Trao đổi với , chuyên gia kiến nghị xem xét, cân nhắc kỹ biên độ tăng giá thật hợp lý cho khung giá đất giai đoạn 2019-2024.
Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ.
Bảng giá này được xác định làm căn cứ tính tiền sử dụng đất; tính thuế sử dụng đất; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính tiền bồi thường cho nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất…
Mới đây, nhiều tỉnh thành phố đã đề xuất ban hành khung giá đất mới cho giai đoạn 2020 – 2024 thay thế khung giá đất cũ.
Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đề xuất tăng mạnh ở một số khu vực, trong đó có những khu vực là địa điểm rất sôi động trong đầu tư như Vân Đồn.
Thậm chí, trong phương án giá các loại đất đưa ra tại khu vực Vân Đồn, có nơi được đề xuất tăng gấp 5 lần bảng giá cũ.
Ví dụ như tại địa bàn thị trấn Cái Rồng, nhiều vị trí giá đất ở theo bảng giá hiện hành là 3,2 triệu đồng/m2 thì tại bảng giá dự kiến là 14,5 triệu/m2 đồng hoặc 16 triệu đồng/m2.
Trao đổi với , ông Nguyễn Văn Đính – Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng: Quảng Ninh hay bất kỳ địa phương nào khi dự kiến tăng khung giá đất cũng cần xem xét kỹ lưỡng, đánh giá cẩn trọng. Theo đó, nên tính toán mức độ chấp nhận của thị trường.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đến năm 2030, Vân Đồn được xây dựng trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực.
Mục tiêu đến 2050, xây dựng và phát triển khu kinh tế Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Những mục tiêu đặt ra trong các bản quy hoạch vừa được Chính phủ phê duyệt cùng với những thay đổi lớn trong hạ tầng khiến Vân Đồn trở thành điểm đầu tư khá sôi động hiện nay.
“Muốn thu hút đầu tư, Quảng Ninh nên cân nhắc kỹ lưỡng việc tăng giá đất như thế nào cho hợp lý. Bởi Vân Đồn là khu vực đang thu hút mạnh đầu tư, cần tính toán xem việc tăng giá đất này có làm ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư hay không”, ông Đính nói.
Cũng theo vị này, tuỳ từng vị trí để xem xét mức tăng cụ thể. Nếu tỉnh muốn hạn chế đầu tư vào dự án nhà ở thì tăng giá mạnh, còn nếu muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư thì nên cân nhắc mức tăng phù hợp.
“Tôi cho rằng việc tăng giá đất, cùng với những khó khăn trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng sẽ gây ra sự chững lại của dòng đầu tư, giảm sự hưng phấn trong đầu tư của doanh nghiệp, thậm chí làm nản lòng họ”, ông Đính nhận xét.
Trong khi đó, nhìn nhận từ góc độ là nhà đầu tư, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Videc nói với : Việc tăng khung giá đẽ tác động nhiều đến doanh nghiệp. Đặc biệt những dự án dở dang thì có nguy cơ lỗ.
Với mức tăng mạnh thị trường như Vân Đồn, ông Dũng cho rằng: Khung giá nhà nước quy định, do vậy nếu giá lên thì áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp. Vì vậy ông Dũng cho rằng cũng không quá lo ngại việc nhà đầu tư “bỏ chạy”. Bởi khi đầu tư vào bất kỳ một địa phương nào, nhà đầu tư cũng tính toán, cân nhắc rất nhiều yếu tố, chứ không riêng gì khung giá đất.
“Tuy nhiên, nhìn chung, tôi cho rằng sức hút thị trường bất động sản nói chung sẽ giảm, còn độ hấp dẫn của từng địa phương thì còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Lo ngại nhất vẫn là những dự án dở dang, đang làm bị mắc”, ông Dũng nói.
Một doanh nghiệp bất động sản cho biết, với mục tiêu phát triển nằm trong nhóm những thành phố đáng sống nhất Châu Á – Thái Bình Dương, đón 9,5 triệu lượt khách du lịch vào năm 2040 thì Vân Đồn thực sự là “miền đất hứa” với nhiều nhà đầu tư.
Tuy nhiên theo vị này, nếu khung giá đất, bảng giá đất đồng loạt tăng có thể tác động trực tiếp đến chi phí đầu vào bất động sản, trong đó cái rõ nhìn thấy nhất là chi phí giải tỏa, đền bù, nộp thuế sẽ tăng…
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, nếu khung giá đất, bảng giá đất có mức giá đất quá cao, sẽ tác động đẩy giá thị trường bất động sản lên rất cao, đặc biệt là đẩy giá đất của các dự án (trên thị trường sơ cấp), tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, các ngành kinh tế khác và môi trường đầu tư, kể cả trong việc thu hút dòng vốn FDI.
Ông Châu nói: Khung giá đất, bảng giá đất tác động trực tiếp đến nguồn thu ngân sách của Nhà nước từ đất đai và thị trường bất động sản. Hiện nay, nguồn thu ngân sách từ đất thường chiếm khoảng trên dưới 8% tổng nguồn thu ngân sách.
“Khung giá đất, bảng giá đất là một trong những cơ sở quan trọng để tính toán tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập do chuyển nhượng bất động sản, giá khởi điểm đấu giá … Hiệp hội rất thống nhất với quan điểm của Nhà nước là bồi dưỡng nguồn thu”, ông Châu cho biết.
Vị này nhấn mạnh, nếu biên độ tăng giá trong khung giá đất, bảng giá đất quá lớn thì có thể dẫn đến việc tận thu. Trước mắt, có thể làm cho nguồn thu ngân sách nhà nước tăng, nhưng về lâu dài có thể lợi bất cập hại, bởi vì có thể dẫn đến doanh nghiệp thu hẹp hơn quy mô sản xuất kinh doanh, người dân không làm được “sổ đỏ” dẫn đến giao dịch ngầm, mà hệ quả là có thể làm sụt giảm nguồn thu của Nhà nước.
Lãnh đạo Hiệp hội này cho rằng, nếu nguồn thu ngân sách Nhà nước từ đất đai có ít hơn một chút, thì người dân và doanh nghiệp được lợi, vì sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước mà vẫn còn thừa tiền, người dân sẽ tăng chi cho tiêu dùng hoặc kinh doanh, còn doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn vốn để mở rộng đầu tư kinh doanh và cuối cùng thì Nhà nước được lợi vì quy mô nền kinh tế sẽ tăng trưởng lớn hơn và mở rộng được diện thu, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.
Do vậy, Hiệp hội này đã đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc kỹ biên độ tăng giá thật hợp lý, hợp tình cho khung giá đất giai đoạn 2019-2024.
Nguyễn Mạnh
Nguồn bài viết: Dân Trí