“Vẽ” dự án kiểu… địa ốc Alibaba, lãnh đạo Bình Dương City Land “xộ khám”

124

Như đã đưa tin, ngày 26/2, cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Thanh Hùng (26 tuổi) Tổng giám đốc và Hoàng Anh Vui (26 tuổi) Giám đốc pháp lý của Công ty Bình Dương City Land (P.Hoà Phú, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vẽ dự án kiểu... địa ốc Alibaba, lãnh đạo Bình Dương City Land xộ khám - 1
“Vẽ” dự án ma kiểu… địa ốc Alibaba, lãnh đạo Bình Dương City Land “xộ khám”

Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng tiến hành khám xét trụ sở của Công ty Bình Dương City land, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật liên quan đến việc lừa đảo bán đất nền để phục vụ công tác điều tra.

Việc 2 “chóp bu” của công ty này bị bắt được cho là hệ quả tất yếu của việc kinh doanh bất động sản bằng những dự án không có thật như kiểu của Nguyễn Thái Luyện, CEO địa ốc Alibaba từng “tác oai, tác quái” một thời gian.

Trước khi bị bắt, Hùng và Vui đã bị hàng trăm người dân kéo đến trụ sở công ty để đòi tiền và làm đơn tố cáo đến công an.

Theo các nạn nhân, thủ đoạn của Hùng và Vui là lập ra những dự án ma để chiêu dụ khách hàng đóng tiền rồi… “quỵt”.

Ngoài Công ty Bình Dương City Land, Nguyễn Thanh Hùng, Hoàng Anh Vui và “chân rết” còn thành lập nhiều công ty khác liên quan đến bất động sản rồi đứng tên pháp nhân như: Công ty CP ĐT – PT Địa ốc Thành Công, Công ty CP TMDV – ĐT – PT Địa ốc Center City Land, Công ty CP TMDV – ĐT – PT Địa ốc Thắng Lợi… 

Bình Dương City Land và các công ty “chân rết” này lập ra nhiều dự án ở trên địa bàn tỉnh Bình Dương như Phú Giáo, Bàu Bàng, thậm chí tận Đồng Xoài (Bình Phước)…

Vẽ dự án kiểu... địa ốc Alibaba, lãnh đạo Bình Dương City Land xộ khám - 2
Trước khi bị bắt, Hùng và Vui đã bị hàng trăm người dân kéo đến trụ sở công ty để đòi tiền và làm đơn tố cáo đến công an.

Các dự án mang tên: khu dân cư Happy Home (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) và khu nhà ở Phúc Long 1, Phúc Long 2, khu dân cư Green City, khu dân cư Green City 2… (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương).

Các dự án này chỉ ở dạng mới lập hồ sơ xin chủ trương. Do không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nên cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương chưa tiếp nhận.

Mặc dù đa phần các dự án không có tên trong hồ sơ dự án đất nền, nhà ở trên địa bàn tỉnh nhưng Công ty địa ốc Bình Dương City Land vẫn rao bán và ký kết với khách hàng.

Người mua đất phải nộp trên 90% giá trị khi mua đất của Công ty Bình Dương City Land (trên 300 triệu/nền). Tuy nhiên, sau đó không khách hàng nào được giao đất vì các dự án trên đều chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép phê duyệt.

Tại nhiều khu đất mà Công ty Bình Dương City Land giới thiệu dự án đến khách hàng được bao quanh bởi rừng cao su, hạ tầng kỹ thuật chưa có, hiện chỉ là một miếng đất trống được san ủi trước đó.

Chị K.P (quê Bạc Liêu) cho biết, vào tháng 7/2018, chị đặt cọc 50 triệu đồng mua lô đất có diện tích 100m2 tại dự án Green City với tổng số tiền là 360 triệu đồng. Theo thỏa thuận, chị P. phải thanh toán 300 triệu sau đó một tuần. Một năm, Công ty Bình Dương City Land phải làm công chứng để chị nhận đất.

“Đến tháng 7/2019, tôi không thấy phía Bình Dương City Land liên hệ để giao đất. Lúc này, tôi tìm đến trụ sở để đòi hỏi quyền lợi thì được hứa hẹn rồi yêu cầu chờ đợi. Hai tháng sau đó, tôi tiếp tục đến công ty này để gặp giám đốc thì lại thêm một tháng nữa vì công ty đang gặp khó khăn. Dù đã nhiều lần giãn thời gian nhưng công ty này vẫn không giao được đất. Tôi yêu cầu trả lại tiền nhưng luôn bị né trách…”, chị P. chia sẻ.

Vẽ dự án kiểu... địa ốc Alibaba, lãnh đạo Bình Dương City Land xộ khám - 3
Sau khi thu tiền, lãnh đạo Bình Dương City Land không bàn giao đất và cũng không trả lại tiền.

Việc cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương nhanh chóng xử lý vụ việc Công ty Bình Dương City Land cho thấy chính quyền đang muốn làm sạch thị trường, không để “một con sâu làm rầu nồi canh”. Đồng thời, cũng là lời cảnh báo đối những công ty khác đang kinh doanh địa ốc trên địa bàn tỉnh Bình Dương nên làm ăn tử tế.

TS, LS Bùi Quang Tín khuyến cáo, để tránh “tiền mất, đất không có”, người mua đất phải hết sức cảnh giác, đừng thấy rẻ mà ham rồi xuống tiền.

Muốn mua đất ở một khu vực nào đó cần phải đến UBND phường hoặc phòng quản lý đô thị, phòng Tài nguyên và Môi trường để hỏi về pháp lý. Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải có nhiệm vụ cung cấp các thủ tục pháp lý đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt cho khách hàng xem.

Quế Sơn