(KTVN) – Vấn đề bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống cùng với xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc cần được nghiên cứu kỹ và được cụ thể hóa hơn, với việc tiếp thu chọn lọc, ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng vật liệu mới, bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Sáng 8/9, Triễn lãm Kiến trúc và Hội thảo quốc tế với chủ đề “Kiến trúc – Tạo lập không gian bền vững cho cộng đồng” đã khai mạc tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tham dự và phát biểu khai mạc sự kiện.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, Kiến trúc là một loại hình nghệ thuật – khoa học, kỹ thuật có tính đặc thù cao và gắn bó hữu cơ với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế – xã hội; tổ chức không gian, tạo lập môi trường sống bền vững cho con người và xã hội. Kiến trúc cũng thể hiện các giá trị tư tưởng, bản sắc văn hóa và trình độ phát triển của mỗi quốc gia.
Trong tiến trình chung đó và gắn liền với lịch sử dân tộc, nền Kiến trúc Việt Nam đã hình thành và từng bước phát triển phù hợp với đặc điểm của từng giai đoạn lịch sử, đạt được nhiều thành tựu to lớn, tự hào.
Đánh giá vai trò quan trọng của Kiến trúc, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng và có nhiều chủ trương, định hướng chính sách về phát triển nền kiến trúc Việt Nam có bản sắc, tiên tiến và hội nhập quốc tế. Gần đây nhất, Quốc hội đã thông qua Luật Kiến trúc năm 2019, văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động của Kiến trúc Việt Nam.
Với vai trò quan trọng đó, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân, đặc biệt là của đội ngũ Kiến trúc sư tâm huyết và tài năng, kiến trúc Việt nam đã có bước phát triển mới cả về tư duy, lý luận, đào tạo và sáng tác; đóng góp lớn cho tiến trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, góp phần làm cho diện mạo đất nước ngày càng đẹp, văn minh và giữ gìn bản sắc dân tộc, cuộc sống của người dân ngày càng hạnh phúc, tốt đẹp hơn.
Bộ trưởng cho biết, trong hệ thống 889 đô thị hình thành khắp cả nước, với hàng ngàn khu đô thị mới với hạ tầng được cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới; hàng vạn công trình, cụm công trình đa dạng, phức hợp về công năng, thẩm mỹ kết hợp khá nhuần nhuyễn tính dân tộc và hiện đại, được xây dựng bằng công nghệ tiên tiến, vật liệu mới đã và đang tạo lập những đô thị có diện mạo văn minh, hiện đại. Trong khi kiến trúc của nhiều vùng nông thôn đã thể hiện được tiêu chí “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp”.
Với những kết quả đó, giới Kiến trúc sư Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, ngày càng nhiều tác phẩm kiến trúc đạt giải thưởng quốc gia và quốc tế, trong đó gần nhất là 02 giải thưởng của các kiến trúc sư Việt Nam do Đại hội Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) bình chọn vừa qua… Với những kết quả đáng trân trọng đó, Kiến trúc Việt Nam đã và đang trở thành một địa chỉ sáng trong bản đồ kiến trúc toàn cầu.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng thẳng thắn chỉ ra, Kiến trúc Việt Nam vẫn còn những tồn tại, bất cập phải tiếp tục khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, nhiều đô thị phát triển không đồng bộ, chắp vá; còn bất cập giữa bảo tồn và phát triển; đô thị thiếu các không gian xanh, không gian công cộng, không gian mặt nước…
Song song với vấn đề nêu trên, kiến trúc đô thị phát triển nhanh, đa dạng nhưng còn xa lạ với văn hóa dân tộc, sao chép và chưa thực sự có bản sắc riêng; các khu phố hiện hữu có kiến trúc chắp vá, lai tạp, lấn chiếm không gian chung và không có các điểm nhấn đô thị; kiến trúc nông thôn có xu hướng bê tông hóa, rập khuôn; việc quản lý, bảo tồn, phát huy các kiến trúc đặc trưng, truyền thống, các giá trị về tự nhiên, cảnh quan, không gian và văn hoá bản địa riêng có của địa phương trong phát triển kiến trúc nông thôn chưa thực sự hiệu quả hoặc chưa được coi trọng đúng mức. Công tác nghiên cứu, lý luận, đào tạo về kiến trúc cần phải tăng cường, đổi mới.
Với thực tiễn đó, theo Bộ trưởng, kiến trúc Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Do đó, yêu cầu bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống cùng với xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc cần được nghiên cứu kỹ và được cụ thể hóa hơn nữa, với việc tiếp thu chọn lọc, ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng vật liệu mới, bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: “Điều này đặt ra cơ hội, yêu cầu mới, đòi hỏi đội ngũ Kiến trúc sư Việt Nam, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các chủ đầu tư và công tác quản lý nhà nước về Kiến trúc cần phải có những quan tâm nỗ lực, tiếp cận mới, có định hướng, giải pháp phù hợp, hiệu quả”.
Bộ trưởng tin tưởng rằng, với trách nhiệm, tâm huyết của các cơ quan tổ chức và giới Kiến trúc sư Việt Nam; với sự tham gia tích cực và sự đóng góp ý kiến quý báu của các đại biểu và các diễn giả trong nước và quốc tế, Triển lãm và Hội thảo sẽ thành công tốt đẹp.
Triển lãm và Hội thảo quốc tế về kiến trúc quy tụ và triển lãm hơn 100 tác phẩm kiến trúc và đồ án quy hoạch được giải thưởng quốc gia và quốc tế; cùng sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương, các hiệp hội nghề nghiệp, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ của Triển lãm cũng sẽ có các sự kiện: Tham quan thực tế dự án tại Kiên Giang tiêu biểu áp dụng công trình kiến trúc xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường; cùng với phiên khai mạc toàn thể sẽ là 2 hội thảo chuyên đề và 1 triển lãm kiến trúc song song.
Một số hình ảnh Lãnh đạo Bộ Xây dựng và các địa biểu tham quan tại Triển lãm:
Hai hội thảo chuyên đề do Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) thực hiện tập trung vào các chủ đề: “Phát triển kiến trúc bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”; “Vai trò của vật liệu, công nghệ trong tạo lập không gian sống” diễn ra vào chiều 8/9 với nội dung đi sâu bàn luận, trao đổi kinh nghiệm về quy hoạch, phát triển nhà ở bền vững; các giải pháp công nghệ vật liệu; phát triển nền kiến trúc quốc gia với đề cao giá trị bản sắc; thúc đẩy tiến trình xây dựng hạ tầng nhà ở nói riêng và không gian sống nói chung tiện nghi, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Khoa