Giải pháp nào gỡ vướng, thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi?

49

(KTVN) – Tại tọa đàm “Tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho bất động sản” do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp gỡ vướng và thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục.

Rà soát lại các quy định pháp luật để phát hiện chồng chéo

Theo Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TPHCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, pháp lý là yếu tố then chốt của thị trường bất động sản. Tôi thấy rằng bất động sản khó khăn về pháp lý vì liên quan đến rất nhiều luật khác nhau, từ Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật đấu thầu, đấu giá cả luật liên quan cổ phần hoá. Hay Luật PCCC cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, luật của chúng ta lại không rõ ràng, chồng chéo khiến cho mỗi nơi, mỗi người hiểu một cách khác nhau.

Do đó, Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng vì chưa có sự đồng bộ nên cần rà soát lại các quy định của pháp luật để phát hiện ra những mâu thuẫn, chồng chéo. Thời gian qua, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM đã có tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và ở Trung ương có Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết vướng mắc, thúc đẩy thị trường bất động sản.

Riêng TPHCM có thể có thêm tổ công tác liên ngành, vì vướng mắc pháp lý liên quan nhiều ngành, nhiều sở. Nếu không có công tác phối hợp liên ngành, mỗi cơ quan giải quyết xong lại “đẻ” ra khó khăn khác và phải tiếp tục giải quyết.

Do đó, thành phố phải cùng nhau giải quyết khó khăn, vướng mắc và Chủ tịch UBND TPHCM chịu trách nhiệm giải quyết và thường trực là Phó Chủ tịch phụ trách. Ngoài ra, cần đẩy mạnh năng lực thực hiện và hết sức nỗ lực làm cho kịp thời và tiến độ.

Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền thì bản thân doanh nghiệp cũng phải có cách thức giải quyết. Mỗi doanh nghiệp có khó khăn của mình và hệ thống lại những khó khăn. doanh nghiệp tự giải quyết và hệ thống chính quyền đồng hành hỗ trợ.

Kỳ vọng lớn từ Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM đánh giá cao Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24-10-2023 của Thủ tướng về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, chỉ đạo rõ trách nhiệm bộ, ngành và các địa phương, cụ thể đối với Bộ Tài nguyên – Môi trường hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội.

Ông kỳ vọng lớn vào việc này nhưng nếu vấn đề đưa ra trong Dự thảo Luật chưa chuẩn sẽ tác động không tốt tới thị trường lẫn doanh nghiệp. Vì vậy, ông tán thành việc chuẩn bị chu đáo, đủ chuẩn thì mới trình Quốc hội thông qua.

Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, hiện có nhiều đạo luật trong quá trình sửa đổi, nhưng vẫn cần các nghị định sửa đổi. Dù thời hạn hiệu lực của một số nghị định sẽ không dài, chỉ tầm 6-7 tháng nhưng cũng giúp giải quyết những khó khăn vướng mắc hiện nay. Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị gia hạn một số nghị định, điều khoản trong nghị định liên quan tới thị trường trái phiếu, nhất là đối với nhà đầu tư cá nhân.

Nhà ở xã hội tại Bình Dương

Nghiên cứu xây dựng quỹ phát triển nhà ở xã hội

Liên quan đến phát triển nhà ở xã hội (NOXH), TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia lại cho rằng, để kích cầu một phần nào đó cho phân khúc NOXH theo tôi nên có quỹ phát triển NOXH và Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nghiên cứu gói này, huy động chính sách, các quỹ đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư quốc tế… cùng tham gia vào. Các nước như Singapore, Hàn Quốc cũng đang vận hành quỹ này hiệu quả, và lãi suất chỉ khoảng bằng 50% so với thị trường, thì người mua nhà và chủ đầu tư mới chịu được. Tôi nghĩ, nên cân nhắc theo giải pháp này mới khả thi.

Liên quan pháp lý, thủ tục NOXH, trong 10 thủ tục pháp lý khó khăn này, cần và nên bỏ bớt thủ tục nào? Các doanh nghiệp và hiệp hội cần nêu rõ ra, nhất là đang trong quá trình thảo luận luật của Quốc hội.

Về cách tiếp cận, quan điểm của tôi cho rằng tất cả những gì đang vướng mắc, chồng chéo và chưa nhất quán, Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể và các địa phương cũng cần phải làm rõ. Còn nếu lấy ý kiến lòng vòng mất thời gian và không hiệu quả.

Kiến nghị cần xử lý dứt điểm những vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán, bất động sản mà Bộ Công an đã công bố thời gian qua như: các vụ việc liên quan Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh để sớm lấy lại niềm tin của doanh nghiệp.

Riêng với Nghị định 08 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ hết hiệu lực và quay trở lại áp dụng quy định tại Nghị định 65, vậy sau đó áp dụng như cũ hay tiếp tục sửa đổi? Quan điểm của tôi cần phải cơi nới, còn nếu cứ áp dụng như Nghị định 65 sẽ rất khó. Chúng ta lâu nay chưa thật sự tập trung phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, mà chủ yếu (85-86%) phát hành riêng lẻ nên Bộ Tài chính cần nghiên cứu cải tiến quy trình, thủ tục, để xem xét phát hành trái phiếu ra công chúng.

Bình Minh