Dù vậy, sau khi bỏ vài tỷ đồng mua căn hộ, thậm chí là 5-7 tỷ cho những căn chung cư 5 sao nhưng nhiều khách hàng cho biết họ rất bức xúc với lối cư xử ngang ngược của một số chủ đầu tư hoặc ban quản lý do chủ đầu tư thuê vận hành tòa nhà.
Những tưởng mua được căn nhà là có thể yên tâm ở trong chính ngôi nhà của mình nhưng nhiều người ngã ngửa khi phải phụ thuộc chủ đầu tư về chỗ để xe, thẻ ra vào tòa nhà và đôi khi là bị chính bảo vệ của tòa nhà nạt nộ.
Một ngày giữa tháng 11, chị Nguyễn Thị H, sống tại một chung cư cao cấp tại quận 5 TP.HCM phải tăng ca nên trở về chung cư vào lúc 23 giờ 30. Không may, chị H làm rơi thẻ ra vào thang máy nên không thể lên căn hộ của mình. Trong khi đó, người nhà đã ngủ say nên chị H ngại làm phiền đến người thân.
Lúc này, chị H. ra nhờ bảo vệ của tòa nhà giúp đỡ, người này bắt đầu nạt nộ chị H. rằng “đã về muộn còn làm mất thẻ thì ra ngoài mà ngủ”. Thay vì hỏi chị H. bằng thái độ thiện chí thì người này liên tục lớn giọng, bắt chị H. phải đọc số căn hộ và tên của các thành viên sống trong căn hộ. Quá bức xúc, chị H. đành phải gọi chồng xuống hỗ trợ vào thang máy.
“Mua chung cư này cũng gần 6 tỷ đồng mà dịch vụ thì quá tệ. Tôi ở chung cư đóng đủ phí quản lý, phí bảo trì hẳn hoi mà cứ như đi ăn nhờ ở đậu. Muốn làm cái gì cũng phải í ới đến rát cả cổ. Điện nước hư hỏng thì chờ mãi mới có người đến giúp, đi đâu về muộn thì cứ như làm cái gì tội lỗi lắm. Đôi khi tôi cứ tưởng là mình đang ở nhà thuê chứ không phải nhà của mình”, chị H. bức xúc.
Tương tự như trường hợp của chị H. là trường hợp của anh Nguyễn Quang A, sống một ở một chung cư tại quận Gò Vấp. Anh A cho biết mua căn hộ từ năm 2017 nhưng sau 2 năm sống tại đây thì xảy ra vô số vấn đề bức xúc. Ngoài việc thang máy trục trặc liên tục, ban quản lý tòa nhà thờ ơ với việc vệ sinh, mùi hôi thối từ các cống bốc lên không ai can thiệp thì anh A còn bức xúc vì chủ đầu tư lấn chiếm bãi đỗ xe máy.
Theo anh A, diện tích bãi đỗ xe vốn dĩ đã hẹn hẹp nhưng chủ đầu tư còn tận dụng một góc bãi đỗ xe để sử dụng cho mục đích riêng nên xảy ra tình trạng cư dân thiếu chỗ để xe. Nhiều lần anh A về chung cư nhưng không có chỗ để xe phải ra quán cà phê gần đó gửi nhờ. Kể lại với PV, anh A tỏ ra hối hận vì bỏ tiền ra mua chung cư nhưng không nhận được dịch vụ như mong muốn.
“Lúc quảng cáo bán nhà thì họ luôn nói ngon ngọt, vẽ ra một viễn cảnh về các tiện ích tuyệt vời khi sinh sống tại chung cư. Nhưng sau khi trả tiền xong xuôi và dọn vào ở rồi thì chủ đầu tư coi như mặc kệ cư dân muốn làm sao thì làm. Họ chỉ lo giữ túi tiền của họ, phủi phui trách nhiệm và đi lo dự án khác”, anh A nói.
Thêm một trường hợp khác là tại một chung cư ở quận Tân Phú. Anh Trần Văn Q, cho biết bức xúc của cư dân ở đây chính là sự ngang ngược của chủ đầu tư về việc thuê ban quản lý tòa nhà. Mặc dù đã có ban quản trị nhưng chủ đầu tư không để ban quản trị quyết định việc thuê công ty quản lý mà tự thuê một công ty không có chuyên môn về quản lý tòa nhà, xảy ra nhiều vấn đề thiếu chuyên nghiệp.
Anh Q kể ban quản lý này thường xuyên vô duyên vô cớ cắt điện nước nhưng không báo trước. Công ty này cũng thản nhiên cho người đi rao bán đồ ăn, nước uống khắp tòa nhà mà không hề có sự kiểm soát nào khiến người dân gặp phiền phức. Thậm chí, có khi cả gia đình đang ngủ say anh Q cũng bị quấy rối bởi một người lạ gõ cửa hỏi mua đồ cũ.
Trong khi đó, ở một chung cư khác tại quận 2 thì xảy ra tình trạng chủ đầu tư ép cư dân phải đóng tiền lắp hệ thống cáp và Internet. Trong khi đó, số tiền này cư dân cho biết khi bàn giao căn hộ đã cộng vào phí trong hợp đồng mua bán.
Sở hữu một căn nhà thì ai cũng có nhu cầu nhưng hiện nay nhiều người đang ngán ngẫm nên không còn mặn mà với việc mua căn hộ như trên. Thậm chí, nhiều cặp vợ chồng cho biết họ thà chọn phương án ở nhà thuê chứ không mua căn hộ chung cư vì lo sợ rắc rối.
Theo: Khánh Hòa
Dân Việt