Thoát “vòng kim cô”, giao dịch đất đặc khu tương lai vẫn èo uột

139

Sau khi có quyết định cho giao dịch trở lại, đất nền tại khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn không có dấu hiệu tăng giá, giao dịch ảm đạm.

Theo ghi nhận của VnEconomy, nhiều nhà đầu tư đã “ôm hàng” từ thời điểm trước vẫn chưa thể thoát hàng. Còn người mua có tâm lý thận trọng hơn rất nhiều trước quyết định xuống tiền mua đất đầu tư.

Một góc Vân Đồn - Quảng Ninh

Một góc Vân Đồn – Quảng Ninh

Năm 2018, trước cơn sốt đất nền tại 3 khu vực dự kiến sẽ thành đặc khu kinh tế tương lai là Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), chính quyền tại đây buộc phải ra “lệnh” dừng giao dịch và liên tục cảnh báo các nhà đầu tư.

Cơn sốt đất đã góp phần đẩy giá đất thổ cư, đất vườn, đất rừng… tại 3 đặc khu này tăng chóng mặt 30-50% chỉ trong một thời gian ngắn. Chính vì vậy, khi được giao dịch trở lại, giá đất đã được đưa lên mức cao.

Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho thấy, mặc dù là chưa chính thức trở thành đặc khu, song do sức nóng, đất nền tại các dự án của Vân Đồn dao động từ 20-50 triệu đồng/m2, tăng khoảng 5-6 lần giá trị so với hai năm trước.

Còn tại Phú Quốc, thị trường bất động sản vẫn diễn biến rất phức tạp. Giá đất tại Phú Quốc liên tục tăng nhanh tới 10-20 lần chỉ trong thời gian ngắn. Có lô đất giá 800 triệu đồng, nhưng chỉ sau 3 năm đã lên tới 18 tỷ đồng.

Ghi nhận từ các sàn giao dịch bất động sản cho thấy, tại khu vực Vân Đồn, giá đất dọc trục các con đường chính ở thị trấn Vân Đồn như đường 334 giao dịch ở mức 22-26 triệu đồng/m2, khu Thống Nhất là 25-45 triệu đồng/m2 (đều tăng 4-10 triệu đồng/ m2)…

Tại Vân Phong, đất tái định cư khu vực Hải Triều được chào bán 14-14,5 triệu đồng/m2, tái định cư Đại Lãnh giá 7-10 triệu đồng/ m2… Nhiều lô đất lớn ở Vạn Ninh, trong đó có một phần đã được lên thổ cư, giá chào bán 3-4 triệu đồng/m2; đất tại Vạn Hưng giá chào bán 2-3 triệu đồng/m2…

Đại diện một số sàn giao dịch bất động sản như Phú Quý Land, Địa ốc 24 tại Vân Đồn cho biết, sau nhiều tháng tạm dừng giao dịch đất, nhiều sàn giao dịch đã bắt đầu mở cửa trở lại phục vụ nhu cầu của các khách hàng. Tuy nhiên, số lượng khách tìm mua đất đã giảm mạnh, chủ yếu đến để tìm hiểu thông tin. Các giao dịch bất động sản lúc này chủ yếu các nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục mua bán trước đó đã bị dừng. Số còn lại là dân địa phương đến giải quyết việc tách thửa cho các thành viên trong gia đình hoặc các hộ dân tại địa phương có nhu cầu mua ở thực.

Về giá bán, mức giá hiện đã giảm hơn so với lúc sốt khoảng 7-10%. Đối với những thửa đất chưa đủ giấy tờ pháp lý thì mức giảm sâu hơn 15-20%.

Tại Phú Quốc, các sàn giao dịch bất động sản cho biết, hoạt động mua bán nhà đất diễn ra trầm lắng. Các nhà đầu tư “cá mập” hiện vẫn đang nắm giữ rất nhiều hàng vì vậy chưa có động thái muốn gom hàng. Các thửa đất giao dịch được tại thời điểm này đều là đất thổ cư, có sổ đỏ. Các khu đất vườn, đất rừng gần như không có giao dịch. Đối với các giao dịch đất thương mại dịch vụ, đất dự án được các cơ quan chính quyền giám sát chặt.

Nhận định về vấn đề này, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội cho rằng, cơn sốt đất nền tại các đặc khu kinh tế thời điểm trước chỉ là cơn sốt ảo do các nhà đầu tư cùng đổ xô đi “lướt sóng”. Trong khi, đất tại các khu vực này hạ tầng nghèo nàn, du lịch chưa phát triển, người dân địa phương còn nghèo. Vì vậy, khi đầu tư vào khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong phải nhìn đầu tư trung và dài hạn.

“Tôi đánh giá cũng nhờ các chính sách từ phía chính quyền mà tình trạng “cò đất”, “cò cọc” đã được hạn chế một cách tối đa. Như vậy, việc thị trường bất động sản Phú Quốc có dấu hiệu chững lại cũng được xem là một tín hiệu đáng mừng nhằm tạo ra tính ổn định cho hoạt động kinh doanh tại đây”, ông Hiển nhấn mạnh.

Thuỳ Linh/VnEconomy