Khởi công xong… để đó
Theo tìm hiểu của , năm 2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thu hồi gần 3,2 ha đất nông nghiệp của 62 hộ dân ở xã Thạch Trung giao cho Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Ngọc Linh (trụ sở ở TP Hồ Chí Minh) thực hiện dự án để triển khai dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Linh.
Theo thuyết trình, Bệnh viện Đa khoa Ngọc Linh có quy mô 250 giường bệnh nội trú và 100 giường ngoại trú với tổng số vốn đầu tư là hơn 227 tỷ đồng. Dự án gồm 2 giai đoạn:
Giai đoạn II gồm xây các hạng mục cơ bản và mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật y tế.
Giai đoạn II tiếp tục các hạng mục: Nhà nghỉ dưỡng cao cấp; biệt thự chuyên gia, mua sắm, bổ sung trang thiết bị.”
Tháng 6/2010 phía chủ đầu tư tiến hành động thổ, do Công ty Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC trực tiếp tổ chức thi công xây dựng. Dự kiến, tháng 12/2014 sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Dự án mở ra biết bao kỳ vọng cho người dân Hà Tĩnh, nhất là đối với những người phải bỏ tiền rất lớn ra các Trung tâm y tế lớn cả nước khám chữa bệnh. Thế nhưng, đã 9 năm, dự án vẫn không hề nhúc nhích.
Toàn bộ diện tích đã được xây bờ bao quanh; bên trong chỉ mới xây dựng được 2 dãy nhà, dãy nhà bên phải đóng kín bỏ không, đã bắt đầu xuống cấp; dãy nhà bên trái được Trung tâm cấp cứu 115 Hà Tĩnh thuê lại dùng tạm.
Phần lớn diện tích còn lại của dự án bị bỏ không một khu đất trống, được người dân cho chăn thả bò vì cỏ mọc um tùm…
“Công trình này đã bỏ hoang nhiều năm nay, người dân chúng tôi rất kỳ vọng vào một công trình lớn như thế này để có cơ sở khám chữa bệnh tốt hơn. Nhưng chờ đợi mãi công trình vẫn nằm im”, anh Hạnh, một người dân trên địa bàn cho biết.
“Nếu dự án này không thực hiện đúng như cam kết thì nhà nước phải thu hồi đất để thực hiện dự án khác đi chứ, sao lại để việc Dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Linh bỏ hoang 9 năm nay gây lãng phí, nhìn mà thấy xót”, một người dân nơi đây bức xúc nói.
Ông Mai Văn Dy, Chủ tịch UBND xã Thạch Trung thẳng thắn thừa nhận, việc dự án không thực hiện đúng như cam kết ban đầu đã dẫn tới sự lãng phí rất lớn về đất đai và gây bức xúc trong người dân.
“Trong các cuộc tiếp xúc, người dân đã có rất nhiều ý kiến về dự án này. Việc thu hồi đất đai của người dân nhưng rồi dự án không thực hiện suốt thời gian dài gây lãng phí quỹ đất”, ông Dy nói.
Cũng theo ông Dy thì xã cũng đã có đề nghị lên thành phố và thành phố cũng đề nghị lên tỉnh thu hồi dự án này để trả lại quỹ đất cho địa phương.
Hoành tráng hơn dự án bệnh viện kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng trên là Dự án Khu du lịch sinh thái biển Xuân Hội tại xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, do Công ty CP Tư vấn và xây dựng An Giang Dragon Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.
Năm 2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 395 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này với diện tích 99 ha, tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến 1.261 tỷ đồng. Theo tiến độ được phê duyệt, giai đoạn 1 từ tháng 1/2017 đến hết quý I/2018, dự án phải hoàn tất các thủ tục đầu tư; giai đoạn 2 từ quý 2/2018 đến hết quý I/2020, tiến hành đầu tư xây dựng hoàn thành các hạng mục…
Tuy nhiên, đến nay đã sang III/2019, nhưng theo ông Trần Sông Hương, Chủ tịch UBND xã Xuân Hội cho biết, dự án chỉ mới đang triển khai công tác kiểm đếm, giải phóng mặt bằng.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh (Sở KH&ĐT, trong tổng số 420 dự án chậm tiến độ, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực du lịch và các dự án đầu tư phát triển đô thị với quy mô, diện tích sử dụng đất lớn.
Một vài dự án lớn chậm tiến độ có thể “chỉ mặt, điểm tên” như: Dự án tổ hợp khu sân golf, dịch vụ nhà ở và trường đua chó tại xã Xuân Thành; khu đô thị Xuân Thành Land tại phường Nguyễn Du; đô thị Bắc TP Hà Tĩnh; Khu đô thị Nam cầu Phủ…
Sai phạm nhiều, xử lí chậm
Lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cho biết, nguyên nhân cốt lõi về tình trạng “dự án đầu voi, đuôi chuột” là do năng lực thực tế của các nhà đầu tư không như khi họ quảng bá, giới thiệu với tỉnh. Giữa kế hoạch đề ra trong nội dung dự án và văn bản cam kết ban đầu so với thực tế triển khai khác xa nhau.
Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cho hay, những dự án gây thất vọng với tỉnh thường là: Thi công công trình khi chưa có giấy phép xây dựng, chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, môi trường; xây dựng sai quy hoạch được duyệt… Và, sau khi bị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm thì nhà đầu tư lại phải tạm dừng dự án để khắc phục…
Ông Hoàng Văn Sơn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cho biết: Để khắc phục tình trạng dự án được chấp thuận nhưng không triển khai hoặc chậm tiến độ gây lãng phí quỹ đất, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, rà soát các dự án với tinh thần xử lý nghiệm vi phạm, kiên quyết thu hồi đối với dự án không triển khai, vi phạm quy định thuộc trường hợp thu hồi để tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư khác nghiên cứu, đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần nghiên cứu các yếu tố liên quan để đề xuất dự án phù hợp, tránh tình trạng “đứt gánh giữa đường”.
Tổng kiểm tra rà soát toàn bộ dự án đầu tư trên địa bàn
Ngày 26/8, nguồn tin từ Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng vừa có văn bản yêu cầu kiểm tra, rà soát báo cáo tình hình các dự án đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở KH&ĐT, Sở TN&MT, Ban Quản lý các KKT tỉnh, UBND các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn phụ trách kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, Ban Quản lý các KKT tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố.
Theo công văn nêu trên, việc kiểm tra, rà soát nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; tìm hiểu, phân tích các khó khăn, vướng mắc nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án chậm tiến độ, thực hiện không đúng nội dung đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chậm đưa quỹ đất vào sử dụng…
Văn Dũng