Nhiều đại gia ‘cháy túi’ nếu đề xuất này được thông qua

189

Để ngăn chặn tình trạng một số doanh nghiệp, đầu nậu lợi dụng bộ Luật Dân sự để huy động vốn trái phép, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã kiến nghị bổ sung chế định mức đặt cọc khi ký hợp đồng mua bán.

Mức đặt cọc không quá 50 triệu đồng

Mới đây, trong văn bản đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan tới các bộ luật trong lĩnh vực bất động sản, HoREA đã đề nghị bổ sung hành vi bị cấm vào điều 8, Luật Kinh doanh bất động sản.

Cụ thể, HoREA kiến nghị không lập hợp đồng mua bán hoặc sử dụng hình thức lập biên bản, thỏa thuận ‘đặt cọc giữ chỗ’, ‘góp vốn đầu tư’, ‘hợp tác đầu tư, ‘hợp tác kinh doanh’ để thực hiện giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai. HoREA cho rằng việc này huy động vốn trái phép, trái với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.

Đặc biệt, HoREA cũng đề nghị bổ sung chế định về đặt cọc vào điều 57 của Luật Kinh doanh bất động sản với số tiền không quá 50 triệu đồng trước khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai.

Nhiều đại gia cháy túi’ nếu đề xuất này được thông qua - 1

HoREA kiến nghị bổ sung chế định mức đặt cọc khi ký hợp đồng mua bán. (Ảnh minh họa)

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, Luật kinh doanh Bất động sản không có quy định đặt cọc nên các đầu nậu, doanh nghiệp lách qua Luật Dân sự để không hạn chế về số tiền huy động. Đa số những trường hợp đặt cọc càng cao thì những dự án đó khách hàng thường ‘ăn quả lừa’.

“Mức 50 triệu đưa ra chỉ là mức đề xuất thôi chứ con số đặt cọc bao nhiêu thì cơ quan thẩm quyền còn cân nhắc. Trong hợp đồng kinh doanh bất động sản, thanh toán đợt 1 không quá 30% giá trị hợp đồng cho nên đặt cọc không quá 50 triệu là hợp lý”, ông lý giải.

Chủ tịch HoREA nói rằng kiến nghị này đưa ra nhằm mục tiêu kiểm soát tình trạng phân lô bán nền, lợi dụng luật dân sự để huy động vốn trong khi luật kinh doanh bất động sản không quy định. Đây là thiếu sót có thể bổ sung vào luật.

Nhiều ý kiến trái chiều

Đánh giá về kiến nghị của HoREA, một số chuyên gia bất động sản cho rằng đề xuất trên không hợp lý và can thiệp sâu vào hoạt động doanh nghiệp.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group nói rằng ông ủng đề xuất đặt cọc khi ký hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, nó không nên giới hạn số tiền bao nhiêu. Đối với những chủ đầu tư uy tín, họ huy động dưới 30% là được. Còn mức cọc bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào chuyện lợi nhuận giữa đôi bên.

“Câu chuyện ở đây không phải là đặt cọc bao nhiêu mà khách hàng phải tìm hiểu nhà đầu tư và đặt niềm tin của mình đúng chỗ. Những thỏa thuận dân sự như: đặt cọc, đặt chỗ… đó là nhu cầu xã hội. Bản thân chủ đầu tư cũng không thể tự mình đi điều chỉnh được nhu cầu xã hội”, ông Phúc cho biết.

Cạnh đó, Tổng giám đốc Phú Đông Group nhận định cái lợi khi huy động vốn là chủ đầu tư có vốn để lo những chi phí rất lớn vào dự án. Còn phía khách hàng cũng mua được giá rẻ hơn theo các hình thức chiết khấu.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành TP.HCM nói rằng không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động các doanh nghiệp với khách hàng bởi đó là hoạt động dân sự. Đề xuất đặt cọc không quá 50 triệu với những dự án nhỏ thì không sao nhưng với những dự án cao cấp thì con số 50 triệu như “muối bỏ biển”.

“Nếu doanh nghiệp làm sai, lừa đảo khách hàng thì doanh nghệp phải chịu trách nhiệm và bị xử lý trước pháp luật, còn về luật chúng ta không nên áp đặt như vậy”, ông Đực nhận định.

Ngoài ra, để tránh rủi ro cho khách hàng, các chuyên gia trên cho rằng cơ quan Nhà nước cần phải thông tin minh bạch, công khai quy hoạch các dự án. Đồng thời, đưa ra những cảnh báo để khách hàng biết và tìm hiểu chủ đầu tư kỹ càng, tránh bị lừa đảo.

Theo Công Hưng

VietnamNet

Nguồn bài viết: Dân Trí