Có thể thấy hiện nay cụm tên trên vẫn còn rất xa lạ không chỉ người dân mà ngay cả những người có tìm hiểu về hệ thống pháp lý. Việc mua bán thông qua lập vi bằng ở các văn phòng thừa phát lại tập trung chủ yếu vào các giao dịch liên quan bất động sản. Để rồi cũng từ đây nảy sinh các trường hợp tranh chấp mà sau khi có quyết định cuối cùng của tòa án, khá nhiều cá nhân hoặc gia đình rơi vào cảnh “trắng tay” vì tin tưởng rằng đây là một cách “công chứng” cho việc họ được quyền sở hữu và sử dụng tài sản liên quan.
Thực chất, vi bằng mua bán nhà đất là gì?
Theo Nghị định 61/2009/NĐ – CP thì thực chất vi bằng chỉ ghi nhận hành vi trao đổi, giao dịch tiền, giấy tờ chứ không chứng nhận việc mua bán tài sản, kể cả mua bán nhà, đất. Đó là một bằng chứng chứng minh có thỏa thuận, giao dịch… giữa hai bên, không phải là cơ sở để sang tên đổi chủ cho bên mua. Vì thế trong các giao dịch liên quan đến nhà đất, vi bằng chỉ ghi nhận việc giao tiền, giao nhận giấy tờ chứ không chứng nhận việc mua bán nhà đất. Dùng vi bằng trong mua bán nhà đất có thể xem là một hình thức lách luật, không có giá trị pháp lý và giao dịch có thể bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.
Bán nhà qua vi bằng là khái niệm đúng hay sai?
Thừa phát lại không có quyền công chứng. Vì vậy, bán nhà theo hình thức lập vi bằng công chứng Thừa phát lại là khái niệm sai. Cò đất tư vấn cho khách hàng điều này được xem là đã có hành vi lừa dối. Theo quy định của pháp luật thì thừa phát lại lập vi bằng trong những trường hợp sau:
Xác nhận hành vi giao nhận tiền, giao nhận tài sản; tình trạng nhà, đất, tài sản khi mua, bán, cho thuê; tình trạng tài sản trước khi kết hôn, ly hôn, thừa kế; quá trình và kết quả việc kiểm kê tài sản;
Xác nhận những việc không thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp; những giao dịch mà theo quy định của pháp luật không thuộc thẩm quyền công chứng;
Xác nhận những sự kiện pháp lý khác theo luật định.
Gía trị pháp lý của vi bằng
Không ít người mua nhà nhầm tưởng vi bằng do Thừa phát lại lập có thể thay công chứng, chứng thực và cho rằng tồn tại “vi bằng công chứng Thừa phát lại”. Cách hiểu này là hoàn toàn sai lầm. Pháp luật không ghi nhận vi bằng công chứng Thừa phát lại. Chỉ có vi bằng do Thừa phát lại lập và văn bản công chứng do Công chứng viên chứng nhận và đây là hai loại văn bản khác nhau.
Chỉ khi được đăng ký tại Sở Tư pháp thì vi bằng mới có giá trị. Vi bằng không bị giới hạn về thời hạn có hiệu lực. Nếu vi bằng bị từ chối đăng ký tại Sở Tư pháp thì sẽ không có giá trị làm chứng cứ khi Tòa án giải quyết vụ án. Đồng thời, cũng không có giá trị làm căn cứ để thực hiện những giao dịch hợp pháp khác theo luật định.
Mua bán nhà đất qua vi bằng có rủi ro không?
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, việc chuyển nhượng, mua bán nhà đất phải lập thành văn bản (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất) được cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực. Sau đó, phải đến Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện để thực hiện những thủ tục đăng ký trước bạ, sang tên (đăng ký biến động) cho bên mua.
Do đó việc mua bán qua vi bằng chưa có đầy đủ giá trị pháp lý đầy đủ, có trường hợp chủ sở hữu tài sản vẫn lập vi bằng chuyển nhượng nhà, đất trong khi tài sản đã thế chấp ở ngân hàng, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho người khác (bằng giấy tay).
Kết: Hiện nay khá nhiều ý kiến cho rằng thừa phát lại đang tiếp tay cho việc giao dịch bất động sản không hợp lệ diễn ra nhiều hơn. Tuy nhiên theo mình cần nhìn nhận rằng nếu thừa phát lại không làm những chuyện đó thì thực tế, các giao dịch đó vẫn diễn ra. Bao lâu nay, người dân vẫn mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay và vì thế nếu họ không có kiến thức về pháp luật, họ sẽ nghĩ rằng đây cũng là một hình thức công chức cho giao dịch mua bán này.