được quy hoạch bài bản thì giá bán tiếp tục tăng”.
Bà Lý cho biết thêm hiện nay dọc đường Nguyễn Tất Thành, nhất là khu vực Xuân Thiều, Nam Ô giá đất được chào bán lên hơn 100 triệu/m2 nếu như nằm mặt tiền hướng biển, còn đối với những lô đất trong các con đường xa hơn thì giá cũng khoảng 40-70 triệu/m2. Đối với nhà đất nằm dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp, nếu có pháp lý rõ ràng thì giá bán cũng lên đến gần 300 triệu đồng/m2 mặt tiền đường. Tại khu vực Hòa Xuân, giá bán có “chững” lại do nơi đây hơn 2 năm qua không có dự án khu dân cư nào mới, khách hàng đang “chạy” theo xu hướng tiến dần về hướng Tây Bắc để đầu tư.
Trong khi đó, đối với phân khúc căn hộ, giá bán tại những dự án nằm ven bờ biển Mỹ Khê khoảng 45-60 triệu đồng/m2; tại một số vị trí đường Nguyễn Tất Thành cũng có giá bán khoảng 35-50 triệu/m2. Riêng các dự án căn hộ dọc hai bên bờ sông Hàn, giá bán khá cao do không có nhiều dự án mới, khoảng 50-60 triệu/m2. Phân khúc căn hộ khách sạn đang bị “giữ giá” do nguồn cung đang rất dồi dào, khoảng 60-80 triệu/m2 tùy vị trí. Theo các sàn môi giới, giá bán condotel đang có chiều hướng giảm sút phần lớn do pháp lý của phân khúc này chưa rõ ràng.
Thống kê và đánh giá chi tiết về thị trường BĐS Đà Nẵng từ năm 2017 cho đến đầu tháng 6/2019, Công ty CP DKRA Việt Nam cho hay, thị trường BĐS Đà Nẵng có dấu hiệu giảm nhiệt ở hầu hết các phân khúc nhưng lại tăng mạnh ở phân khúc đất nền với mức tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Ở phân khúc nhà phố, biệt thự, trong 3 năm qua, có 12 dự án nổi bật được mở bán như: Lakeside Palace, Kim Long City, Drgon Smart City…, cung cấp ra thị trường 2.199 căn và đã bán được 3.138 căn, đạt 97% nguồn cung.
Ở phân khúc căn hộ (chung cư), có 16 dự án nổi bật được mở bán với 7.291 căn và đã bán được 99% số căn hộ. BĐS nghỉ dưỡng nổi lên tại Đà Nẵng hơn 10 năm nay, tuy nhiên, ở phân khúc biệt thự biển, từ năm 2018 đến nay, gần như không có nguồn cung mới nên không có phát sinh giao dịch ở phân khúc này. Còn ở phân khúc căn hộ du lịch (condotel), từ năm 2016 đến nay, Đà Nẵng có 9.890 căn hộ du lịch của 12 dự án được đưa ra thị trường và đã tiêu thụ đạt 75% (7.418 căn), nhưng từ giữa năm 2018 đến nay, sản lượng tiêu thụ sụt giảm đáng kể.
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thị trường BĐS và nhà ở xuất hiện hiện tượng “sốt” bất thường, thậm chí có hiện tượng tung tin, đẩy giá tạo bong bóng BĐS ở khu vực Quảng Nam và Đà Nẵng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đều đã kiểm soát chặt chẽ.
“Gần đây, nhiều địa phương, trong đó có Đà Nẵng, triển khai rà soát các dự án phát triển đô thị và BĐS nên có ảnh hưởng và giảm bớt nhịp độ, làm chững lại sự phát triển của thị trường BĐS. Tuy nhiên, việc thành phố rà soát, xem xét lại là cần thiết để có những kiến nghị điều chỉnh, có những chính sách đúng, phù hợp hơn, làm giảm đi sự phát triển “sốt” bất thường. Thị trường BĐS Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và điều kiện để phát triển tốt nên sẽ sớm phát triển trở lại theo hướng lành mạnh, bền vững”, ông Nguyễn Văn Đính nói.
Cũng theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, dự báo tình hình thị trường BĐS Đà Nẵng trong những tháng cuối năm nay có thể ổn định và phát triển trở lại. Nguồn cung từ các dự án bất động sản sẽ tăng mạnh so với quý 1, nguồn cung chủ đạo tiếp tục là dòng sản phẩm căn hộ, trong đó chủ yếu là phân khúc bình dân và trung cấp. Số lượng giao dịch cũng sẽ tăng mạnh so với quý 1 bởi nguồn cung dồi dào, phong phú từ các dự án ra hàng. Giá bất động sản có thể tăng nhẹ ở mọi phân khúc.
Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, thị trường BĐS Đà Nẵng đang lọt vào tầm ngắm của giới đầu tư quốc tế, bởi vì TP Đà Nẵng đang thực hiện triển khai nhiều quy hoạch mới. TP Đà Nẵng nhận thấy rõ những “điểm nghẽn” phát triển cần phải vượt qua trên con đường đến, “nhận diện và phát huy tốt các động lực tăng trưởng mới”, chuyển đổi từ phương thức quản trị đô thị truyền thống, ít dựa vào công nghệ, sang phương thức quản trị đô thị thông minh;
Đà Nẵng cũng đang thí điểm chính quyền đô thị thông minh, kiến tạo phát triển nhằm điều hành tốt hệ thống kinh tế và xã hội, kết nối được các chủ thể từ người dân, các cộng đồng với khối doanh nghiệp, “kết nối và liên kết vùng, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” hướng tới tăng trưởng nhanh, đổi mới sáng tạo và tiến bộ.
Từ những quyết sách này, các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước sẵn lòng rót vốn đầu tư vào hàng loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng, khu đô thị hạng sang tại Đà Nẵng trong thời gian tới. Chẳng hạn, mới đây UBND TP Đà Nẵng trao giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp Nhật Bản với giá trị gần 160 triệu USD. Cụ thể, dự án mở rộng khu du lịch Xuân Thiều vốn đầu tư 100 triệu USD của Công ty Mikazuki và dự án tháp ven sông, vốn đầu tư 56,387 triệu USD (tại phường Bình Thuận, quận Hải Châu), diện tích 3.125m2 của Công ty TNHH Đầu tư Sun Frontier.
Công ty CP DKRA Việt Nam đánh giá, với định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, là triển vọng tươi sáng tạo tiền đề cho thị trường BĐS Đà Nẵng tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, Đà Nẵng sẽ phải vượt qua nhiều thách thức lớn như: quỹ đất còn khiêm tốn so với năng lực phát triển, tâm lý người mua vẫn chuộng các sản phẩm đất nền và nhà liền thổ, thông tin thị trường chưa được minh bạch dẫn đến những xáo trộn ở một số thời điểm, áp lực đối với môi trường tự nhiên khi phát triển BĐS du lịch và nghỉ dưỡng…