(KTVN) – “Thị trường bất động sản Quý III/2023 ghi nhận nhu cầu tìm kiếm tăng trưởng trở lại ở một số dự án chất lượng tốt, nhiều dự án bắt đầu mở bán, nhiều chủ đầu tư rục rịch triển khai dự án mới. Những tín hiệu tích cực về sức cầu cho thấy, từ nay đến cuối năm, bức tranh thị trường bất động sản 2023 sẽ có những mảng tươi sáng giúp thị trường dần tan băng”.
Đây là nhận định của Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Thu lần thứ nhất vừa diễn ra tại Hà Nội.
Các yếu tố khơi thông thị trường
Để khơi thông dòng chảy cho thị trường bất động sản đã có nhiều giải pháp được đưa ra trong đó tập trung giải quyết hai nút thắt về pháp lý và về dòng vốn. Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Thu lần thứ nhất, Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ đã có Nghị quyết 33/NQ-CP nhằm tháo gỡ các khó khăn cho thị trường và đánh giá, Nghị quyết này như “cẩm nang cầm tay chỉ việc” cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường an toàn, lành mạnh.
Về kết quả thực hiện, trước hết, Chính phủ đã dự thảo trình Quốc hội Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đấu giá tháo gỡ cho các vấn đề đất ở, đất khác; vấn đề cải tạo chung cư…
Chính phủ cũng có Nghị định 08/2023/NĐ-CP về chào bán trái phiếu, Nghị định 10/2023/NĐ-CP về việc cấp “sổ hồng” cho condotel. Trong thẩm quyền các bộ, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03/2023/TT-BXD; Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành loạt văn bản, đã giảm lãi suất 4 lần, từ 1,5 – 2%, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng ra Thông tư 02/2023/TT-BTNMT liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất. Nhìn chung, việc điều hành pháp luật của chúng ta khá chủ động, linh hoạt.
Về nguồn vốn, chúng ta kiểm soát được lạm phát, tính đến cuối tháng 5/2023, tín dụng tăng 3,29%, so với cuối năm 2022. Riêng dư nợ kinh doanh bất động sản 6 tháng đầu năm 2023 tăng 17,4%, vượt tốc độ tăng trưởng năm 2022 (10,7%). Nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản (chiếm 65% dư nợ tín dụng bất động sản) lại giảm hơn 1%. Diễn biến này cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Về hoạt động của tổ công tác, ông Hoàng Hải cho biết đã nhận được 130 văn bản báo cáo khó khăn liên quan đến 183 dự án trên cả nước. Tổ công tác đã xử lý 119 văn bản và Bộ Xây dựng đã có 35 văn bản hướng dẫn.
Kết quả là hiện nay, theo thông tin từ Sở Xây dựng, TP.HCM đã giải quyết được 67 dự án (so với 180 dự án vướng mắc ban đầu). Tại Hà Nội, giải quyết được 419 dự án, tương đương 58,8% so với 712 dự án ban đầu, đang chỉ đạo giải quyết cho 293 dự án. Tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận cũng đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Về việc thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, đã hoàn thành 41 dự án với quy mô 9.416 căn, đang tiếp tục triển khai 294 dự án, quy mô 288.499 căn.
Đối với gói giải ngân 120.000 tỷ đồng, UBND tỉnh đang xem xét công bố 40 dự án, tổng nhu cầu vay 18.000 tỷ đồng. Hiện nay, Sở Xây dựng đã xem xét xong 24 dự án đủ điều kiện vay vốn với nhu cầu 12.000 tỷ đồng, còn quyết định có được vay hay không sẽ qua Ngân hàng Nhà nước xem xét thêm.
Tin tưởng thời gian tới thị trường sẽ phát triển và có cơ hội đầu tư, ông Hoàng Hải đưa ra một số dữ liệu để nhận định thời điểm phục hồi:
Thứ nhất, việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đang cho thấy hiệu quả. Đây là dư địa tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, tạo thêm động lực cho mọi hoạt động phát triển kinh tế.
Cụ thể, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; giảm lãi suất cho vay; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo ra hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, các khu kinh tế, khu đô thị sẽ được triển khai nhanh hơn, mạnh hơn; đồng thời, các luật liên quan đến thị trường bất động sản sắp thông qua tới đây sẽ tạo sự ổn định cho thị trường.
Thứ hai, khi các nhà đầu tư quốc tế bàn luận về những thị trường mới nổi năng động nhất trên toàn cầu, họ thường nhắc tới Việt Nam. Có 2 yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm đó là động lực từ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tầng lớp trung lưu đang gia tăng với thu nhập tăng nhanh.
Ngân hàng Thế giới nhận định, lợi thế về dân số trẻ có học thức cao của Việt Nam đã giúp quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Điều đó thúc đẩy triển vọng của các nhà đầu tư quốc tế trong việc tạo dấu ấn tại thị trường bất động sản có nhiều tiềm năng tại Việt Nam.
Việt Nam đã thu hút được các nhà đầu tư từ 48 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào bất động sản, đứng đầu là các nhà đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc, họ đặc biệt chú trọng vào các khu vực trung tâm thành phố, gần vị trí các tuyến metro. Đây là minh chứng thực tế về việc những nhà đầu tư có dự định đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Các chủ đầu tư Việt Nam thường hợp tác dưới hình thức liên doanh với các chủ đầu tư nước ngoài để tối ưu hóa quá trình tìm kiếm vị trí dự án đầu tư và quản lý dự án.
Thứ ba, thị trường bất động sản quý III/2023 ghi nhận nhu cầu tìm kiếm tăng trưởng trở lại ở một số dự án chất lượng tốt, nhiều dự án bắt đầu mở bán, nhiều chủ đầu tư rục rịch triển khai dự án mới. Một số khu vực tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, hoạt động mua bán đã trở lại ở phân khúc căn hộ, nhà liền thổ. Những tín hiệu tích cực về sức cầu cho thấy, từ nay đến cuối năm, bức tranh thị trường bất động sản 2023 sẽ có những mảng tươi sáng giúp thị trường dần tan băng.
“Để các chính sách, giải pháp, biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Xây dựng cùng các ban ngành đề ra đạt được kết quả như mong đợi thì cần có thời gian, và cần có sự vào cuộc phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp ban ngành, sự ủng hộ, đồng tình của người dân và coi đây là nhiệm vụ cấp bách quan trọng thuộc thẩm quyền cơ quan nào thì cơ quan đó phải có trách nhiệm giải quyết”, Ông Hoàng Hải cho biết thêm.
Dự báo thời điểm tốt cho nhà đầu tư mua vào
Dự báo về thị trường BĐS Quý IV/2023, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định đà phục hồi của thị trường sẽ rõ nét hơn vào thời điểm này. Đây cũng là thời điểm những chính sách gỡ vướng cho thị trường phát huy hiệu quả.
Nửa cuối năm 2023 cần đẩy nhanh rà soát và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc các dự án BĐS, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, chương trình phục hồi, phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân… chú trọng điều tiết cung – cầu BĐS. Quy định phân nhóm phân khúc BĐS để có chính sách tín dụng, vốn, tài chính phù hợp. Đồng thời, cơ quan quản lý cần có lộ trình đánh thuế phù hợp, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt với giao dịch BĐS. Ông Lực chia sẻ.
Để tiếp tục duy trì, các doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, nhất là giai đoạn 2023-2024. Đa dạng hóa nguồn vốn, ngoài tín dụng ngân hàng còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, quỹ REIT, thuê tài chính… Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể. Doanh nghiệp cần hạn chế đầu tư dàn trải, hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết…
Ngoài ra, quan tâm quản lý rủi ro tài chính như lãi suất, tỉ giá, dòng tiền… Và doanh nghiệp cần tích cực góp ý, phản biện chính sách, văn bản pháp luật liên quan. TS Lực cho biết thêm.
Đồng tình với quan điểm trên, Ông Nguyễn Vũ – Giám đốc Trung tâm BĐS Căn Nhà Mới, cho rằng thị trường sẽ giao dịch tốt lên vào khoảng Quý IV/2023 hoặc muộn hơn là Quý II/2024. Điều kiện là các chính sách Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ thị trường BĐS thẩm thấu và tác động nhanh đến các đối tượng trên thị trường.
Đánh giá chung về thị trường nửa cuối năm 2023, Ông Vũ nhận thấy vẫn rất khó khăn, giao dịch ít. Để thị trường phục hồi sôi động trở lại phải đến nửa cuối năm 2024. Nguyên nhân là những chính sách về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS hay các gói tín dụng cho vay NƠXH, nhà ở cho công nhân cũng cần có độ trễ, thời gian triển khai thực hiện trong thực tế.
Tuy nhiên, Ông Vũ vẫn thấy thời điểm nửa cuối năm 2023 vẫn là thời điểm cực kỳ tốt cho các nhà đầu tư mua vào. Phân khúc đầu tư nhà phố, căn hộ vẫn chiếm chủ đạo của thị trường. Trong khi đó, đất nền sẽ tiếp tục ảm đạm giao dịch, chỉ những thị trường vùng ven TP.HCM sẽ phục hồi vào năm 2024.
Minh Châu (Tổng hợp)