Đà Nẵng kiến nghị gỡ vướng nhiều dự án bất động sản

131

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề nghị Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về pháp lý của nhiều dự án bất động sản.

Ông Huỳnh Đức Thơ nêu đề nghị trên tại hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 2/7. Theo ông Thơ, ngoài các dự án liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2012 và những năm gần đây còn có các dự án mang tính chất tương tự khác.

“Việc này Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành tháo gỡ và Thanh tra Chính phủ có nhiều cuộc làm việc với TP Đà Nẵng nhưng kết quả giải quyết còn hạn chế. Chúng tôi xem các dự án này là một trong những nguồn lực lớn quan trọng để phát triển thành phố”, ông Thơ nói.

Theo Chủ tịch Đà Nẵng, nếu những vướng mắc về thủ tục không được tháo gỡ sẽ là điểm nghẽn lớn trong việc khai thác các dự án lớn, tạo ra nguồn thu, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội thành phố.

Mặt khác, hiện một số kết luận thanh tra, phán quyết của các vụ án được thi hành rất khó khăn. “Như sân vận động Chi Lăng, đã có phán quyết của toà rất lâu, nhưng chưa thi hành được do vướng nhiều thủ tục pháp lý”, ông cho hay.

Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn ở các dự án này, xem như nguồn lực để phát triển thành phố.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Ngoài ra, ông Huỳnh Đức Thơ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị tham mưu nhanh chóng triển khai hướng dẫn để tổ chức chính quyền đô thị và chính sách đặc thù cho Đà Nẵng.

Nhiều dự án giao thông cũng được Thành phố kiến nghị Chính phủ thông qua chủ trương như xây dựng cảng Liên Chiểu; nâng cấp sân bay Đà Nẵng trong đó mở rộng nhà ga T1 về phía nam, xây ga hàng hoá, xây nhà ga T3; nâng cấp mở rộng quốc lộ 14B kết nối Đà Nẵng với Quảng Nam…

Trước những kiến nghị này, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, Thường trực Chính phủ sẽ sắp xếp làm việc với TP Đà Nẵng.

Trước đó, tại hội nghị Chính phủ với các địa phương tháng 7/2019, ông Huỳnh Đức Thơ từng kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản. Theo ông, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2012, thành phố đã chủ động rà soát tất cả dự án bất động sản, phát hiện hàng trăm dự án có vướng mắc và sai phạm tương tự.

Thành phố đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ nghiên cứu giải quyết những kiến nghị, nhưng hiện chưa nhận được chỉ đạo giải quyết của bộ, ngành và cấp trên.

Tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng sáng 30/6, Bí thư Thành uỷ Trương Quang Nghĩa, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, nói toà đã phán quyết thì thành phố phải thu hồi, nhưng “đang vướng và lúng túng” ở dự án Đa Phước. Từ phán quyết của tòa, hiện nay “suốt ngày thành phố phải tiếp công dân đã mua đất tại đây”.

Theo ông Nghĩa, dự án đã bán (cho người dân) rồi nên tòa giao cho thành phố thu hồi là rất khó thực thi. Tới đây còn một số dự án khác, nếu kết luận thanh tra tương tự như vụ Đa Phước thì rất khó cho Đà Nẵng.

Về dự án sân vận động Chi Lăng, ông Nghĩa cho hay, vừa qua Đà Nẵng đã gửi kiến nghị lên cấp trên. Tuy nhiên, việc lấy lại khu đất vị trí 4 mặt tiền giữa trung tâm quận Hải Châu không dễ, vì toà đã ra phán quyết những “giằng co” quyền lợi giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Theo ông Nghĩa, thành phố có những căn cứ cho việc “chuộc” lại dự án này như nguyện vọng của đông đảo người dân. Đó là thành phố giao đất cho doanh nghiệp 10 năm qua, nhưng đến nay họ chưa xong giải phóng mặt bằng và chưa có quy hoạch.

Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất… không tuân thủ quy định của pháp luật ở Đà Nẵng đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư chuyển nhượng thu lời bất chính.

Việc UBND TP Đà Nẵng giảm 10% tiền sử dụng đất cho các hộ được bố trí đất tái định cư, tổ chức cá nhân được giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không đúng, gây thất thu ngân sách.

Giải trình tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 12/7/2018, ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch thành phố cho biết đến cuối năm 2017, Đà Nẵng đã truy thu được hơn 402 tỷ đồng (trong tổng số hơn 2.353 tỷ đồng) mà Thanh tra Chính phủ kết luận phải thu về ngân sách thành phố.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp các nhà đầu tư được giảm 5%, 10% tiền sử dụng đất nhưng đã chuyển nhượng quyền cho các tổ chức, cá nhân khác dẫn đến việc thu hồi gặp nhiều khó khăn (người nhận chuyển nhượng không thuộc đối tượng thu tiền giảm 5%, 10%).

Hoàng Thùy – Viết Tuân/VnExpress