(KTVN) – Huyết dụ là loại cây khá phổ biến tại Việt Nam vì có nhiều ứng dụng trong đời sống, theo phong thủy trồng cây này sẽ mang lại may mắn cho gia chủ.
Huyết dụ tên khoa học là Dracaena Terminalis. Đây là loại cây trồng được ứng dụng khá nhiều trong cuộc sống như làm cảnh hoặc làm thuốc.
Cây huyết dụ có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, thường được trồng ngoài trời, tuy vậy loại cây này vẫn thích hợp trồng ở nơi có điều kiện ánh sáng trung bình như ở trong nhà.
Trong trang trí nội thất, cây huyết dụ thường dùng làm cây cảnh đặt ở phòng khách hoặc khách sạn bởi loại cây này dễ chăm sóc, sức sống tốt và màu sắc bắt mắt.
Cây huyết dụ là cây thân thảo, có thân mảnh, nhỏ, nhiều đốt sẹo, chiều cao khoảng 1 – 2 m và mọc thành từng khóm.
Hoa huyết dụ mọc thành từng cụm ở ngọn, dài khoảng 30 – 40 cm. Hoa có màu trắng, bên ngoài màu tía. Cây huyết dụ ra hoa khoảng tháng 12 hàng năm. Quả có hình cầu và mọng.
Ý nghĩa trong phong thủy của huyết dụ
Huyết dụ mang đến cho người ta niềm tin về sự may mắn trong phong thủy, có tác dụng giữ tiền của và tài lộc cho gia chủ bởi những tán lá màu đỏ. Ngoài ra, cây huyết dụ còn được trồng để xua đuổi tà khí.
Trong phong thủy người ta sẽ phân chia thuộc tính ngũ hành của các loại cây dựa vào màu sắc và tính âm dương phụ thuộc vào độ sáng tối của màu sắc cây. Như vậy, dễ thấy rằng cây huyết dụ thuộc hành hỏa do có màu đỏ, tính dương mạnh.
Vì vậy cây huyết dụ sẽ giúp gia chủ gặp nhiều may mắn trong công việc và cuộc sống với những người mệnh Thổ và mệnh Hỏa. Ngược lại, những người mệnh Kim không nên dùng cây huyết dụ làm vật trang trí vì Kim sẽ khắc Hỏa.
Cách trồng và chăm sóc cây huyết dụ
Cây huyết dụ tương đối dễ trồng và dễ chăm sóc để sinh trưởng và phát triển tốt. Có hai cách trồng cây huyết dụ đó là giâm cành và gieo hạt. Trong đó, giâm cành là phương pháp được trồng phổ biến hơn.
Cây huyết dụ không quá ưa nước nhưng lại chịu hạn kém. Vì thế bạn nên thường xuyên tưới nước cho cây nhưng lưu ý không được để ứ nước.
Thường xuyên cắt tỉa các nhánh lá tàn, lá bị sâu bệnh để tránh ảnh hưởng và lây sang các cành, lá khác. Nếu trồng huyết dụ trong chậu nên thay đất mỗi năm một lần, tốt nhất nên thay vào mùa xuân. Bón thêm phân hữu cơ, phân vi sinh để cung cấp dinh dưỡng cho cây, tuy nhiên không nên bón vào mùa đông.
Cây huyết dụ sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như ở Việt Nam. Cây thích hợp trồng ở khí hậu nóng ẩm và nơi có đầy đủ ánh nắng. Nên trồng ở những chậu đất tơi xốp, thoáng khí, thoát nước tốt và có khả năng giữ ẩm.
Tuyết Ngân (tổng hợp)