Lúc đầu cứ nghĩ đất xen kẹt là sản phẩm được giới “người nghèo đô thị” như tôi ưa chuộng và mua nhanh bán nhanh vì giá trị thấp, vị trí khuất nẻo. Thế nhưng, đi vào thực tế mới thấy, nếu không “lọc lõi” thung thổ hoặc cậy nhờ “cò” thì từ việc đăng ký tạm trú cho đến khả năng dựng nhà trên khu đất đó là rất xa vời…
Của rẻ…
Thật ra, “đất xen kẹt” chỉ là cụm từ mà những người bán và mua loại đất này tự đặt tên, chứ trong luật định không có khái niệm này. Nói một cách dân dã, đất xen kẹt là đất vườn, đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư đô thị, hoặc đất dư sau quy hoạch chưa được công nhận là đất thổ cư (đất ở).
Thông thường, những loại đất này không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà chỉ được chuyển nhượng thông qua giấy tờ viết tay. Cũng chính vì quyền sử dụng đất mù mờ nên giá các loại đất này thường rẻ hơn 50 – 80% so với đất có đầy đủ giấy tờ ở cùng khu vực.
Theo chân anh bạn tên Hải ở Thái Thụy (Thái Bình) đang tìm mua đất xen kẹt, chúng tôi đến phường Tứ Liên, Tây Hồ (Hà Nội) vốn là địa bàn được nhiều người mua đất xen kẹt lựa chọn vì khoảng cách khá gần trung tâm, lại được tiếng “gần” hồ Tây.
Nhờ có quan hệ trước với một số cò đất địa phương nên anh Hải được giới thiệu cho mấy thửa đất dường như là đất trồng rau hoặc trồng đào ngày xưa với diện tích 35 m2. Mặc dù là đất xen kẹt, nhưng khu đất anh được giới thiệu đã có những gia đình xây nhà 2 tầng và giá cũng vừa phải, dao động từ 500 – 900 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau một hồi mặc cả, trao đổi, chúng tôi nhận thấy khả năng hợp thức hóa các thửa đất này gần như bằng không, đồng thời người môi giới đưa ra một mức hoa hồng quá cao khiến chúng tôi từ bỏ ý định tìm hiểu thêm.
Tại phường Tây Mỗ, chúng tôi được chủ đất tên Trung có số điện thoại 0988839… dẫn đi xem các lô đất xen kẹt có diện tích từ 38 – 42 m2 có thể ghép thành diện lớn theo nhu cầu khách hàng. Ông Trung quảng cáo, lô đất có vị trí cực đẹp, cách Đại lộ Thăng Long 800 m, nhìn thẳng sang Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình và Khu đô thị Mỹ Đình.
“Đất nằm xen kẹt nhưng trong khu dân cư ổn định, xung quanh là khu nhà ở thổ cư, đã có nhà cấp 4, hàng rào bao quanh, không nằm trong quy hoạch. Thậm chí, các anh mua xong có thể xây nhà ở ngay, giá chỉ 5 triệu đồng/m2”, ông Trung cho biết.
… Là của ôi!
Sau một thời gian tìm hiểu thông tin, anh bạn tên Hải người Thái Bình quyết định mua lô đất ở phường Liên Mạc, bởi theo anh mảnh đất này đã có căn nhà cấp 4. Về đây gia đình anh chỉ việc sửa sang là có thể an cư, bớt đi hơn 4 triệu đồng thuê nhà hàng tháng.
“Tôi vẫn thích nhà đất, mà kể cả mua chung cư ở những chỗ phù hợp thì cũng quá sức, nên mua lô đất xen kẹt này rồi chờ khi có chính sách thì hợp thức hóa”, anh Hải tâm sự.
Tuy nhiên, trước ngày đi đặt cọc mua đất, Hải và tôi ngồi “lai rai” với một số bạn bè làm trong lĩnh vực tài nguyên – môi trường. Khi nghe anh đề cập đến quyết định mua đất xen kẹt và có ý nhờ vả xem có “cửa” nào để hợp thức hóa, mấy anh bạn cảnh cáo thẳng thừng rằng đừng ham của rẻ.
Có làm được thủ tục thì cũng rườm rà và thuế phí rất cao, thậm chí còn tốn hơn tiền mua đất sổ đỏ. Bên cạnh đó, những loại đất xen kẹt thông thường chỉ có giấy tờ giao đất có thời hạn. Vì vậy, khi thực hiện các giao dịch mua bán, các giấy tờ này thường chỉ ở dạng phô tô và đã qua tay nhiều người.
Đấy là còn chưa kể nguy cơ dính vào trường hợp có thể cùng một lúc bán trao tay cho ba bốn người cùng một mảnh đất. Đến khi phát hiện ra thì người mua phải chịu thiệt vì những giao dịch được thực hiện trong điều kiện không có cam kết rõ ràng cũng như không có tính pháp lý.
Nghĩ chột dạ, suy tính lại và sau khi tham khảo thêm một số trường hợp thực tế, chúng tôi quyết định chấp nhận bỏ khoản tiền cọc 10 triệu đồng cho lô đất xen kẹt định mua!
Đó dường như là quyết định may mắn với anh Hải, bởi càng tìm hiểu, chúng tôi càng gặp nhiều trường hợp “ngậm đắng nuốt cay” vì mua đất xen kẹt. Chẳng hạn như anh Lê Đình Dũng (ở Thanh Hóa), người từng bỏ ra 800 triệu đồng mua một mảnh đất xen kẹt ở Nam Từ Liêm. Anh công nhân một nhà máy in ở khu vực Cầu Diễn này cho biết, khi mua anh đã tìm hiểu rất kỹ và được cam kết có thể chuyển đổi được mảnh đất vườn đó lên đất thổ cư.
Thế nhưng, oái ăm thay, những thông tin anh tìm hiểu lại không chính thống và mảnh đất dính vào quy hoạch địa phương nên rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì không thể xây dựng để ở, làm giấy tờ cũng không được mà muốn bán thì bị “cò” dìm giá xuống chỉ còn 2/3 so với giá anh đã mua.
May mắn hơn là trường hợp của anh Nguyễn Mạnh Tùng (Nam Định) khi mua một mảnh đất xen kẹt tại Thanh Xuân với giá 860 triệu đồng. Nhưng cũng phải mất hơn 2 năm, anh Tùng mới chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành công. Anh cho biết, quá trình chuyển đổi vô cùng gian nan.
Khi chuyển mục đích sử dụng đất, anh đã phải đóng thuế phí rất cao bởi quy định của Luật Đất đai là người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất và tiền sử dụng đất của loại đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất.
Chia sẻ với phóng viên, bà Loan ở phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm) cho biết, từ năm 2000, gia đình bà đã mua hai mảnh đất xen kẹt có diện tích 60 m2 với giá 400 triệu đồng và chuyển từ Ba Vì về đây sinh sống. Tuy nhiên, phải mất hàng năm trời chạy lên chạy xuống, gia đình bà mới xây được căn nhà cấp 4 làm nơi trú ngụ.
Và đến giờ người con trai thứ 3 của bà đã xây dựng gia đình, nhà có đất để trống nhưng cũng phải đi thuê nơi khác. Khi được hỏi về việc hoàn thiện thủ tục để xây nhà, bà Loan cho hay: “Giờ chúng tôi cũng đành chịu, và đang rơi vào nguy cơ mất cả nhà cả đất vì khu mình mua nghe nói đang có quy hoạch làm đường”.
Trao đổi về hiện trạng đất xen kẹt tại Hà Nội, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty luật hợp danh Thiên Thanh, cho biết, theo Luật Đất đai 2013, không có các quy định pháp lý về khái niệm “đất xen kẹt”. Bản chất đất xen kẹt là đất ao vườn, đất nông nghiệp… chưa được công nhận là đất ở, không được phép xây dựng, có niên hạn sử dụng nên không được cấp sổ đỏ và thực tế giấy tờ chuyển nhượng chỉ là viết tay.
“Do vậy, mua đất xen kẹt, người mua phải đối diện với nhiều rủi ro tiềm ẩn, nhất là nguy cơ không được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Hơn nữa, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chi phí chuyển đổi cao, nhiều thủ tục rườm rà và không phải đất xen kẹt nào cũng đủ điều kiện chuyển đổi thành đất thổ cư. Đây chính là sơ hở tạo điều kiện thuận lợi cho “cò đất” lừa đảo, bán trao tay một mảnh đất cho nhiều người. Khi phát hiện ra, người mua có nguy cơ mất trắng rất cao do không có căn cứ pháp lý chứng minh”, luật sư Truyền cảnh báo.
Trao đổi với phóng viên, Đại diện UBND phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) cũng cho biết vấn đề quản lý đất xen kẹt rất phức tạp. Đất xen kẹt phần lớn là đất nông nghiệp trước đây, khi thực hiện các dự án còn thừa lại, không thể sản xuất nông nghiệp vì không có hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên, các lô đất kẹt này được rất nhiều người nhập cư, người nghèo đô thị mua lại và cất nhà trái phép vì giá cả rất rẻ so với đất thổ cư.
Trên thực tế, tại địa bàn mỗi phường, xã của Hà Nội, nhất là ở khu vực ngoại ô có hàng trăm căn nhà được xây nên từ đất xen kẹt. Việc có cơ chế xử lý minh bạch thấu đáo với loại đất này trở nên rất cấp bách, vì đây chính là dư địa tạo nên tình trạng mất ổn định, nhũng nhiễu, tệ tham nhũng vặt ở các địa phương này.
Theo Nhất Nam
Báo Đầu tư Bất động sản
Nguồn bài viết: Dân Trí