Bộ Xây dựng cho biết khi ban hành quy định căn hộ 25m2 đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Qua đó thấy nhiều nước cho phép xây dựng căn hộ chung cư có diện tích nhỏ như Hàn Quốc: 14m2; Pháp: 15m2.
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 21 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư. Trong đó, quy định diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư không nhỏ hơn 25m2.
Quy định này sau khi được ban hành đã nhận nhiều ý kiến trái chiều. Ngày 5/3, Bộ Xây dựng chính thức lên tiếng làm rõ vấn đề này.
Theo đó, Bộ Xây dựng khẳng định, lý do để ban hành quy định nêu trên bao gồm cả cơ sở pháp luật lẫn thực tiễn.
Cụ thể về cơ sở pháp luật, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 ban hành theo Quyết định 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra mục tiêu: đến năm 2015 chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 6m2 sàn/người; đến năm 2020 chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 8m2 sàn/người.
Như vậy, theo Bộ Xây dựng, quy định tiêu chuẩn diện tích tối thiểu đối với căn hộ chung cư thương mại là 25m2 là phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật về nhà ở.
Ngoài ra Bộ Xây dựng cho biết, theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, cả nước có 26,87 triệu hộ gia đình, trong đó số lượng hộ có 1 người là 2,93 triệu hộ (chiếm tỷ lệ 10,91%); số hộ có 2 người là 5 triệu hộ (tỉ lệ 18,6%).
“Như vậy, việc cho phép xây dựng căn hộ tối thiểu 25m2 để đáp ứng nhu cầu có nhóm hộ gia đình có từ 1-2 người là phù hợp với thực tiễn hiện nay và giai đoạn 2021-2030”, Bộ Xây dựng khẳng định.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, khi ban hành quy định này cũng đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Qua đó thấy nhiều nước trên thế giới đều cho phép xây dựng căn hộ chung cư có diện tích nhỏ như Hàn Quốc: 14m2; Pháp: 15m2; Thái Lan: 15-20m2.
Từ những cơ sở nêu trên, tiêu chuẩn diện tích tối thiểu 25m2 đối với căn hộ chung cư được đưa ra nhằm đảm bảo không gian sinh hoạt, tiện nghi tối thiểu cho người sử dụng, vừa bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của thị trường, đặc biệt là các đối tượng có nhu cầu mua căn hộ để sử dụng cho hộ độc thân hoặc các gia đình trẻ, mới lập nghiệp.
Theo Bộ Xây dựng, khi xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, chính quyền địa phương cần bảo đảm sự phù hợp với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, được cấp có thẩm quyền phê duyệt về dân số, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, cơ sở hạ tầng để bảo đảm không làm quá tải dân số, bảo đảm khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực dự án và kết nối với các khu vực khác.
Mặt khác, để tránh tình trạng chủ đầu tư tập trung xây dựng quá nhiều căn hộ nhỏ trong 1 dự án, Thông tư 21/2019/TT-BXD đã có quy định tổng số căn hộ dưới 45m2 không được vượt quá 25% tổng số căn hộ của dự án.
“Tóm lại, việc quy định diện tích căn hộ tối thiểu 25m2 theo Thông tư số 21/2019/TT-BXD là có cơ sở. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh thì Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục theo dõi, tổng hợp tình hình để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế”, Bộ Xây dựng cho biết.
Thời gian qua, câu chuyện căn hộ chung cư 25m2 đã từng được đem ra bàn luận khá nhiều. Trong đó, không ít ý kiến lo ngại việc phá vỡ quy hoạch, tạo ra các khu “ổ chuột” trên cao.
Những người phản đối hình thành các căn hộ diện tích 25m2 vì cho rằng khi lượng căn hộ thương mại diện tích nhỏ tăng lên, dẫn đến tình trạng dân số tăng nhanh, từ đó kéo theo các áp lực lớn về hạ tầng, giao thông.
Trong khi, một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM còn đang thực hiện các kế hoạch giãn dân ra khu vực ngoại vi nên không muốn phát triển các loại nhà ở thương mại diện tích nhỏ trong nội đô.
Đến thời điểm này, dù Bộ Xây dựng đã chốt nhưng việc xây dựng căn hộ 25m2 vẫn tiếp tục nhận được những luồng ý kiến trái chiều. Những lo ngại này hoàn toàn không phải vô lý bởi trên thực tế không chỉ những nhà tập thể cũ, mà cả chung cư mới xây dựng gần 10 năm trở lại đây cũng đã xuất hiện các “chuồng cọp” trên cao, cơi nới phá quy hoạch.
Nguyễn Mạnh
Nguồn bài viết: Dân Trí