UBND TPHCM đã có văn bản số 1225 gửi Thủ tướng kiến nghị giải quyết khó khăn vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng các dự án bất động sản trên địa bàn.
Theo đó, văn bản của UBND TPHCM hướng đến nội dụng xử lý các vướng mắc về “đất xen cài” chưa phải là đất ở trong các dự án bất động sản. Vấn đề đất xen cài vốn đang gây ách tắc cho rất nhiều dự án nhà ở hiện nay.
UBND TPHCM cho biết, trong năm 2019 các doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi thị trường nguồn cung sản phẩm nhà ở sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp bất động sản giảm doanh thu và lợi nhuận.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019 cả nước có 598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm dừng hoạt động, 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 39,4% so với năm 2018. Trong năm 2018 và 2019, tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản luôn thấp hơn tăng trưởng chung của toàn thành phố.
Bên cạnh đó, tỷ trọng của ngành kinh doanh bất động sản trong tổng sản phẩm GRDP của thành phố có chiều hướng giảm sút từ 4,3% xuống còn 4,1%. Qua đó, kéo theo tăng trưởng của ngành xây dựng giảm.
Năm 2019, UBND thành phố chỉ chấp thuận đầu tư và công nhận chủ đầu tư 4 dự án nhà ở thương mại có đầy đủ pháp lý (giảm 24 dự án so với năm 2018); chấp thuận đầu tư 16 dự án nhà ở thương mại (giảm 64 dự án so với cùng kỳ năm 2018)…
Nguyên nhân được xác định là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án bị kiểm tra, kiểm toán, điều tra, tra soát lại thủ tục pháp lý.
Trước tình nói trên, nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách từ các hoạt động kinh doanh địa ốc.
Theo thống kế của Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), hiện nay trên địa bàn thành phố có 158 dự án dính đất công. Trong đó, có 124 dự án được thành phố cho vận hành trở lại nhưng vẫn chưa thể triên khai bình thường.
Để giải quyết vấn đề này, thành phố đã kiến nghị đến Chính phủ 2 giải pháp. Cụ thể, đối với quỹ đất công có tổng diện tích dưới 1.000m2 trong các dự án (đất xen cài giữa các thửa đất, mương, rạch…), kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho thành phố giao chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện theo quy hoạch.
Còn đối với quỹ đất có tổng diện tích đất công trên 1.000m2, kiến nghị Thủ tướng cho TPHCM hoán đổi với chủ đầu tư để có quỹ đất tương đương, tập trung ngay tại dự án để chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quản lý, sử dụng.
Cũng tại văn bản này, TPHCM kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng đối với quy định phải có 100% đất ở hợp pháp mới được xem xét công nhận chủ đầu tư. TPHCM hiện có khoảng 63 dự án đang vướng theo dạng này chưa được tháo gỡ.
Quế Sơn
Nguồn bài viết: Dân Trí