Nhà trọ, căn hộ cho thuê dần khởi sắc

67

Các phòng trọ, căn hộ dịch vụ và căn hộ cho thuê đều đang tăng giá khá mạnh dù khách thuê chưa bằng trước đại dịch.

Theo thống kê của chuyên trang Chợ Tốt Nhà, từ khi TP.HCM được công nhận là “vùng xanh” thì nhu cầu tìm kiếm phòng trọ tăng cao trở lại với 96% tin đăng được khách thuê liên hệ, trong khi năm 2020, tỉ lệ này chỉ đạt 86%. Đến nay, tỉ lệ này đã xấp xỉ 99% tin đăng được khách thuê liên hệ.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, vài tháng trở lại đây, hoạt động cho thuê nhà, nhà trọ và căn hộ ở TP HCM đã khởi sắc hơn rất nhiều so với thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Trong đó, các khu nhà trọ ở TP Thủ Đức và các quận, huyện như Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân, Bình Chánh… nơi có nhiều khu công nghiệp, nhà xưởng, trường học… hầu hết đều đã lấp đầy.

Anh Huỳnh Hữu Phúc – quản lý 2 khu nhà trọ ở đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh và Tỉnh lộ 10, quận Bình Tân với tổng cộng trên 75 phòng – cho biết hiện tại cả 2 khu nhà trọ của anh đã lấp đầy. Theo anh Phúc, hơn 2 năm trước, anh bỏ tiền đầu tư 2 khu nhà trọ, mới cho khách thuê được 1/3 số phòng thì dịch Covid-19 ập tới. Khách trả phòng hoặc bỏ về quê nhưng không trả tiền khiến anh điêu đứng. Mãi đến tháng 11-2021, khách thuê mới dần trở lại và lấp đầy dần. “Đến nay, 2 khu nhà trọ của tôi không còn phòng nào trống. Gần đây vật giá leo thang nên tôi có đề nghị tăng tiền phòng thêm 10-15% chứ không còn giảm 50% như hồi dịch nhưng khách thuê vẫn đồng ý. Nếu kinh doanh vẫn tiến triển tốt, sắp tới tôi sẽ đầu tư thêm một khu nữa vì nhu cầu thuê trọ chỉ có tăng chứ không giảm” – anh Phúc tính toán.

Một căn hộ cho thuê ở khu chung cư cao cấp hiện có giá dao động từ 17-32 triệu đồng/tháng, tăng khá mạnh so với năm ngoái

Tương tự, 3 dãy nhà trọ với tổng cộng 200 phòng của gia đình anh Hải ở quận Tân Phú, lượng khách thuê cũng ngày càng đông. Anh Hải cho biết dù chưa lấp đầy nhưng yên tâm hơn trước rất nhiều. Bởi hơn 1 năm ế ẩm, không có nguồn thu, hằng tháng gia đình anh phải chạy lo tiền để trả ngân hàng, rất mệt mỏi.

Không nhộn nhịp như các khu trọ bình dân, phân khúc căn hộ dịch vụ với thiết kế đẹp, đủ tiện ích cơ bản ở các quận trung tâm TP.HCM cũng đang hút khách trở lại dù giá tăng khá cao.

Trong khi đó, phân khúc căn hộ cho thuê ở khu chung cư dù khách thuê chưa hồi phục như trước dịch Covid-19 nhưng giá lại tăng khá mạnh, đặc biệt là căn hộ ở những khu vực gần trung tâm thành phố như quận Bình Thạnh, quận 2 cũ, quận 4, quận 7, Gò Vấp, Phú Nhuận… Các căn hộ 2 phòng ngủ ở khu Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh) năm ngoái chỉ 14-17 triệu đồng/tháng thì nay lên 17-22 triệu đồng/tháng; căn hộ 3 phòng ngủ hiện tới 28-32 triệu đồng/tháng. Tương tự, giá căn hộ cho thuê ở khu Phú Mỹ Hưng, quận 7 cũng tăng 10%-15% so với năm ngoái.

Hoàng Vy, người môi giới căn hộ cho thuê ở khu Vinhomes Central Park, cho biết hiện nay nhu cầu thuê căn hộ ở khu này hay các chung cư xung quanh đang tăng nhanh vì nhiều người đã đi làm bình thường, trong đó có nhiều du khách, doanh nhân nước ngoài trở lại TP.HCM làm việc.

Chuyên gia bất động sản cá nhân, ông Phan Công Chánh, Tổng Giám đốc Phú Vinh Group, cho rằng việc nhà trọ và căn hộ dịch vụ, căn hộ cho thuê nhộn nhịp trở lại cũng là điều dễ hiểu. Bởi thời điểm này các hoạt động kinh tế – xã hội gần như đã trở lại bình thường như trước. Theo ông Chánh, trong thời gian tới, công suất cho thuê sẽ ổn định, chưa thể tăng mạnh trong khi giá thuê có thể tiếp tục tăng nhẹ, ít nhất từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, nhiều người chưa dám bỏ tiền đầu tư, xây dựng các khu nhà trọ, căn hộ cho thuê như trước.

Giá thuê văn phòng cũng tăng

Theo báo cáo quý I của CBRE Việt Nam, thị trường văn phòng ở TP HCM ghi nhận xu hướng phục hồi tốt, tổng diện tích hấp thụ thuần trong quý đã tương đương 32% so với cả năm 2021, đạt 17.000 m2. Đặc biệt, giá thuê văn phòng hạng A đạt mức 44,9 USD/m2/tháng, tăng 5,1% so với quý trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá thuê văn phòng hạng B bình quân 25,9 USD /m2/tháng, tăng 1,7% so với cuối năm 2021 nhưng tăng đến 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Sơn Nhung/Người lao động