Vì sao giới chuyên gia vẫn dự báo lạc quan về thị trường bất động sản?

105

Điều gì khiến cho nhiều chuyên gia vẫn mạnh dạn dự báo tích cực về một kịch bản khả quan của thị trường bất động sản trong giai đoạn nửa cuối năm 2021, trong khi số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng, nhiều tỉnh thành phải thắt chặt chính sách an ninh.

Dữ liệu từ các đơn vị nghiên cứu thị trường, trong quý II/2021, hầu hết nguồn cung mới ở các phân khúc đều giảm do nhiều dự án trì hoãn mở bán vì ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Trái lại, giá nhà rao bán vẫn tiếp tục gia tăng. Các tổ chức nghiên cứu thị trường đều chung nhận định về một thách thức lớn đối với thị trường bất động sản, đó là dịch Covid-19.

Chỉ tính từ ngày 27/4 đến ngày 10/7, số lượng ca lây nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đã tăng hơn 23.000. Con số này chưa có dấu hiệu chững lại khi biến thế mới có tốc độ lây lan nhanh chóng. Dù chương trình tiêm vaccine đã được đẩy mạnh nhưng khả quan về miễn dịch cộng đồng được tạo ra trong thời gian ngắn rất khó. TP.HCM, một trong những thị trường bất động sản lớn đang thực hiện Chỉ thị 16. Một số khu vực từng là điểm nóng trên thị trường như Vạn Ninh (Khánh Hoà), Huế… cũng thắt chặt chính sách an ninh.

Bối cảnh chung đó đã tác động mạnh đến thị trường bất động sản. Dự báo về kịch bản 6 tháng cuối năm, DKRA Việt Nam cho rằng, đa phần các phân khúc sẽ duy trì nguồn cung mới ở mức tương đương 6 tháng đầu năm 2021, riêng nguồn cung căn hộ có thể tăng nhẹ. Trong đó, nguồn cung mới đất nền tập trung chủ yếu ở thị trường các tỉnh giáp ranh. Sức cầu chung có thể phục hồi vào những tháng cuối năm khi dịch bệnh được kiểm soát.

Giới chuyên gia đặt nhiều niềm tin vào thị trường bất động sản

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, mọi hướng đi của thị trường bất động sản sẽ chịu sự ảnh hưởng nhiều từ thành công của chiến dịch tiêm chủng vaccine tới đây. Ông Quốc Anh đưa ra dẫn chứng về mối quan hệ giữa xu hướng tăng trưởng của thị trường bất động sản và nền kinh tế nói chung với tốc độ tiêm chủng vaccine.

Cụ thể, các quốc gia có tốc độ tiêm chủng vaccine đạt 50 – 55% như Mỹ, Thụy Điển, Na Uy, tốc độ tăng giá bất động sản đạt từ 9 – 10%. Con số này ở những quốc gia hoàn thành dưới 50% tiêm vaccine thấp hơn rất nhiều.

Ông Quốc Anh phân tích, hiện tại Việt Nam đang tích cực trong công tác tiêm chủng cộng đồng. “Số lượng người được tiêm vaccine có thể sẽ tăng nhanh trong quý III/2021 khi 8 triệu liều vaccine dự kiến về Việt Nam trong tháng 7 này. Chính phủ đang hướng đến mục tiêu 50% lao động tại các thành phố lớn sẽ tiếp cận được vaccine trong quý III và nếu kịch bản này diễn ra theo đúng lộ trình, nhu cầu giao dịch bất động sản kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh trong những tháng tới” – ông Quốc Anh nói.

Mặt khác nhìn vào số liệu của thị trường bất động sản trong quý II/2021, ông Quốc Anh đánh giá tâm lý của người mua nhà ngày càng ổn định và dần thích nghi với tình hình chung. Đây là cơ sở cho kịch bản khả quan của thị trường bất động sản giai đoạn nửa cuối năm 2021.

Một tín hiệu khác mà các chuyên gia đưa ra, đó là dòng tiền đầu tư từ nước ngoài đổ vào Việt Nam, đặc biệt là với phân khúc bất động sản công nghiệp. Trên cơ sở đó, nhu cầu về nhà ở, căn hộ gia tăng, kéo theo sự sôi động của thị trường bất động sản.

Trong khi đó, ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản tỉnh Khánh Hòa lạc quan đặt niềm tin vào thị trường bất động sản khởi sắc vào nửa cuối năm 2021. Ông Hoàng dẫn ra 3 lý do khiến ông tin tưởng vào kịch bản của thị trường bất động sản trong thời gian tới. Thứ nhất là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhanh và hiệu quả tại các công trình trọng điểm quốc gia ở nhiều địa phương. Thứ hai là tốc độ phổ cập vaccine toàn dân diễn ra rất tốt, thậm chí có thể sản xuất trong nước. Thứ ba là công tác lập quy hoạch chung giai đoạn 2021 – 2030 của các tỉnh thành đều đã sắp hoàn thiện, việc xúc tiến đầu tư sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Ở góc độ thận trọng hơn, TS. Nguyễn Trí Hiếu đặt ra vấn đề, từ nay đến cuối năm, thị trường bất động sản đi về đâu là câu hỏi đang được đặt ra. Và câu trả lời nằm ở việc chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, tạo được miễn dịch cộng đồng khi việc tiêm chủng được thực hiện 70 – 80%. Ông Hiếu cũng cho rằng, ngay cả với dịch bệnh, không một chuyên gia hay tổ chức nào khẳng định chắc chắn về thời điểm chấm dứt. Thế nên, rất khó để đưa ra kịch bản chính xác cho thị trường bất động sản.

Liên quan đến “chìa khoá” vaccine, ông Hiếu phân tích, việc tiêm chủng tại Việt Nam vẫn đang được thực hiện nhưng con số vẫn khá thấp, thậm chí trong năm nay, việc tiêm chủng sẽ chưa đạt được con số cao như kỳ vọng. Do đó, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và thương mại.

Nguyễn Minh/Nhịp sống kinh tế