Sốt đất vì tin đồn: Liều ăn nhiều, không may là rơi cảnh chôn vốn đất hoang

130

 Theo chuyên gia, những bài học sốt đất tại nhiều vùng ven Hà Nội vẫn còn đó, rộ lên rồi trầm lắng, không ai mua, để hoang rất nhiều. Nhiều nhà đầu tư “lụt” ở đó, trong khi lúc mua thì đắt.

Sốt đất vì tin đồn: Liều ăn nhiều, không may là rơi cảnh chôn vốn đất hoang - 1
Nhiều xe ô tô xếp hàng dài tại khu vực Đồng Trúc trước thông tin sắp có dự án khu đô thị.

Cẩn trọng kiểu sốt vì tin đồn

Mới đây, một tập đoàn bất động sản lớn ở Việt Nam đã có văn bản gửi UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) đề nghị xây dựng 2 khu đô thị trên địa bàn với quy mô khoảng 500 ha.

Sau khi xuất hiện thông tin này, khu vực xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất bất ngờ “nổi sóng” giữa những ngày thị trường bất động sản vô cùng ảm đạm vì đại dịch Covid-19.

Theo ghi nhận của PV gần 1 tuần qua, có cả trăm người vừa là dân đầu tư, cò đất tập trung tại khu vực này với kỳ vọng tìm được cơ hội đầu tư “lướt sóng”, đón đầu quy hoạch.

Trước diễn biến nêu trên, chính quyền khu vực này đã vào cuộc, dán thông báo khắp nơi khẳng định “hiện nay chưa có dự án nào được phê duyệt quy hoạch tại xã Đồng Trúc. Đề nghị nhân dân tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua bán, giao dịch nhà đất. Tránh bị các đối tượng cò mồi, môi giới đất đưa thông tin sai sự thật, lợi dụng trục lợi”.

Thông tin từ phía tập đoàn bất động sản đang có ý định đầu tư vào khu vực Thạch Thất cũng cho biết, “dự án mới chỉ là đề xuất từ phía doanh nghiệp”. Hiện chưa có bất kỳ động thái gì cho thấy dự án được triển khai mà mới chỉ tồn tại ở dạng “ý tưởng”.

Ngay sau một loạt cảnh báo, “cơn sốt” tại khu vực này mau chóng hạ nhiệt. Theo ghi nhận đến ngày 28/3, khu vực Đồng Trúc không còn đông vui, nhộn nhịp nữa.

Một môi giới bất động sản cho biết, giá đất khu vực này có tăng, mức tăng chưa phải là quá “sốc”. Đa phần mới chỉ là tìm hiểu, có trường hợp đặt cọc nhưng giao dịch chính thức thì vị này chưa thấy. “Nhìn chung sau nhiều bài học “vỡ mộng” đất nền, dân đầu tư giờ tỉnh táo hơn rất nhiều”, vị này chia sẻ.

Bài học về đầu tư kiểu “đám đông” rất nhiều!

Nói với , ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam nhận xét: Kiểu đầu tư theo tin đồn, theo đám đông đã có rất nhiều bài học từ trước đến nay.

Theo ông Đính, nếu nhảy vào thời điểm sốt nóng trong khi giá không đúng với bản chất là giá trị đầu tư tăng thì dễ ngậm trái đắng.

“Nếu tăng do tin đồn, tăng dựng đứng, tăng không đúng với nguyên lý thì rõ ràng đây là chiêu trò của cò mồi. Kích động đẩy giá tạo sóng. Theo cách gọi của dân môi giới thì tạo sóng, dễ tạo nên điểm nóng dễ vỡ dễ nổ”, ông Đính cảnh báo.

Ông Đặng Văn Quang, chuyên gia bất động sản đồng thời là giám đốc một công ty chuyên nghiên cứu thị trường bất động sản cảnh báo: Việc kiếm lợi từ các giao dịch mua bán khiến nhiều “cò đất” đưa ra những thông tin không chính xác.

“Họ thường có xu hướng đưa ra những tin quá lạc quan, màu hồng. Hãy cẩn trọng trong đầu tư, đừng nghe tin đồn, bởi có những tin đồn tinh vi tới mức đúng 50%, khiến người mua vội vã xuống tiền ngay không sợ mất cơ hội rồi sau đó nhận trái đắng”, ông Quang nói.

Trước đây, đất đai khu vực Hoà Lạc và một số khu vực vùng ven cũng đã trải qua nhiều đợt “sốt nóng”. Hệ luỵ nhiều nhà đầu tư vẫn còn mắc kẹt.

Cách đây hơn thập kỷ khi Hà Nội sáp nhập với Hà Tây, với thông tin Hoà Lạc trở thành đô thị vệ tinh của Việt Nam, nhiều nhà đầu tư ồ ạt về đây tìm kiếm cơ hội.

Giai đoạn 2008-2009, từ mức chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/m2 cho những lô đất đẹp, ô tô đỗ cửa đã tăng vọt lên mức 10-15 triệu đồng/m2, cao điểm nhất có khu lên tới 30 triệu đồng/m2. Những mảnh đất trong làng xóm khi đó có giá ban đầu chỉ chừng 500-600 nghìn đồng/m2 cũng được đẩy lên 5-6 triệu đồng mỗi m2. Với những lô đất mặt đường quốc lộ có giá lên tới 30 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, sau đó thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, “vỡ bong bóng” giá nhà đất ở khắp Hà Nội rơi cảnh ảm đạm vào giai đoạn 2011-2012. Nhà đất Hòa Lạc cũng như nhiều nơi vùng ven khác rơi vào tình trạng đóng băng.

Từ cuối năm 2018 đầu năm 2019, đất Hòa Lạc có một đợt “nóng” trở lại, nhưng sau đó lại chững lại cho tới cuối 2019.

Chia sẻ với , chuyên gia bất động sản Đặng Văn Quang nhấn mạnh, bài học đất Ba Vì, Alibaba… còn đó. Nhà đầu tư “liều ăn nhiều” nhưng cũng có thể sẽ mắc cạn, ngậm trái đắng.

Theo vị này, việc bất động sản có tăng giá trị thực chất hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc dự án có được cấp phép, nếu được cấp phép thì tiến độ ra sao. Đặc biệt hiện nay trong bối cảnh thị trường bất động sản đang khó khăn bủa vây bởi dịch Covid-19 thì cũng khá nhiều mạo hiểm.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, bài học khu vực An Khánh vẫn còn đó, rộ lên rồi trầm lắng, không ai mua, để hoang rất nhiều. Nhiều nhà đầu tư “lụt” ở đó, trong khi lúc mua thì đắt.

“Ở khu vực Đồng Trúc bây giờ cũng vậy, khu vực đó chưa có đầu tư gì lớn để tạo ra giá trị tăng. Đất đai tỷ lệ thuận với giá trị đầu tư, có đầu tư hạ tầng xã hội dịch vụ thì mới tăng được giá trị chứ”, ông Đính cho biết.

Nhận định về các cơn sốt đất, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, qua nhiều cơn sốt đã xảy ra, người mua dần tỉnh táo và cảnh giác hơn trước các chiêu bài làm giá. Cùng với sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương, thời gian kéo dài của các cơn sốt đất ngày càng được rút ngắn. Nhiều nơi chỉ sốt sau 1 tuần rồi lại trầm lắng…

Nguyễn Mạnh

Nguồn bài viết: Dân Trí