Cú hích lớn từ sự phát triển hạ tầng giao thông
Là đô thị vệ tinh của TP.HCM, lại nằm trong tứ giác kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ, Đồng Nai đang có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội, mà rõ ràng nhất có thể thấy là sự bùng nổ về cơ sở hạ tầng giao thông. Đồng Nai cũng là đầu mối giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh Tây nguyên, vì thế, để tạo đột phá trong phát triển kinh tế của vùng, của tỉnh thì các dự án giao thông cấp vùng, cấp quốc gia phải được thực hiện thật nhanh chóng.
Trong năm nay, UBND tỉnh Đồng Nai đang đẩy mạnh triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm giúp kết nối hạ tầng đồng bộ khi sân bay Long Thành được đưa vào khai thác, bao gồm: Cao tốc Bến Lức – Long Thành, Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, đường Vành đai 3 và dự án khôi phục cải tạo Quốc lộ 20. Khi các dự án này đi vào hoàn thiện sẽ tạo ra những bước ngoặt lớn về kinh tế, xã hội nói chung cũng như thị trường bất động sản của khu vực Long Thành nói riêng.
Nhờ sở hữu quỹ đất rộng, cộng với lợi thế trung tâm giao thông vùng nên Long Thành thu hút rất đông các doanh nghiệp đầu tư với sự tập trung của nhiều cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Đặc biệt, nơi đây được đánh giá là khu vực có tốc độ phát triển các dự án bất động sản sôi động ở nhiều phân khúc.
Long Thành được giới địa ốc đánh giá cao vì là nơi kết nối của các tuyến giao thông huyết mạch quốc gia với hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ cả về đường bộ, đường sắt lẫn hàng không.
Khu vực Long Thành đang ngày càng thay đổi tích cực nhờ cú hích từ hạ tầng giao thông
Nhằm tăng tính kết nối liên vùng từ Long Thành, Đồng Nai di chuyển tới trung tâm TP.HCM một cách dễ dàng, nhanh chóng hơn, ngoài 5 dự án kể trên, tỉnh cũng nghiên cứu triển khai dự án đường liên vùng 4 với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 6.600 tỷ đồng. Tuyến đường này sẽ kết nối đường Vành đai 3 (đoạn qua quận 9, TP.HCM) đến quốc lộ 51 (huyện Long Thành), thông ra ngã tư Dầu Giây – Long Thành, quốc lộ 1 và đường liên tỉnh 769. Cùng với đó, tuyến đường 769 đang được ưu tiên mở rộng bởi vai trò đặc biệt quan trọng là động lực lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện Long Thành và nhiều địa phương lân cận.
Ngoài đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu đang gấp rút thi công, vừa qua Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đề xuất thêm 2 tuyến đường sắt mới gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành nhằm kết nối các khu vực lân cận với đường trục trung tâm của sân bay Long Thành.
Hơn thế nữa, trong giai đoạn 2021 – 2025, huyện Long Thành sẽ ưu tiên các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông. Theo kế hoạch được phê duyệt, gần 20 tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã; hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường cao tốc, sân bay Long Thành; đường dân sinh, đường vào các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp của huyện sẽ được xây mới, nâng cấp, mở rộng hứa hẹn một diện mạo mới đầy tích cực.
Sân bay Long Thành – Điểm sáng nâng tầm giá trị bất động sản khu vực
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của sân bay Long Thành đã tạo động lực rất lớn để bất động sản khu vực lân cận phát triển. Cách đây vài năm, khi mới chỉ có một vài thông tin nhen nhóm về việc sẽ triển khai sân bay thì Long Thành đã nhanh chóng trở thành điểm nóng của thị trường, đặc biệt đất nền có sự sôi động hơn hẳn các phân khúc còn lại.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Theo đó, giai đoạn 1 dự kiến sớm khởi công trong năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025 với công suất vận hành đạt 25 triệu khách/năm.
Được đầu tư xây dựng để trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai, sân bay Long Thành là dự án quan trọng giúp giải tỏa áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), đồng thời là trọng tâm thúc đẩy nền kinh tế của cả khu vực.
Cho đến nay, trục phát triển kinh tế quanh sân bay này đã và đang được tăng tốc lực để các dự án giao thông sớm khởi công, hoàn thiện theo kịp với lộ trình đưa Long Thành trở thành thị xã. Cùng với đó, các tuyến giao thông huyết mạch cũng được nâng cấp, đặc biệt cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây được kiến nghị mở rộng lên 12 làn xe. Đây được xem là tuyến cao tốc quan trọng kết nối sân bay Long Thành với các đô thị vệ tinh, đồng thời đảm bảo thông suốt đồng bộ với các khu vực trọng điểm, nhất là với TP.HCM khi cảng hàng không này đi vào vận hành.
Nhiều chuyên gia nhận định, cùng với nền tảng sẵn có là hạ tầng giao thông đã hoàn thiện và ngày càng được nâng cấp thì sân bay Long Thành sẽ tạo yếu tố cộng hưởng để bất động sản khu vực phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là một số khu vực gần trục đường tỉnh lộ 769 hiện có quỹ đất rộng và chỉ cách sân bay trong vòng bán kính chưa đầy 10km. Đây sẽ là thị trường lý tưởng cho những khách hàng có nhu cầu thực lẫn các nhà đầu tư đang tìm cơ hội “săn” quỹ đất đẹp tại Long Thành trong năm nay.
Trường Thịnh