Chia sẻ với truyền thông, đại diện doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam chia sẻ cơ hội hợp tác với Việt Nam khi thị trường này đang ngày càng mở cửa với thế giới. Đồng thời đưa ra hàng loạt kiến nghị cho Việt Nam về năng lượng, thách thức môi trường, trong đó có kinh nghiệm để phát triển thành phố thông minh.
Bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) tại Việt Nam cho hay: Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường xuất khẩu phát triển nhanh nhất đối với Hoa Kỳ và Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, với tình trạng mất cân bằng thương mại ngày càng tăng (Việt Nam xuất siêu lớn vào Mỹ và Mỹ thâm hụt thương mại nặng với Việt Nam), AmCham kiến nghị Việt Nam cần xây dựng sân chơi bình đẳng với các doanh nghiệp và mong hai nước sớm bỏ rào cản thương mại và đầu tư.
Việt Nam cần có chính sách thuế ổn định và công bằng, AmCham trông đợi điều này để phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu để thu hút và duy trì đầu tư.
Theo bà Amanda Rasmussen, sự thay đổi trong chính sách thuế, bao gồm việc áp dụng hiệu lực hồi tố, là một trong các quan ngại lớn nhất của các doanh nghiệp thành viên của AmCham.
“Chúng tôi kêu gọi sự công nhận các quy định của OECD về chuyển giá, cũng như cho phép thỏa thuận trước về giá giao dịch liên kết để hỗ trợ việc lên kế hoạch kinh doanh”, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ nói.
Theo bà Amanda Rasmussen, các doanh nghiệp Mỹ trông đợi sự cải thiện một cách hiệu quả việc giảm các gánh nặng về tuân thủ, bổ sung việc tuân thủ thời hạn 15 ngày cho các cuộc thanh tra đơn giản. Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đề nghị cải cách các vấn đề này và các chính sách khác ở cấp độ quốc gia để củng cố lòng tin của nhà đầu tư và kích thích thương mại và đầu tư.
Về thương mại nông sản, các doanh nghiệp Mỹ đề nghị Việt Nam loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại nhằm bổ sung cho các sản phẩm mà Việt Nam đang thiếu hụt.
“Nông nghiệp Hoa Kỳ có nguyên liệu cho ngành may mặc, nội thất, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, đồ uống an toàn và chất lượng cao cho người tiêu dùng Việt Nam. Tăng cường thương mại nông nghiệp cũng giúp cân bằng quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đề nghị Việt Nam loại bỏ các rào cản kỹ thuật thương mại thông qua các tiêu chuẩn dựa trên khoa học phù hợp với chuẩn mực quốc tế”, đại diện của Amcham nói.
Bà Amanda Rasmussen cho rằng: “Các quy định gần đây về nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp – bao gồm ngũ cốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ – áp đặt một chính sách không khoan nhượng, gây nhầm lẫn và không rõ ràng, cản trở các doanh nghiệp vận chuyển đến Việt Nam, và ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam”.
Đại diện phía Mỹ cho biết, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chú trọng vào kỹ thuật số đang tác động đến mọi lĩnh vực, có nhiều yếu tố chủ chốt sẽ hỗ trợ sự đổi mới cần thiết để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số của Việt Nam. Tuy nhiên, có một vài khía cạnh mấu chốt đang tạo ra các rào cản cho cỗ máy phát triển tiềm năng này và đe dọa giới hạn việc chuyển tiếp của Việt Nam đến Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Phía Mỹ sẵn sàng cung cấp chuyên gia khi Việt Nam xây dựng các quy định áp dụng đối với các công nghệ mới nổi lên gần đây như thanh toán điện tử, dịch vụ nội dung kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, và thành phố thông minh.
Amcham cho biết, việc Việt Nam đặt giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán nhanh và công nghệ tài chính sẽ hạn chế các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính dẫn đến việc giới hạn khả năng thu hút nhân tài và làm cho các công ty khởi nghiệp kém cạnh tranh hơn so với các công ty ngang hàng trong khu vực.
Hiện cơ sở hạ tầng là một trong các yếu tố hạn chế sự phát triển kinh tế Việt Nam. Việc huy động vốn đòi hỏi sự tham gia của khu vực (kinh tế) tư nhân. Tuy nhiên, đổi lại cần giảm rủi ro cho các nhà đầu tư theo nguyên tắc thị trường.
Các doanh nghiệp thành viên của AmCham cần chính phủ thiết lập một mô hình Hợp tác Công Tư (PPP) cho phép đầu tư tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng. Điều này giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững thông qua việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cảng, sân bay, đường xá và giao thông công cộng.
Về năng lượng sạch, Amcham cho biết, nguy cơ thiếu hụt điện là có thật và tức thì, đặc biệt là dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt và dự báo nhu cầu sử dụng năng lượng cho sự phát triển kinh tế xã hội trong vòng 1- 5 năm tới.
Chính vì vậy, Việt Nam cần tập trung vào năng lượng tái tạo, phát triển và nhập khẩu LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng). Một môi trường pháp lý thuận lợi để thu hút lĩnh vực đầu tư tư nhân, cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư ngoài mạng lưới, là những yếu tố quan trọng tiên phong mà các thành viên của chúng tôi đưa ra để đảm bảo rằng phát triển năng lượng của Việt Nam đáp ứng mục tiêu môi trường, sức khỏe, kinh tế và an ninh địa lý chính trị của đất nước.
Về việc xây dựng thành phố thông minh đã và đang trở thành xu hướng của các thành phố Việt Nam, Amcham cho rằng, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với Việt Nam.
Bà Amanda Rasmussen cho rằng: Các thành phố lớn của Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng; các phương thức phát triển thành phố thông minh và sáng tạo có thể giúp Việt Nam có bước phát triển nhảy vọt tạo nên các thành phố hiện đại bền vững.
Theo đại diện Amcham, cộng đồng doanh nghiệp, nhà tư vấn Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển các khu vực đô thị thành các thành phố thông minh. Phía Mỹ sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của Mỹ về quy hoạch đô thị, giao thông, lũ lụt và nguồn nước, và các nỗ lực để giảm thiểu ô nhiễm không khí để xây dựng thành phố thông minh cho Việt Nam.
“Các doanh nghiệp Hoa Kỳ là các nhà tiên phong toàn cầu trong giải pháp thành phố thông minh, bao gồm vận chuyển thông minh, ứng phó khẩn cấp, năng lượng, chính phủ điện tử, an ninh mạng, y tế, giáo dục và dịch vụ tài chính”, bà Amanda Rasmussen nói.
Cuối cùng, đại diện Amcham cam kết, các thành viên Amcham cùng nhau đại diện cho hàng tỷ đô la vốn đầu tư nước ngoài và mong muốn có sự đóng góp lớn vào doanh thu thuế và xuất khẩu đáng kể cho Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
An Linh