Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa công bố báo cáo đánh giá thị trường bất động sản giai đoạn 2016-2020 với cảnh báo đà giảm tốc nguồn cung nhà ở tại thị trường sôi động nhất cả nước đang ở mức báo động.
HoREA cho biết trong 15 năm qua, thị trường bất động sản đan xen “thăng – trầm”và trải qua các giai đoạn:
2006-2007: Tăng trưởng nóng dẫn đến “bong bóng”năm 2007.
2008-Qúy 2/2009: Khủng hoảng đóng băng.
Qúy 3/2009-2010: Phục hồi và tăng trưởng nóng, lại dẫn đến“bong bóng” năm 2010.
2011-2013: Khủng hoảng đóng băng.
2014-2017: Phục hồi trở lại và tăng trưởng mạnh.
2018-2020: Gặp khó khăn do quy mô thị trường bị sụt giảm, thiếu dự án và thiếu sản phẩm nhà ở.
Từ tháng 03/2020 trở đi: Mức độ khó khăn càng trầm trọng thêm do dịch CoViD-19.
HoREA đánh giá nhìn tổng quát, so với 20 năm trước đây, có thể đánh giá thị trường bất động sản đã có bước phát triển vượt bậc theo hướng tích cực là chủ đạo, cả về quy mô, số lượng, chất lượng, tiện ích, dịch vụ, cảnh quan môi trường và tổng nguồn vốn đầu tư.
Tuy nhiên, thị trường vẫn còn một số hạn chế, bất cập, chưa thật sự minh bạch, chưa ổn định, chưa lành mạnh, chưa bền vững, chưa chuyên nghiệp, chưa giải quyết được bài toán nhà ở cho đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, giới trẻ và người nhập cư.
Tại TPHCM, số liệu của HoREA cho thấy nguồn cung dự án nhà ở giảm mạnh trong 3 năm gần đây: Số lượng dự án năm 2018 giảm 6,2%; năm 2019 giảm 85,1% so với năm 2017. Riêng 06 tháng đầu năm 2020, giảm 30,7% so với 06 tháng đầu năm 2017.- Trong 20 dự án được giải quyết trong 06 tháng đầu năm 2020, thì chỉ có 09 dự án mới và 11 dự án cũ được điều chỉnh về quy mô hoặc chỉ tiêu quy hoạch.
Các dự án nhà ở đủ điều kiện huy động vốn bị giảm mạnh trong 03 năm gần đây: Số lượng dự án năm 2018 giảm 16,4%; năm 2019 giảm 54,4% so với năm 2017; Riêng 06 tháng đầu năm 2020, giảm đến 69,6% so với 06 tháng đầu năm 2017.
Tương ứng, số lượng nhà ở huy động vốn cũng giảm mạnh trong 03 năm gần đây: Năm 2018 giảm 34,2%; năm 2019 giảm 46,4% so với năm 2017; Riêng 06 tháng đầu năm 2020, giảm đến 78,8% so với 06 tháng đầu năm 2017.
Căn hộ bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) chỉ có 28.295 căn, chiếm tỷ lệ 21,81% rất thấp trong tổng số nhà ở dự án.
Căn hộ trung cấp (giá từ 25-40 triệu đồng/m2) chỉ có 57.545 căn, chiếm tỷ lệ 44,37% trong tổng số nhà ở dự án.
Căn hộ cao cấp (giá trên 40 triệu đồng/m2) có 43.886 căn, chiếm tỷ lệ 33,82% cao nhất trong tổng số nhà ở dự án.
Năm 2019, tổng số nhà ở đưa ra thị trường là 23.046 căn, trong đó, chỉ riêng 01 dự án khu đô thị tại quận 9 (đợt 1) đã chào bán 10.007 căn hộ, chiếm 43,4% thị phần.
Đặc biệt, trên thị trường, giá nhà khoảng 35-40 triệu đồng/m2 đã được xếp vào loại nhà cao cấp. Giả định phân nửa số lượng căn hộ trung cấp (nêu trên) được tính vào thống kê căn hộ cao cấp, thì số lượng căn hộ cao cấp sẽ khoảng 72.658 căn, chiếm đến tỷ lệ 56%, áp đảo trên thị trường.
Với cơ cấu sản phẩm nhà ở (như trên) là biểu hiện rõ rệt của tình trạng “lệch pha cung-cầu”, phát triển thiếu cân đối, thiếu bền vững, do rất thiếu loại nhà ở vừa túi tiền và có dấu hiệu thừa cung nhà ở cao cấp như Bộ Xây dựng và Hiệp hội đã cảnh báo.