Tại nhiều chung cư trong những ngày này, không khó để bắt gặp những hình ảnh người dân đóng kín cửa, phơi quần áo chật ban công nhiều ngày nhưng không khô. Dù ở tầng thấp cho đến tầng cao, mặt sàn các căn hộ chung cư đều ẩm ướt, bết dính và bốc mùi ẩm mốc.
Nhiều người dân tỏ ra vô cùng lo lắng, bởi thời tiết nồm ẩm sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại virus, vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, gây nhiều loại bệnh nhất là những bệnh lây qua đường hô hấp.
Chị Hoan – cư dân một khu chung cư trên địa bàn quận Hà Đông cho biết, mấy hôm nay, chị vừa phải xin nghỉ làm để ở nhà trông con vừa phải lau nhà thường xuyên vì nồm ẩm, thế nhưng căn nhà của chị vẫn không thể hết cảnh ẩm ướt . Đặc biệt, quần áo chị giặt cho con không kịp khô, đồ đạc bị ẩm ướt khiến mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn.
“Cứ duy trì kiểu thời tiết như thế này thì cả nhà tôi đổ bệnh mất. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhà cửa lúc nào cũng phải thông thoáng, sạch sẽ nhưng vì nồm ẩm nên nhà tôi cứ phải của đóng then cài cả ngày rất bí bách”, chị Hoan tâm sự.
Anh Hiến, hàng xóm cạnh căn hộ nhà chị Hoan cũng cho hay, dù ở tầng cao nhưng anh phải bật điều hoà 24/24 chế độ khô cả phòng khách và phòng ngủ, để giữ trong nhà luôn khô thoáng, tránh vi khuẩn xâm nhập.
Có điều kiện hơn, gia đình nhà chị Nguyễn Thu Thủy ở chung cư khu vực Thanh Xuân đã khắc phục thời tiết nồm ẩm này bằng việc mua 3 chiếc máy hút ẩm để đặt ở phòng ngủ và phòng khách. Riêng quần áo, chị Thủy sử dụng thêm máy sấy để không phải chịu cảnh phơi nhiều ngày mà vẫn không khô.
“Đang vừa mùa dịch bệnh và nồm ẩm thế này thì việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho cả nhà là rất quan trọng”, chị nhấn mạnh.
Thời tiết nồm ẩm không chỉ khiến cho ngôi nhà thêm phần nhếch nhác, bẩn thỉu mà còn khiến một số thiết bị máy móc, điện tử của gia đình nhà anh Nguyễn Thanh Hải, ở Từ Liêm Hà Nội dở chứng.
Anh cho hay, chiếc tivi treo tường mới mua được mấy tháng bỗng nhiên đổ bệnh, đến khi gọi được nhân viên sửa chữa thì mới hay do bị ẩm ướt.
Vừa khổ sở chống chọi trong căn hộ của gia đình mình , các cư dân còn kêu than khi hành lang ẩm ướt, trơn trượt. Dù được các nhân viên vệ sinh ở các tòa nhà lau dọn thường xuyên nhưng vẫn không cải thiện.
“Bình thường chúng tôi chỉ lau dọn sảnh tòa nhà, hành lang 3 đến 4 lần là sạch nhưng mấy hôm nay, chúng tôi phải làm vệ sinh liên tục mà vẫn không khô kịp, vẫn ướt nhẹp”, chị Lan – nhân viên dọn vệ sinh ở khu vực Văn Phú, Hà Đông kể.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho hay, người dân ở nhà chung cư trước khi dọn về ở nên sơn lại tường trong nhà.
Đặc biệt, tường nhà nên dùng các sản phẩm sơn có độ phủ cao, khi đó diện tích bề mặt sẽ được bảo vệ tốt, tránh được các tác nhân gây hại như nấm mốc hoặc loang sơn, giúp các căn hộ chung cư khỏi các tác nhân gây hại cũng như duy trì được tuổi thọ cho tường và trần nhà.
Theo Nhật Hạ
VietnamNet