Hoà Bình, Hải Phòng, Bắc Giang… là những thị trường địa ốc “nóng” trong năm 2021 khi liên tục xuất hiện cơn sốt đất cục bộ kèm tốc độ tăng giá chóng mặt. Sau lần tăng chóng mặt, liệu đây sẽ còn là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư năm 2022?
Sốt đất mọi nơi
Năm 2021, thị trường bất động sản gọi tên vùng đất mới như Hoà Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên… khi giá đất liên tục tăng, nhà đầu tư ồ ạt đổ về.
Tại Hoà Bình, trong một toạ đàm mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) nhận định, một số khu vực ở tỉnh này từng tăng gấp 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc…Giá đất đai các vùng lân cận cũng tăng đáng kể so với trước đó.
Theo báo cáo batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm tới phân khúc đất nền tại Hoà Bình năm 2021 tăng 53% so với năm 2020. Giá rao bán đất Hòa Bình tăng 106%.
Còn ở Hải Phòng, báo cáo VARs từng ví 2021 là một năm bùng nổ của phân khúc thổ cư, đất nền. Báo cáo chỉ rõ, ở phân khúc đất nền, hiện tượng sốt đất đã xảy ra tại khu vực Dương Kinh – Kiến Thuỵ do có thông tin khảo sát đất triển khai dự án Vinhomes Dương Kinh từ đầu năm 2021.
Đặc biệt, với đất thổ cư, hoạt động mua bán vẫn diễn ra sôi động vì nguồn hàng phân khúc này không bao giờ đủ đối với khách đầu tư, khách tiêu dùng, nhất là tại những khu vực quanh dự án.
Theo VARs, giá đất thổ cư tăng chậm khoảng 3 – 5%/năm tại khu vực nội thành. Tại khu vực ngoại thành, giá đất tăng phụ thuộc vào tiến độ triển khai cơ sở hạ tầng và dự án tại khu vực đó. Có khu vực tăng 10 – 20% thậm chí 50 – 100% hoặc gấp đôi gấp ba nếu có sốt đất diễn ra quanh dự án.
Báo cáo của batdongsan.com.vn cũng ghi nhận, thông tin quy hoạch được công bố khiến cho Hải Phòng lọt vào danh sách những tỉnh ghi nhận sốt đất điển hình là huyện Thuỷ Nguyên.
Trong khi đó, Bắc Giang cũng là địa phương lọt vào danh sách thị trường có mức giá tăng biến động. Ghi nhận thực tế cho thấy, mức giá đất nền tăng 50-100% đã xảy ra tại khu vực có tiềm năng. Đất thổ cư ghi nhận tốc độ tăng gấp 2, gấp 3.
Cũng theo báo cáo của VARs, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang là những thị trường tăng giá gần 100% so với năm 2020.
Có nên đầu tư vào thị trường đã từng sốt nóng?
Với một số nhà đầu tư, thị trường đã nóng và xảy ra cơn sốt khiến giá tăng chóng mặt sẽ không còn là điểm đến hấp dẫn. Bởi lẽ, giá đẩy ở mức quá cao thì việc vào hàng sẽ phải chấp nhận chi phí vượt giá trị thực. Tất yếu, bài toán sinh lời sẽ kém hiệu quả hoặc quá rủi ro.
Ông Nguyễn Văn Đính thừa nhận, giá đất bị đẩy lên quá cao nhưng thực tế giao dịch lại rất thấp, không phản ánh đúng giá trị thực. Chính việc giá bị thổi quá cao, dẫn tới các nhà đầu tư không mặn mà với sản phẩm, kéo theo tình trạng giao dịch thấp. Nhiều khu vực đẩy giá quá cao khiến nhà đầu tư không mua.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Đính đã cho rằng, việc giá tăng sẽ thu hút nhà đầu tư nhưng cũng là rào cản, bởi nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi thực hiện đền bù triển khai dự án.
Câu chuyện mà ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Lộc Sơn Hà Land chia sẻ là ví dụ điển hình. Theo ông Hà, vì giá đất tăng quá mạnh nên việc doanh nghiệp muốn triển khai dự án sẽ gặp khó khăn khi người dân đưa ra mức giá đất cao hoặc tâm lý giữ đất chờ tăng giá.
Tuy nhiên, thực tế, vẫn có rất nhiều nhà đầu tư tin rằng, với tiềm năng sẵn có thì một số địa phương vẫn là điểm đến rất tiềm năng.
Báo cáo mới đây của batdongsan.com.vn còn ghi nhận, ở ngay thời điểm cận Tết, mức độ quan tâm đến đất nền ở một số tỉnh miền Bắc vẫn tăng. Đơn cử như Bắc Giang tăng 22%, Bắc Ninh tăng 8%, Hải Dương tăng 13%, Hưng Yên tăng 21%, Hà Nam tăng 36% và Hòa Bình tăng 18%. Rõ ràng, ngay cả khi đã trải qua cơn sốt đất tăng gấp hai, gấp 3, nhưng thị phần đất nền vẫn nhận được lượng quan tâm đáng kể.
Mặt khác, theo giới đầu tư, sự đổ bộ của các dự án bất động sản mới sẽ mang lại sức hấp dẫn cho thị trường địa phương. Bên cạnh đó, chủ trương đẩy mạnh hạ tầng giao thông góp phần làm giá đất tiếp tục tăng. Đối với nhà đầu tư thông thái, trong bất kỳ một bài toán nào, họ đều có thể tìm kiếm được sản phẩm tạo ra lợi nhuận tốt.