Theo các chuyên gia, dòng tiền trong dân còn lớn. Tuy nhiên, do bối cảnh nhiều biến động khiến tâm lý nhà đầu tư lo ngại khi xuống tiền nên họ chủ trương giữ tiền mặt.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân trong hệ thống ngân hàng đã ghi nhận xu hướng tăng mạnh trong 2 quý gần đây. Đặc biệt, chỉ tính riêng quý I năm nay, số dư này đã tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% và chính thức vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.
Đây cũng là quý thứ 8 liên tiếp số dư tiền gửi thanh toán cá nhân ghi nhận tăng trưởng dương, đồng thời là lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.
Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản cũng nhận định rằng: “Lượng tiền trong dân vẫn còn lớn. Thực tế là như vậy. Vì đầu tư vào chứng khoán, hay các ngành kinh doanh sản xuất khác không hiệu quả và thiếu ổn định”.
Trong một toạ đàm bất động sản mới đây, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế thừa nhận, thị trường 2022 sẽ không thiếu tiền. Ông Hiển cho rằng có nhiều nguồn tiền cho bất động sản rất dồi dào như tiền của người dân, vốn vay từ ngân hàng, trái phiếu, dòng tiền FDI.
Thị trường địa ốc gặp khó, dòng tiền e dè đổ vào bất động sản
Các chuyên gia cho rằng, tiền trong dân thực tế còn lớn song nguồn tiền này lại chưa đổ hoàn toàn vào lĩnh vực bất động sản do xuất phát từ yếu tố tâm lý e dè, phòng ngừa của nhà đầu tư. Một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc thẳng thắn cho rằng: “Chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều bất ổn, chính những bất ổn này cũng ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp bất động sản”.
Cũng bởi bất ổn này mà việc đổ tiền mạnh vào lĩnh vực bất động sản như trước đây đã không còn tái diễn. Chính bởi mức giá bất động sản đã tăng quá cao, cộng với việc thanh khoản chậm khiến cho nhà đầu tư lo ngại về khoản xuống tiền khó có lời. Họ còn lo ngại vào diễn biến bất ổn như lạm phát, kịch bản lặp lại thị trường khó khăn.
Thực tế, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc EZ, cho biết những nhà đầu tư lướt sóng hiện nay đang gặp khó vì không có thanh khoản. thị trường bất động sản trong những tháng vừa qua lộ rõ sự lao dốc và sẽ càng ngày càng rõ ràng hơn.
Ông Trần Khánh Quang cho rằng, giá bất động sản đang ở giá cao, trên đỉnh và đang dần tự điều chỉnh. Sự điều chỉnh này đến từ tác động điều chỉnh của Nhà nước, theo lệnh siết cho vay bất động sản của ngân hàng… Sự điều chỉnh của thị trường trong thời điểm khó khăn như hiện nay khiến cho việc mua bán bất động sản giá trị lớn “tắc”. Tất cả mọi thứ làm cho thị trường đang chững lại. Đó là dấu hiệu ngầm. Dù hiện tại, các chủ đầu tư đang quảng cáo rất tốt trên thị trường. Hậu quả chưa thấy rõ. Diễn biến này sẽ còn kéo dài trong 3-6 tháng tiếp. Nếu mà có sự hỗ trợ thị trường như tín dụng nhà nước, thị trường sẽ tốt lại, còn nếu không sẽ gặp khó khăn.
Khi đánh giá về diễn biến của thị trường địa ốc hiện tại, ông Đinh Thế Hiển phân tích, nếu quan sát thị trường từ năm 2016-2019, giai đoạn thị trường chính thức tan băng và tăng giá đã bộ lộ những biểu hiện cần lo lắng thị trường sẽ suy giảm, nhưng không ngờ thị trường đã lập mặt bằng giá mới trong hai năm 2020-2021.
Ở một số khu vực, bản thân thị trường đó đã là địa điểm phát triển khu dân cư, công nghiệp dịch vụ và có hạ tầng khu vực cũng phát triển. Nương theo đó, thị trường đã tạo ra mặt bằng “sóng lên” toàn phía Nam.
Cùng với sự phát triển đó, thị trường xuất hiện phong trào homestay, farmstay, qua đó đã truyền cảm hứng tăng giá nhà đất, tạo nên tâm lý hào hứng cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng phong trào này đã đi quá xa khi các nhà đầu tư có 500-600 triệu đồng cũng tham gia vào thị trường. Tất nhiên, giá này không thể mua được bất động sản vùng ven mà phải đi xa hơn. Chính đi xa tạo cảm hứng cho thị tường gần.
Nhưng những người mua lướt sóng chùn tay, do vậy lượng mua bán sẽ không nhiều.
Ông Hiển cho rằng, hiện đã có những nhà đầu cơ trung hạn, nhà đầu tư bắt đầu quay về với thị trường đúng chất đầu tư là thị trường quanh TP.HCM với bán kính 30km và nằm trong những khu vực động lực. Những khu vực động lực gồm khu đô thị hóa, công nghiệp hóa và những thị trường có hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, đó là khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Tương lai, các nhà đầu tư lướt sóng trung hạn, dài hạn sẽ tập trung đầu tư.
Theo ông Toản, nếu các ngân hàng không nới room tín dụng cho bất động sản thì thị trường sẽ còn khó khăn từ nay đến cuối năm. Dòng tiền chảy vào bất động sản sẽ co hẹp lại.
Việt Khoa/Nhịp sống kinh tế